Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 10:38 (GMT +7)
Thúc đẩy nghề công tác xã hội phát triển
Thứ 4, 09/12/2020 | 04:52:05 [GMT +7] A A
Quảng Ninh là một trong những tỉnh phát triển nghề công tác xã hội (CTXH) sớm trong cả nước. Hiện mạng lưới CTXH đã bao phủ rộng khắp nhằm kịp thời cung cấp dịch vụ hỗ trợ khẩn cấp, trợ giúp các đối tượng yếu thế, giảm nguy cơ dẫn đến xâm hại, bạo lực, bất bình đẳng giới...
Thực hiện hiệu quả Đề án 32 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển nghề CTXH giai đoạn 2010-2020, những năm qua, Sở LĐ-TB&XH đã giao cho Trung tâm CTXH tỉnh tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về nghề CTXH và các dịch vụ trợ giúp xã hội, đồng thời giới thiệu tới người dân các dịch vụ trợ giúp xã hội, tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ nhân viên, cộng tác viên CTXH.
Nhân viên Trung tâm Công tác xã hội tỉnh, can thiệp trị liệu cho trẻ rối loạn cảm xúc. |
Trong giai đoạn 2015-2020, Trung tâm CTXH tỉnh đã chú trọng truyền thông về nghề CTXH trực tiếp tại cộng đồng. Cụ thể, đã tổ chức 60 hội nghị tư vấn, trợ giúp lồng ghép với truyền thông cho 5.400 đối tượng bảo trợ xã hội về các dịch vụ CTXH tại cộng đồng trên địa bàn 30 xã, thị trấn của Đầm Hà, Tiên Yên, Bình Liêu, Hải Hà, Móng Cái, Hạ Long. Tổ chức 8 hội nghị tư vấn, trợ giúp người tâm thần lồng ghép tuyên truyền chính sách pháp luật tại TX Đông Triều cho 480 gia đình có người thân, người chăm sóc đối tượng tâm thần nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết của họ về cách chăm sóc và các chính sách pháp luật đối với người tâm thần; tổ chức 26 lớp tư vấn, truyền thông về dịch vụ CTXH đang được cung cấp trên địa bàn tỉnh cho hơn 2.000 người dân tại Đầm Hà và Hải Hà.
Sở LĐ-TB&XH cũng chú trọng và quan tâm bồi dưỡng, đào tạo kỹ năng nghề cho cán bộ làm CTXH. Sở đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của chính quyền các cấp, người dân về nghề, nội dung của hoạt động CTXH. Từ năm 2018 đến nay, Sở đã mở hàng chục lớp truyền thông tư vấn, tập huấn về nâng cao năng lực cho cán bộ cấp thôn, khu, người khuyết tật trên địa bàn tỉnh theo Đề án trợ giúp người khuyết tật; hoạt động chăm sóc phát huy vai trò người cao tuổi; công tác giảm nghèo cho đội ngũ trưởng thôn, bản, khu phố... tại 11 địa phương. Qua đó, góp phần nâng cao năng lực, sự đoàn kết, chia sẻ trong hoạt động CTXH cho đội ngũ cán bộ tuyên truyền tại cơ sở.
Bà Trần Thị Tâm, Phó Phòng LĐ-TB&XH huyện Vân Đồn, cho biết: CTXH là một nghề đòi hỏi sự khéo léo để giúp các cá nhân, gia đình, cộng đồng, đối tượng xã hội yếu thế tự vươn lên hòa nhập cộng đồng. Vì vậy, người làm công tác tuyên truyền cần phải có kinh nghiệm, ứng phó với những hoàn cảnh để hoàn thành tốt công việc. Hằng năm, Phòng đều cử cán bộ tham gia các lớp truyền thông tư vấn và đào tạo về CTXH của tỉnh. Qua đó công tác tuyên truyền, vận động của cán bộ tại cơ sở đã có nhiều chuyển biến tích cực, tạo sự tin tưởng và hợp tác của người dân trong nhiều lĩnh vực.
Các tổ chức xã hội trao phần quà nước rửa tay khô và xịt diệt khuẩn cho Người cao tuổi, người khuyết tật đang được chăm sóc tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh. |
Phát triển nghề CTXH trong cộng đồng là cách thiết thực nhất để thực hiện các hoạt động hỗ trợ khẩn cấp; trợ giúp các đối tượng yếu thế; thực hiện các biện pháp ngăn chặn loại bỏ những nguy cơ dẫn đến bị xâm hại, bạo lực, ngược đãi… Phát triển tốt nghề CTXH sẽ là giải pháp hiệu quả để giải quyết các vấn đề xã hội, trợ giúp các nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội ngay tại địa bàn, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Xuất phát từ mục tiêu đó, Trung tâm Công tác xã hội (Sở LĐ-TB&XH) đã nghiên cứu, đưa ra cách thức hoạt động hợp lý, tổ chức mạng lưới trợ giúp linh hoạt qua: Hệ thống văn phòng CTXH tại các huyện, thị xã, thành phố; nâng cao hiệu quả hỗ trợ của đội ngũ cộng tác viên CTXH; tổng đài tư vấn miễn phí, tiếp nhận thông tin… Qua đây, các nhân viên, cộng tác viên CTXH tiếp nhận yêu cầu của đối tượng, lắng nghe, tìm ra các hướng tư vấn, hỗ trợ, can thiệp…, giúp các đối tượng tiếp cận dễ dàng khi có nhu cầu. Từ đó, mở ra cơ hội trợ giúp tới nhiều đối tượng yếu thế trong xã hội, như: Người nghèo, người bị nhiễm HIV/AIDS, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người khuyết tật..., giúp họ giải quyết các khó khăn, từng bước tự vươn lên trong cuộc sống.
Hiểu Trân
Liên kết website
Ý kiến ()