Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 21:55 (GMT +7)
Thúc đẩy liên kết vùng, tạo động lực phát triển nhanh, bền vững
Thứ 2, 27/05/2024 | 06:14:46 [GMT +7] A A
Tại Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII có nhấn mạnh tới việc xây dựng quy hoạch và tổ chức không gian phát triển của quốc gia, của các vùng một cách hợp lý để phát huy tốt nhất lợi thế đặc thù của mỗi vùng, mỗi địa phương, tạo điều kiện tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu, tạo không gian phát triển mới. Từ quan điểm này và dựa trên thực tế địa phương, thời gian qua Quảng Ninh đã tăng cường thúc đẩy, khai thác hiệu quả hợp tác liên kết vùng, tạo đà phát triển KT-XH của tỉnh và các vùng lân cận.
Nằm tại cực Đông Bắc của Tổ quốc, Quảng Ninh được Trung ương xác định là trung tâm liên kết vùng, có vai trò đặc biệt trong thúc đẩy kinh tế khu vực. Sớm nhận diện vai trò của mình, những năm qua, Quảng Ninh đã tích cực hợp tác, liên kết với nhiều tỉnh, thành thông qua các chương trình đánh giá công tác phối hợp chung trên nhiều lĩnh vực; chủ trì triển khai xây dựng nhiều cơ chế, chính sách quan trọng, tạo động lực đẩy mạnh phát triển liên kết vùng.
Điển hình như với TP Hải Phòng, xác định vị trí, vai trò và mối quan hệ phát triển mật thiết không chỉ giữa 2 địa phương, mà còn ở phạm vi cả vùng và cả nước, Quảng Ninh đã đặt trọng tâm cho sự hợp tác, liên kết trên nhiều phương diện. Qua đó cùng tạo ra những bước phát triển mạnh mẽ, mang tính đột phá ở 2 địa phương, góp phần quan trọng trong phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ nói riêng, cả nước nói chung.
Nổi bật phải kể đến những phối hợp mang tính chiến lược, tầm nhìn dài hạn, như: Thực hiện Quy hoạch phát triển KT-XH vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; cụ thể hóa các nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương trực tiếp đối với từng địa phương; cùng thống nhất kiến nghị với Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành về những vấn đề tương đồng giữa 2 địa phương, đặc biệt trong kết nối hạ tầng giao thông tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long, thúc đẩy phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ...
Thời gian gần đây, Quảng Ninh và Hải Phòng tiếp tục thúc đẩy trao đổi hợp tác liên kết mạnh mẽ hơn trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, về phát triển hạ tầng giao thông, hai bên đã triển khai đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp QL10, đoạn từ nút giao với QL18A (tỉnh Quảng Ninh) đến cầu vượt Quán Toan (TP Hải Phòng), dự án xây dựng cầu Lại Xuân, cầu Bến Rừng. Đặc biệt, tích cực phối hợp chặt chẽ trong việc quản lý nhà nước về vận tải đường bộ, đường thủy, cảng biển; phát triển vận tải hành khách công cộng (xe điện, xe bus...) kết nối từ trung tâm TP Hải Phòng đến trung tâm TP Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) và ngược lại, góp phần giao thương, phát triển KT-XH giữa 2 địa phương và kết nối phát triển kinh tế liên tỉnh, vùng, liên vùng.
Cùng với đó, tỉnh Quảng Ninh cũng tích cực hỗ trợ, phối hợp với TP Hải Phòng trong việc xử lý TTHC cho các doanh nghiệp để khai thác nhanh chóng, hiệu quả cảng biển Quảng Ninh và cảng biển Hải Phòng; ban hành quy chế phối hợp liên quan đến giải quyết thủ tục hải quan, kiểm định, kiểm hóa hàng XNK thông qua cảng, góp phần kết nối khu vực tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.
Không chỉ riêng với TP Hải Phòng, khẳng định vai trò là trung tâm dẫn dắt, kết nối liên kết vùng, Quảng Ninh đã chủ động phối hợp với tỉnh Hải Dương để đầu tư xây dựng cầu Triều, đường ven sông từ cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến TX Đông Triều, kết nối từ đường ven sông sang TX Kinh Môn và TP Chí Linh (tỉnh Hải Dương)... Đồng thời triển khai xây dựng tuyến đường nối từ QL279 (xã Tân Dân, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) đến đường tỉnh 291 (thị trấn Tây Yên Tử, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang), cũng như tuyến đường tỉnh 342 nối từ TP Hạ Long lên huyện Ba Chẽ sang tỉnh Lạng Sơn để khai thác không gian núi rừng, mở ra cơ hội cho phát triển du lịch Quảng Ninh và các tỉnh Bắc Giang, Lạng Sơn, Cao Bằng...
Theo TS Hà Thị Thùy Dương, Trưởng Khoa CNXH khoa học, Học viện Chính trị khu vực IV, chia sẻ tại Hội thảo “Tư duy và hành động đột phá phát triển tỉnh Quảng Ninh - Giá trị lý luận và thực tiễn” (tổ chức tháng 11/2023), Quảng Ninh rất chủ động, mạnh dạn trong thực hiện các mô hình mới, chưa có tiền lệ và đạt được hiệu quả rất cao. Đồng thời với đó, với vai trò là tỉnh phát triển của vùng, Quảng Ninh tích cực tham gia xây dựng các cơ chế, chính sách cho tỉnh, cũng như của vùng, thậm chí có tầm ảnh hưởng quốc gia. Những điều này đã giúp cho Quảng Ninh luôn giữ vững đà tăng trưởng GRDP trên 2 con số trong nhiều năm liên tiếp, ngay cả khi đất nước bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Bằng việc kiên trì thực hiện mô hình tổ chức không gian phát triển “Một tâm, hai tuyến, đa chiều, hai mũi đột phá, ba vùng động lực”, đặc biệt là đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông chiến lược, đồng bộ, hiện đại trên địa bàn, Quảng Ninh đã góp phần quan trọng từng bước đồng bộ hóa kết cấu hạ tầng KT-XH trên toàn vùng, bảo đảm nâng cao khả năng kết nối các hành lanh kinh tế theo quy hoạch. Qua đó, thúc đẩy phát triển vận tải đa phương thức, khai thác hiệu quả hệ thống cảng biển, cảng hàng không, đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, gắn với các đầu tàu, cực tăng trưởng kinh tế, các đô thị lớn, khu kinh tế trọng điểm, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy liên kết của vùng đồng bằng sông Hồng và hợp tác phát triển “Hai hành lang một vành đai kinh tế” Việt Nam - Trung Quốc.
Trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Quảng Ninh định hình tương lai kết nối hạ tầng giao thông quốc gia thông qua 3 tuyến cao tốc (Nội Bài - Bắc Ninh - Hạ Long; Tiên Yên - Lạng Sơn - Cao Bằng; Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái); 7 tuyến quốc lộ (QL18A, QL18B, QL18C, QL279, QL10, QL17B, QL4B); 3 tuyến đường sắt quốc gia (Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân; Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh; Hạ Long - Móng Cái) và hệ thống các cảng biển phục vụ vùng, quốc gia, quốc tế. Từ định hướng này, Quảng Ninh tạo ra hệ thống giao thông tổng thể, đồng bộ, thông suốt, giữ vai trò gắn kết phát triển liên kết vùng đồng bằng sông Hồng, kết nối các nước ASEAN với Trung Quốc và các nước Đông Bắc Á.
Riêng trong năm 2024, tỉnh đưa nhiều giải pháp thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 30-NQ/TW, tạo sự đột phá về phát triển kinh tế nhanh, bền vững, lan tỏa trong phát triển kinh tế vùng, liên vùng; ưu tiên thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng bền vững, bao trùm; nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ, khả năng thích ứng, sức cạnh tranh của nền kinh tế, giữ vững đà tăng trưởng bền vững 2 con số; thu hút các nhà đầu tư có thương hiệu toàn cầu, có năng lực tài chính lớn, có khả năng đầu tư ổn định, lâu dài, có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao vào các KCN, KKT, nhất là những KCN có hạ tầng kỹ thuật đồng bộ.
Hoài Anh
Liên kết website
Ý kiến ()