Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 16/11/2024 15:18 (GMT +7)
Thúc đẩy công nghiệp chế biến gỗ
Thứ 7, 16/11/2024 | 13:35:32 [GMT +7] A A
Theo đánh giá của các chuyên gia, Quảng Ninh là nơi hội tụ đầy đủ các yếu tố thuận lợi để trở thành trung tâm chế biến, xuất nhập khẩu gỗ và lâm sản ra thị trường quốc tế. Tuy nhiên cho đến nay, việc phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ của tỉnh vẫn chưa phát triển đúng như kỳ vọng đặt ra.
Trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh hiện có 278 cơ sở chế biến lâm sản đang hoạt động và đã có nhiều đóng góp quan trọng cho phát triển của ngành lâm nghiệp. Những năm gần đây, chế biến gỗ của tỉnh được các doanh nghiệp chú trọng đầu tư đổi mới về thiết bị, dây chuyền sản xuất, khoa học kỹ thuật và quan tâm đào tạo con người cho ngành chế biến lâm sản. Kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của tỉnh ghi nhận có sự tăng trưởng đều qua các năm. Cụ thể: Năm 2020 đạt trên 221 triệu USD; năm 2021 đạt 238 triệu USD; năm 2023 đạt 242 triệu USD. Trong đó, thị trường xuất khẩu chủ yếu là Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, hướng dần tới thị trường EU.
Đáng chú ý là mặc dù tỉnh có lợi thế rất lớn về hệ thống giao thông và việc quy hoạch các khu công nghiệp, cụm công nghiệp được tỉnh chủ động thực hiện từ rất sớm thế nhưng thực trạng ngành chế biến gỗ và lâm sản của tỉnh vẫn có nhiều tồn tại, hạn chế. Hiện nay, đa số cơ sở chế biến gỗ đều sản xuất đồ gỗ và gỗ xẻ quy mô hộ gia đình, nhỏ lẻ, nằm xen trong khu dân cư, hoạt động tự phát không theo quy hoạch, định hướng phát triển. Số lao động chủ yếu trình độ thấp, lao động thời vụ, không được qua đào tạo chuyên ngành. Các công ty vốn hoá nhỏ, không có sự liên kết trong kinh doanh. Công nghệ lạc hậu, đa phần chế biến thô, sản phẩm đơn điệu (chủ yếu là dăm gỗ), giá trị sản phẩm thấp.
Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp cũng chưa tìm hiểu kỹ các quy định của pháp luật, cơ sở pháp lý trong quá trình thực hiện kinh doanh sản xuất, nhất là những quy định tại Nghị định 120/2024/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 30/9/2024 về việc ban hành sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 102/2020/NĐ-CP ngày 1/9/2020 của Chính phủ quy định Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam, dẫn đến gặp không ít khó khăn vướng mắc về hồ sơ nguồn gốc lâm sản trong khai thác, lưu thông, vận chuyển, chế biến, xuất khẩu.
Đại diện Công ty TNHH XNK Dăm gỗ Quảng Ninh cho biết: Theo Nghị định 120/2024/NĐ-CP, kể từ ngày 15/11/2024 khi làm thủ tục xuất khẩu dăm gỗ có nguồn gốc từ gỗ rừng trồng trong nước sang thị trường ngoài EU thì doanh nghiệp cần phải xác nhận của kiểm lâm địa phương. Do đó, chúng tôi mong muốn việc xác nhận được triển khai nhanh chóng vì khi đã ký kết hợp đồng mua bán hàng hóa đối với đối tác nước ngoài, đến ngày giao hàng mà hàng hóa chưa được bốc xếp lên tàu vì lý do chờ kiểm lâm xác nhận sẽ phạt hợp đồng do chậm trễ giao hàng là tổn thất rất lớn đối với doanh nghiệp.
Nhiều doanh nghiệp chế biến gỗ khác cũng cho rằng, đơn vị đang loay hoay trong việc thực hiện các hồ sơ cần thiết đối với các doanh nghiệp và cá nhân thu mua gỗ nguyên liệu, thu mua và sản xuất dăm gỗ, quy định về đối tượng phải xác nhận bảng kê nguồn gốc gỗ rừng trồng, việc phân loại doanh nghiệp. Đồng thời mong muốn tỉnh sớm có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp liên kết, hợp tác, ứng dụng khoa học, công nghệ, xây dựng và áp dụng chứng chỉ chuỗi hành trình sản phẩm; ưu tiên dành diện tích đất cho doanh nghiệp chế biến gỗ, đặc biệt khâu dự trữ nguyên liệu và khu vực kho bãi; có cơ chế hỗ trợ chuỗi liên kết trong chế biến gỗ với hạt nhân là các nhà máy sản xuất đồ gỗ ở KCN, CCN, xây dựng và hỗ trợ chuỗi liên kết lâm sản ngoài gỗ với một số sản phẩm lâm sản ngoài gỗ trọng điểm của tỉnh; chính sách hỗ trợ các cơ sở chế biến gỗ chuyển vào KCN, CCN…
Để tăng sức mạnh của ngành chế biến gỗ và lâm sản trên địa bàn tỉnh, đồng chí Mạc Văn Xuyên, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm cho biết: Chi cục đang phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ vốn, đất đai, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất chế biến gỗ, lâm sản ngoài gỗ. Mặt khác, nhằm giúp các doanh nghiệp hiểu đầy đủ, thực hiện đúng Quy định Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam, đầu tháng 11/2024, Chi cục cũng đã tổ chức Hội nghị triển khai Nghị định 120/2024/NĐ-CP với sự tham gia của các chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu Công nghiệp rừng (Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam). Một giải pháp khác mà chúng tôi cho rằng rất quan trọng chính là các doanh nghiệp cần sớm thành lập Hiệp hội Chế biến gỗ và lâm sản tỉnh Quảng Ninh. Vì chỉ có Hiệp hội mới có thể gia nhập vào sân chơi chung của các Hiệp hội gỗ và Hiệp hội lâm nghiệp trên cả nước. Qua đó, có nhiều cơ hội tìm kiếm đối tác trong và ngoài ngành để liên doanh, liên kết nhằm chia sẻ các đơn hàng, giảm bớt chi phí tiêu thụ sản phẩm, hợp tác đào tạo nguồn nhân lực cũng như cung cấp, chia sẻ thông tin pháp lý, thị trường, khách hàng, công nghệ, nhà cung cấp... để hỗ trợ các thành viên trong vấn đề hoạch định chiến lược kinh doanh. Chi cục Kiểm lâm sẵn sàng đồng hành, giúp đỡ các doanh nghiệp trong việc thực hiện trình tự, thủ tục thành lập Hiệp hội.
Hoàng Nga
- Tập trung phát triển lâm nghiệp bền vững
- Khôi phục sản xuất lâm nghiệp
- TP Uông Bí: Chuẩn bị các điều kiện cho vụ trồng rừng mới
- Ban hành quy định về thanh lý rừng trồng đối với diện tích rừng trồng bằng ngân sách Nhà nước
- Hạ Long: Tổng ra quân 30 ngày đêm hỗ trợ người dân kiểm đếm, thu dọn, vệ sinh rừng
- Xanh lại những cánh rừng
Liên kết website
Ý kiến ()