Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 22:41 (GMT +7)
Thúc đẩy bình đẳng giới bền vững
Thứ 7, 04/11/2023 | 10:08:29 [GMT +7] A A
Thời gian qua, các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới tại Quảng Ninh đã được thực hiện tích cực, tạo sự chuyển biến rõ rệt. Phụ nữ ngày càng có nhiều cơ hội để khẳng định bản thân, được tham gia vào nhiều vị trí lãnh đạo, có những đóng góp to lớn trong chính trị, kinh tế - xã hội, gia đình và cộng đồng.
Xác định công tác bình đẳng giới là nhiệm vụ quan trọng, những năm qua, các cấp ủy, chính quyền của Quảng Ninh đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ và trẻ em gái cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng. Qua đó, từng bước thu hẹp khoảng cách giới, nâng cao vị thế, vai trò của phụ nữ trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình.
Công tác quy hoạch cán bộ nữ được tỉnh quan tâm, tạo điều kiện cho nữ cán bộ có cơ hội được bổ nhiệm vào các chức vụ lãnh đạo. Tính đến quý II/2023, nữ cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý có 71/402 đồng chí, chiếm 17,66%. Trong 2 nhiệm kỳ qua, tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy, chính quyền các cấp, là đại biểu HĐND tỉnh, giữ cương vị lãnh đạo chủ chốt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Đoàn ĐBQH tỉnh ngày càng tăng. Trong nhiệm kỳ 2015-2020, nữ cấp ủy cấp cơ sở chiếm 25,2%, cấp huyện 17,85%, cấp tỉnh 18,8%; nhiệm kỳ 2020-2025, nữ cấp ủy cấp cơ sở chiếm 29,3%, cấp huyện 22%, cấp tỉnh 16,7%. Nữ đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021 chiếm 33,33%, nhiệm kỳ 2021-2026 chiếm 40,91%, cao hơn so với quy định của Trung ương…
Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Ninh cũng tập trung nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác bình đẳng giới. Năm 2022, các cấp, ngành của tỉnh tổ chức gần 200 hội thảo, hội nghị tập huấn cho trên 15.715 lượt CBCCVC và đội ngũ cán bộ làm công tác bình đẳng giới các cấp, cán bộ văn hóa xã hội, đại biểu HĐND các cấp. Việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới tiếp tục được đẩy mạnh. Năm 2022, các cấp, ngành của tỉnh tổ chức trên 1.000 hội nghị tuyên truyền bằng nhiều hình thức như: Hội thi, hội diễn văn nghệ, tuyên truyền trực tiếp cho trên 50.000 lượt cán bộ, người dân trên địa bàn tỉnh.
Phát huy vai trò của cơ quan thường trực trong lĩnh vực bình đẳng giới, năm 2023 Sở LĐ-TB&XH tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh phối hợp với Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc thực hiện hiệu quả dự án Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ người bị bạo lực trên cơ sở giới - Ngôi nhà Ánh Dương; phối hợp với UNICEF tài trợ triển khai dự án Làm cha mẹ vì sự phát triển toàn diện trẻ thơ (IECD) tại 3 xã, phường thuộc TX Đông Triều.
Sở cũng tiếp tục duy trì thực hiện nhiều mô hình, hoạt động phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới hiệu quả. Nổi bật là 11 mô hình về phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới tại 10 huyện, thị xã, thành phố; mô hình thành phố an toàn, thân thiện, phòng chống quấy rối, xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em nơi công cộng tại phường Hà Lầm (TP Hạ Long)...
Ông Vũ Quang Trực, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, cho biết: Thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức về bình đẳng giới qua ứng dụng công nghệ số và hệ thống thông tin cơ sở về bình đẳng giới, phòng ngừa ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, phòng chống quấy rối tình dục, phòng chống xâm hại trẻ em. Đồng thời, phối hợp thực hiện hiệu quả dự án Ngôi nhà Ánh Dương do UNPFA tài trợ, dự án do các tổ chức phi chính phủ, các nhóm đối tác hành động về giới và bảo vệ, chăm sóc trẻ em tài trợ…
Để công tác bình đẳng giới đi vào thực chất, hiệu quả, bên cạnh sự vào cuộc của các cấp, ngành, đơn vị, đoàn thể, hơn hết cần sự chuyển biến về nhận thức của người dân, cộng đồng về bình đẳng giới, nhất là tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS.
Lan Anh
Liên kết website
Ý kiến ()