Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 15:21 (GMT +7)
Thúc đẩy phát triển dịch vụ thương mại
Thứ 5, 20/05/2021 | 07:44:59 [GMT +7] A A
Từ năm 2016, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết 02-NQ/TU về phát triển dịch vụ tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030. Thực hiện Nghị quyết này, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các sở, ngành đã có nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển dịch vụ trên địa bàn, trong đó có dịch vụ thương mại.
Quảng Ninh luôn bám sát tình hình thực tiễn để có những chính sách, cách làm phù hợp thúc đẩy dịch vụ thương mại ngày càng phát triển, như: Gắn chặt phát triển dịch vụ thương mại với phát triển du lịch; đầu tư hệ thống giao thông đồng bộ từ thành thị đến nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, hệ thống giao thông cả đường bộ, đường biển và đường hàng không... để tạo điều kiện thuận tiện cho doanh nghiệp, người dân giao lưu vận chuyển, trao đổi, mua bán hàng hóa.
Quảng Ninh cũng tập trung xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng thương mại. Đến nay, hệ thống các chợ, siêu thị tiếp tục được đầu tư nâng cấp đồng bộ, hiện đại. Một số Trung tâm thương mại còn gắn với du lịch, qua đó thu hút các nhà đầu tư có thương hiệu, uy tín như: Vincom, Go, Mega Maket, Lotte... từ đó hình thành các chuỗi tiêu thụ sản phẩm trên khắp địa bàn tỉnh. Nhờ vậy, đến nay, toàn tỉnh đã có 27 siêu thị, 7 trung tâm thương mại. Cùng với đó, hệ thống chợ cũng ngày càng được đầu tư, nâng cấp với 133 chợ (22 chợ hạng I, 23 chợ hạng II, 88 chợ hạng III), trong đó 40 chợ đã thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý (do tư nhân thực hiện)...
Đặc biệt, để thúc đẩy dịch vụ tiêu thụ hàng hóa sản xuất trên địa bàn, nhiều năm qua, Quảng Ninh đã tập trung thực hiện chương trình mỗi xã phường một sản phẩm (OCOP tỉnh Quảng Ninh). Chương trình này được Trung ương chọn và triển khai nhân rộng ra khắp cả nước. Đến nay toàn tỉnh có 167 doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất và 421 sản phẩm tham gia Chương trình OCOP. 90% các sản phẩm OCOP được dán tem điện tử truy suất nguồn gốc. Các sản phẩm này đều đạt chuẩn tiêu chí về VSATTP, kiểu dáng, nhãn mác, bao bì, nguồn gốc xuất xứ và được công bố hợp quy hoặc quy định phù hợp. Qua đó, toàn tỉnh đã hình thành 29 trung tâm và điểm bán hàng OCOP. Nhờ đó đến nay, 41 sản phẩm OCOP của tỉnh với 42 mã hàng được đưa vào hệ thống siêu thị, cửa hàng, khách sạn trong và ngoài tỉnh.
Bên cạnh đó, Quảng Ninh còn tạo điều kiện cho các đơn vị, doanh nghiệp phát triển hệ thống kinh doanh khí dầu hóa lỏng trên địa bàn. Hiện toàn tỉnh có 25 doanh nghiệp và 242 hộ kinh doanh cá thể với 534 cửa hàng bán lẻ sản phẩm khí dầu hóa lỏng. Hệ thống kinh doanh xăng, dầu có 221 cửa hàng cả trên bộ và trên biển, trải dọc các địa phương trong toàn tỉnh.
Các giải pháp trên đã đưa tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ từ năm 2016 đến hết 2020 của tỉnh đạt gần 456.000 tỷ đồng (trong đó tổng mức bán lẻ đạt 352.902 tỷ đồng), tăng bình quân 16% năm.
Cùng với đó, Quảng Ninh còn tập trung phát triển thương mại quốc tế. Hệ thống các trung tâm dịch vụ xuất nhập khẩu quốc gia và quốc tế được hình thành thông qua hệ thống cảng biển, cảng hàng không quốc tế và các khu kinh tế cửa khẩu biên giới đường bộ (Móng Cái, Bắc Phong Sinh, Hoành Mô, Đồng Văn). Hiện trên địa bàn tỉnh có 5 cảng biển, 1 cảng hàng không và 18 cửa khẩu, lối mở, điểm xuất hàng dọc biên giới đường bộ thực hiện hoạt động xuất nhập khẩu, tái xuất.
Cùng với đó, Quảng Ninh cũng tập trung chuyển dịch thương mại quốc tế theo hướng xuất khẩu chính ngạch, chuyển đổi hoạt động xuất nhập khẩu từ biên mậu sang xuất nhập khẩu theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế; giảm dần xuất khẩu theo hướng tạm nhập tái xuất; tập trung xuất khẩu mặt hàng đã chế biến có giá trị kinh tế cao... Hiện nay, mặt hàng và thị trường xuất khẩu của tỉnh đã mở rộng tới 70 quốc gia, vùng lãnh thổ ở khắp các châu lục. Từ năm 2016 đến hết 2020, tổng kinh ngạch xuất khẩu trên địa bàn tỉnh đạt 4.216 triệu USD, tăng 9,1% so với giai đoạn trước đó; nhập khẩu đạt 3.574 triệu USD, tăng 2 lần so với giai đoạn trước.
Tỉnh còn tập trung phát triển hạ tầng thương mại điện tử giúp người dân, doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu sản phẩm của mình. Mức độ ứng dụng thương mại điện tử của các doanh nghiệp, người dân ngày càng tăng. Công tác quản lý nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa cũng được tăng cường, đảm bảo chất lượng, thuận tiện cho khách mua sắm.
Với việc đẩy mạnh phát triển dịch vụ thương mại của tỉnh, các địa phương, ban ngành đã giúp tạo thêm nhiều việc làm, thu nhập cho lao động; giúp ổn định cuộc sống của người dân. Điều này góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn; đảm bảo an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội ở khắp các vùng, miền của tỉnh.
Thu Nguyệt
Liên kết website
Ý kiến ()