Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 20:53 (GMT +7)
Thúc đẩy bình đẳng giới
Thứ 6, 13/12/2024 | 09:49:46 [GMT +7] A A
Những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai nhiều giải pháp, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của xã hội về bình đẳng giới. Từ đó, từng bước đảm bảo sự tham gia bình đẳng giữa nam và nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Trong 9 tháng năm 2024, trên địa bàn tỉnh tỷ số giới tính khi sinh hiện là 115,53 bé trai/100 bé gái. Tỷ lệ này hiện đang được kiểm soát, nhưng vẫn đang ở mức cao và tiềm ẩn nhiều nguy cơ tăng nhanh. Nguyên nhân được cho rằng gốc rễ vẫn là định kiến về giới, tư tưởng sinh con trai để “nối dõi tông đường”.
Để khắc phục tình trạng này, ngành dân số tỉnh đã tăng cường các hoạt động về bình đẳng giới, nâng cao vị thế của phụ nữ và trẻ em gái, giúp kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh. Các địa phương đưa công tác dân số vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; truyền thông nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi về bình đẳng giới, không lựa chọn giới tính thai nhi…
Các nội dung truyền thông cho người dân được thực hiện với nhiều hình thức, chủ đề thông qua các CLB “Tiền hôn nhân”, “Không sinh con thứ 3”; “Không tảo hôn và kết hôn cận huyết thống”; “Không lựa chọn giới tính thai nhi”...; lồng ghép tuyên truyền trong các cuộc họp của tổ, khu, các tổ chức đoàn thể; tư vấn trực tiếp của đội ngũ chuyên trách dân số, cộng tác viên dân số.
Đặc biệt mô hình “Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh” được triển khai ở tất cả các xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã tập trung thay đổi nhận thức của người dân về giới tính; công tác truyền thông được tổ chức một cách linh hoạt, phù hợp với điều kiện, phong tục tập quán của nhân dân các địa phương.
Chị Bùi Thị Hiền, khu Tân Lập 1, phường Phương Đông (TP Uông Bí) hiện có 2 con gái. Nhờ sự chăm sóc của gia đình, con gái lớn của chị nay đã lập gia đình, có công việc ổn định. Còn con gái thứ 2 hiện đang học lớp 12. Các con, cháu của chị đều ngoan ngoãn, gia đình hạnh phúc, đầm ấm.
Chị Hiền chia sẻ: “Lúc đầu tôi cũng muốn sinh thêm một bé trai, nhưng mọi người trong nhà, đặc biệt là chồng tôi cũng bảo có 2 con gái là tốt rồi, không nặng nề về tư tưởng sinh con trai hay con gái. Cùng với đó là các cán bộ dân số trên địa bàn cũng thường xuyên đến động viên, tuyên truyền các chính sách DS-KHHGĐ nên từ đó tôi cũng ý thức được việc dừng lại ở 2 con để nuôi dạy các cháu cho tốt”.
Thời gian qua, Hội LHPN tỉnh cũng đã tích cực triển khai nhiều chương trình, hoạt động về công tác bình đẳng giới; trong đó có Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em”. Trong năm, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức 4 lớp tập huấn kiến thức về xoá bỏ định kiến giới và khuôn mẫu giới, phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới và 4 hội nghị giáo dục tuyên truyền nâng cao nhận thức về phòng chống tảo hôn và vận động sinh con đúng chính sách dân số cho 800 hội viên phụ nữ tại huyện Bình Liêu, Hải Hà, Ba Chẽ, Đầm Hà; in ấn 1.000 túi vải truyền thông về bình đẳng giới; thành lập và ra mắt 10 CLB "Thủ lĩnh của sự thay đổi" và 23 tổ truyền thông cộng đồng tại 8 huyện triển khai Dự án 8.
Bà Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, cho biết: Các cấp Hội đã tập trung phối hợp, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động; xây dựng và nhân rộng các mô hình thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”, góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới; đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động của cộng đồng, nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ; hỗ trợ phụ nữ tham gia lãnh đạo trong hệ thống chính trị; trang bị kiến thức về bình đẳng giới, kỹ năng thực hiện lồng ghép giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị, già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo và người có uy tín trong cộng đồng. Từ đó, làm thay đổi nhận thức về định kiến giới, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em ngày càng thực chất, hiệu quả.
Vân Anh
Liên kết website
Ý kiến ()