Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 14:32 (GMT +7)
Thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn từ các Chương trình MTQG
Thứ 7, 06/07/2024 | 11:14:19 [GMT +7] A A
Qua 14 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), Quảng Ninh được đánh giá đã đạt được nhiều thành tựu to lớn. Bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang, tiện ích xã hội được nâng lên, thu nhập của người dân dần được cải thiện. Nhiều mô hình kinh tế cho giá trị cao, phát triển theo hướng sinh thái, bảo vệ môi trường, ứng dụng khoa học công nghệ ngày càng được nhân rộng ở khu vực nông thôn.
Khi chương trình xây dựng NTM được lan tỏa rộng rãi khắp các thôn, gia đình bà Phí Thị Oanh, thôn Tân Hợp, xã Quảng Tân (huyện Đầm Hà) đã mạnh dạn chuyển đổi 3ha diện tích đất ruộng sang trồng ổi. Những năm gần đây, khi quy trình VietGap được phổ biến rộng rãi, gia đình bà Oanh cũng nhanh chóng tiếp cận phương thức chăm sóc này và áp dụng cho diện tích trồng ổi của gia đình mình. Lợi nhuận kinh tế từ mô hình này mang lại cho gia đình bà hơn 100 triệu đồng mỗi năm. Đời sống gia đình cũng từ đó khấm khá hơn. Bà Oanh cho biết: Sản xuất theo quy trình VietGAP đem lại giá trị cao cho nông sản, nhờ đó, đầu ra bền vững hơn nên gia đình tôi tiếp tục duy trì diện tích trồng ổi theo quy trình này.
Còn đối với gia đình ông Trần Văn Điều, xã Quảng Long, huyện Hải Hà, được sự vận động, hướng dẫn của chính quyền địa phương, gia đình ông cũng đã tham gia chuyển đổi diện tích trồng chè hiện có sang áp dụng quy trình chăm sóc VietGAP. Nhờ đó, 2 năm nay, diện tích trồng chè của gia đình ông luôn đạt chất lượng cao, an toàn và được hộ thu mua ưu tiên. Hướng đi này cũng mang về cho gia đình ông nguồn thu nhập gần 100 triệu đồng/năm.
Để thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân vùng nông thôn, thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đặc biệt chú trọng đến việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nghiên cứu, sản xuất giống mới, năng suất, chất lượng; phát triển nông nghiệp hữu cơ, phát triển chuỗi các sản phẩm nông sản chủ lực… Tính đến nay, tỉnh đã quy hoạch 17 vùng sản xuất nông nghiệp tập trung và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. Duy trì trên 1.000ha vùng trồng trọt được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP; 94ha lúa chất lượng cao; 420 cơ sở áp dụng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến, 46 vùng trồng được cấp mã số.
Ngoài việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp, để tạo đà cho kinh tế nông thôn, tỉnh cũng đặc biệt quan tâm, dành nguồn vốn tín dụng ưu đãi, khuyến khích các tổ chức tín dụng cho vay đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn; hỗ trợ tín dụng cho HTX, doanh nghiệp, hộ nông thôn phát triển sản xuất kinh doanh; nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng… Từ sự tiếp sức này, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn triển khai các mô hình phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, từng bước hình thành nền sản xuất hàng hóa, thúc đẩy kinh tế nông thôn.
Với chị Nguyễn Thị Thu, thị trấn Cô Tô (huyện Cô Tô), nguồn vốn vay ủy thác của Ngân hàng CSXH đã giúp cho gia đình chị mua thêm máy móc và nguyên vật liệu phục vụ chế biến hải sản. Chị Thu chia sẻ: Nhờ 100 triệu đồng vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng CSXH, gia đình tôi đã đầu tư thêm kho lạnh bảo quản, gia tăng công suất chế biến, mở rộng năng lực sản xuất. Hiện nay, cơ sở của gia đình đang tạo việc làm cho 3 lao động địa phương, thu nhập của mỗi lao động tại cơ sở là 5-7 triệu đồng/người/tháng.
Tính đến nay, sau 14 năm thực hiện chương trình xây dựng NTM, kinh tế nông thôn Quảng Ninh có nhiều đổi thay tích cực. Thu nhập bình quân của người dân nông thôn đã đạt trên 73 triệu đồng/người/năm. Người dân nông thôn từng bước làm chủ quá trình phát triển nông nghiệp hiện đại. Các vùng nông thôn Quảng Ninh đang trên tiến trình chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Những kết quả này, chính là động lực để tỉnh tiếp tục hiện thực hóa mục tiêu đưa khu vực nông thôn Quảng Ninh ngày càng giàu có, hiện đại, thu hẹp dần khoảng cách chênh lệch giữa các vùng miền trong tỉnh.
Nguyên Ngọc
Liên kết website
Ý kiến ()