Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 09:29 (GMT +7)
Thúc đẩy hợp tác chuyển giao công nghệ
Thứ 7, 30/09/2023 | 12:54:44 [GMT +7] A A
Kết nối công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam được tổ chức từ năm 2011 đến nay, hướng tới mục tiêu xây dựng hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia để chuyển đổi, ứng dụng tri thức và công nghệ vào thực tiễn. Năm nay, lần đầu tiên sự kiện này được tổ chức tại Quảng Ninh, đây là cơ hội cho các doanh nghiệp trong tỉnh đang có nhu cầu đổi mới và thúc đẩy chuyển giao kết quả nghiên cứu vào đời sống, sản xuất doanh nghiệp.
Công ty CP Công nghệ HANET (thành viên Tập đoàn Công nghệ G-Group) có trụ sở tại TP Hạ Long là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực công nghệ, chuyên nghiên cứu và sản xuất camera phục vụ cho doanh nghiệp và Chính phủ. HANET hiện đang là đơn vị đồng hành cùng Bộ Công an trong việc triển khai các giải pháp chuyển đổi số của Đề án 06 của Chính phủ, với các bộ giải pháp kiểm soát an ninh thông minh cho doanh nghiệp, nhà máy, cơ quan Chính phủ và đường phố. Sản phẩm AI Camera của HANET đã được lựa chọn để lắp đặt tại Cục A05 - Bộ Công an, Văn phòng Bộ Thông tin - Truyền thông, Công ty Xi măng Xuân Thành (tỉnh Hà Nam), xã Đồng Rui (Tiên Yên)…
Ông Võ Đức Thọ, Tổng Giám đốc Công ty CP Công nghệ HANET, cho biết: Công ty CP Công nghệ HANET chúng tôi mong muốn được tham gia triển lãm tại sự kiện Techconnect and Innovation Vietnam 2023 tại Quảng Ninh để có dịp giới thiệu, quảng bá công nghệ AI Camera của HANET tới các doanh nghiệp, địa phương trong và ngoài nước biết tới.
Là tập đoàn kinh tế đa ngành, BIM Group nổi danh trong lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm khi là một trong những đơn vị sản xuất muối công nghiệp và nuôi trồng, sản xuất thủy hải sản lớn nhất Việt Nam. Diện tích nuôi trồng của Tập đoàn trải rộng hàng nghìn ha, tại các địa phương như Quảng Ninh, Kiên Giang và Ninh Thuận. Từ ý tưởng ban đầu của nhà sáng lập, Công ty TNHH Đầu tư phát triển sản xuất Hạ Long (BIM Group) đưa vào nuôi cấy giống hàu Thái Bình Dương tại vùng biển Vân Đồn. Khu nuôi hàu thương phẩm chính của BIM có diện tích 500ha thuộc xã Bản Sen, huyện Vân Đồn.
Sau 5 năm nghiên cứu từ phòng thí nghiệm ra đến trại nuôi, con hàu được thuần hóa. Những dây hàu sống khỏe, lớn nhanh, ruột to, béo, ngọt và hàm lượng dinh dưỡng cao. Trung bình mỗi năm công ty thu hoạch được 3.500-4.000 tấn hàu. Ngoài sản phẩm hàu tươi sống, công ty đã ứng dụng KH&CN vào chế biến sâu, phát triển các sản phẩm gia tăng giá trị từ con hàu như: Hàu ruột đóng túi, hàu nướng phô mai… để cung cấp, phân phối cho các siêu thị, cửa hàng nông sản sạch trên toàn quốc. Cách làm này đã mở ra một hướng đi mới, khai thác lợi thế của sản phẩm hàu, góp phần phát triển kinh tế vùng. Hàng nghìn hộ dân, nhất là khu vực huyện đảo Vân Đồn, đã đổi đời nhờ nghề nuôi hàu.
Bà Trần Thị Mến, phụ trách Nhà máy chế biến hàu Vân Đồn, Công ty TNHH Đầu tư phát triển sản xuất Hạ Long (BIM Group) bày tỏ: Chúng tôi mong muốn sẽ được giới thiệu các sản phẩm hàu đặc sản Vân Đồn tới các bạn bè trong nước và quốc tế. Đồng thời có cơ hội được tiếp cận với những công nghệ mới, hiện đại chế biến hàu để nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng suất và tiết kiệm chi phí sản xuất.
Năm nay, hơn 100 doanh nghiệp trong nước và quốc tế trình bày tại các diễn đàn, hội nghị; mở gian hàng triển lãm; tư vấn kết nối B2B; tiêu điểm công nghệ. Đây là cơ hội kết nối rộng mở để doanh nghiệp và nhà khoa học đến gần nhau hơn, tạo điểm cầu để trao đổi, đưa ra các ý tưởng đổi mới công nghệ, tạo điều kiện áp dụng các nghiên cứu thực tế vào đời sống, sản xuất doanh nghiệp.
Tin tưởng rằng, với sự kết nối, hỗ trợ tích cực của Sở KH&CN, thị trường KH&CN Quảng Ninh sẽ trở thành mảnh đất giàu tiềm năng để các doanh nghiệp nước ngoài lựa chọn, trở thành điểm đến đầu tư công nghệ hấp dẫn. Qua đó, các doanh nghiệp của Quảng Ninh sẽ có nhiều cơ hội được tiếp cận với công nghệ tiên tiến, hiện đại và vươn tới những thị trường rộng lớn hơn.
Thu Hương (Sở KH&CN)
Liên kết website
Ý kiến ()