Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 08:01 (GMT +7)
Thúc đẩy phát triển bền vững trong doanh nghiệp
Thứ 2, 16/12/2024 | 11:29:39 [GMT +7] A A
Biến đổi khí hậu đang diễn ra với tốc độ ngày càng nhanh hơn, nghiêm trọng hơn, trở thành một trong những vấn đề cấp bách mang tính toàn cầu, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và mọi mặt của đời sống xã hội.
Do đó, phát triển bền vững, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đang là vấn đề bức thiết, là xu hướng được nhiều quốc gia hướng tới, trong đó có Việt Nam. Dù Việt Nam đã có một số chính sách, chương trình hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp áp dụng các mô hình kinh doanh bền vững, bảo vệ môi trường, nhưng những chính sách, chương trình này vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cùng với đó, mức độ hiểu biết về quy định môi trường của doanh nghiệp Việt Nam còn rất hạn chế.
Thực tế, thời gian qua có nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã và đang lấy sản xuất, kinh doanh xanh là chiến lược và lợi thế cạnh tranh, nhanh chóng vào cuộc, đẩy mạnh chuyển đổi xanh nhằm ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế carbon thấp. Tuy nhiên, sự thay đổi này chủ yếu diễn ra ở khối doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp có vốn nước ngoài, còn với các doanh nghiệp nhỏ và vừa dường như vẫn chưa thật sự dành sự quan tâm thích đáng, chưa có những chuyển biến rõ nét trong mục tiêu Net Zero.
Trong một khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã chỉ ra, dù 68% số doanh nghiệp cho biết đã bị ảnh hưởng tiêu cực bởi biến đổi khí hậu nhưng chỉ có 31,8% số doanh nghiệp tư nhân trong nước hiểu rõ các quy định môi trường. Các vấn đề nhận thức của doanh nghiệp Việt Nam về kinh tế xanh vẫn khá mới mẻ khi có 44% số doanh nghiệp trong nước và 38% số doanh nghiệp FDI thừa nhận chưa tuân thủ đầy đủ các quy định về môi trường. Đáng chú ý, có tới 91% số doanh nghiệp cho rằng, bảo vệ môi trường là trách nhiệm của chính quyền địa phương, nhưng tỷ lệ doanh nghiệp cho rằng, chính họ cũng cần có trách nhiệm lại thấp hơn rất nhiều.
Bên cạnh hạn chế về nhận thức, việc đầu tư cho các dự án về thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển bền vững chủ yếu phụ thuộc nhiều vào ngân sách nhà nước, nhưng lại chỉ tập trung chi cho các nhiệm vụ bảo vệ môi trường, nên nguồn lực để hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng các mô hình kinh doanh bền vững, bao trùm, công nghệ môi trường trong thời gian qua rất hạn chế, chưa có nhiều các hỗ trợ kỹ thuật, trực tiếp tới từng doanh nghiệp.
Thời gian tới, Chính phủ cần tìm ra cơ chế, chính sách ưu đãi thực sự thiết thực, đúng và trúng để hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc thay đổi nhận thức và thực hiện một cách có hiệu quả việc sản xuất kinh doanh theo hướng xanh và bền vững, hướng tới giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực để chuyển đổi sản xuất, xanh hóa các hoạt động kinh doanh dịch vụ.
Ngoài ra, Chính phủ cần sớm có những chính sách ưu đãi để khuyến khích các doanh nghiệp đang sử dụng công nghệ lạc hậu, không thân thiện với môi trường chuyển sang công nghệ tiên tiến, góp phần nâng cao sản xuất, tiết kiệm nguyên liệu, đáp ứng tiêu chuẩn của nền kinh tế xanh, đặc biệt, phải tuyên truyền về lợi ích mang lại thường lớn hơn khoản chi phí mà doanh nghiệp phải bỏ ra để đầu tư và theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững. Tránh để việc phát triển bền vững chỉ mang tính chất phong trào, cần phải có những định hướng cụ thể để các doanh nghiệp nhìn nhau và bắt nhịp phát triển theo.
Với những khó khăn, thách thức lớn vừa qua, phát triển xanh và bền vững được đánh giá sẽ là một trong những hướng đi tất yếu mà Việt Nam phải theo đuổi. Tuy con đường tiến tới “nền kinh tế xanh” đang đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức do thiếu hụt về nguồn lực cả con người và tài chính, nhưng tin chắc rằng, việc tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách của Ðảng, Chính phủ về phát triển kinh tế xanh cùng sự quyết tâm cao của các doanh nghiệp Việt Nam sẽ từng bước tạo ra xu thế phát triển bền vững, dần có những bước chuyển biến cơ bản về cả nhận thức và hành động. Từ đó, giúp Việt Nam có một nền tảng để bứt tốc trong việc thực hiện mục tiêu cam kết Net Zero vào năm 2050, nâng cao trách nhiệm bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu toàn cầu.
Theo nhandan.vn
- Việt Nam dẫn đầu khu vực tỷ lệ doanh nghiệp Nhật muốn mở rộng
- Tăng cường phối hợp giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp
- Vincom Retail Được Vinh Danh Trong Top 25 Thương Hiệu Dẫn Đầu Và Top 50 Doanh Nghiệp Quản Trị Xuất Sắc Nhất Tại Việt Nam
- Thúc đẩy hợp tác doanh nghiệp du lịch Quảng Ninh và Trung Quốc
Liên kết website
Ý kiến ()