Bỏ nghề lái xe tải, anh Trần Văn Quân, 40 tuổi, về quê vợ thuê hơn một ha đất hoang trồng rau nhót dại, mỗi năm thu hoạch khoảng 5 tấn.
Năm 2005, khi đang học năm thứ hai Cao đẳng Kinh tế xây dựng ở TP HCM, anh Quân nhận thấy không phù hợp nên bỏ ngang, về quê xã Quỳnh Dị, thị xã Hoàng Mai sắm xe tải đi chở thuê hàng hóa. Lái xe chở phân, trấu cho các vựa rau và trang trại chăn nuôi, tiếp xúc với nhiều nông dân, anh bắt đầu yêu thích và ấp ủ kế hoạch làm giàu từ nông nghiệp.
Nhiều lần về quê vợ ở phường Mai Hùng, anh Quân thấy người dân thi thoảng hái rau nhót dại về ăn hoặc đem bán. Loại rau này còn có tên còng còng hay sương muối, cao 10-15 cm, thân màu hồng nhạt, mọng nước, lá giống cây hoa mười giờ, hay mọc thành từng đám ở hồ tôm, đầm lầy, cánh đồng muối. Nhận thấy rau mọc lẻ tẻ nên sản lượng thấp, hái vài lần là hết và phải chờ vài tháng sau mới mọc lại, anh Quân lên ý tưởng trồng rau dại để thu hoạch thường xuyên.
Năm 2017, anh bỏ nghề lái xe tải cho thu nhập gần 30 triệu đồng mỗi tháng, chuyển hẳn sang làm nông nghiệp. Bố mẹ, bạn bè phản đối quyết liệt. Mọi người phân tích trồng rau vất vả, cần thời gian tích lũy kinh nghiệm, dân tay ngang như anh nguy cơ trắng tay. Riêng vợ anh, đang làm ở trạm y tế phường, vẫn ủng hộ.
"Chuyển từ nghề ổn định sang công việc mới, bị ngăn cản cũng dễ hiểu. Tôi tự nhủ phải cố gắng hết sức để mọi người thấy mình đúng", anh kể.
Anh Quân đặt vấn đề với chính quyền thuê hơn một ha đất nhiễm mặn ở cánh đồng Doi, phường Mai Hùng để trồng rau nhót. Khu đất này trước trồng đậu, nhưng năng suất thấp, bị bỏ hoang nhiều năm.
Gom hết vốn tích lũy không đủ, anh vay mượn thêm bạn bè, người thân, đầu tư một tỷ đồng cải tạo đất hoang, làm hệ thống mương thoát nước và lắp bể tưới tự động. Để tiết kiệm, thời gian đầu anh ở ngoài đồng từ 5h đến 23h, tự cày đất, làm cỏ, tạo luống cao hơn 20 cm. Cỏ dại được đốt lấy mùn làm phân.
Anh Quân bắt đầu trồng rau nhót trên đất đã cải tạo từ cuối năm 2018. Nguồn giống được lấy ở ven sông, đầm lầy của thị xã Hoàng Mai và huyện Quỳnh Lưu. Tuy nhiên, ban đầu rau nhót không hợp chất đất, trồng được vài tuần thì chết, cỏ dại mọc um tùm. Anh lại nhổ cỏ, xới đất trồng tiếp lứa mới.
Trong một năm, điệp khúc nhổ và trồng lặp lại nhiều lần. Nhưng rau nhót vẫn không theo phát triển ý muốn của chủ vườn, cứ mọc lên rồi chết, hoặc còi cọc. Nhiều đợt anh chờ thu hoạch lá thì cây lại ra hoa. Là người đầu tiên ở thị xã Hoàng Mai thuần hóa rau nhót nên anh không thể học hỏi ai. Liên tục thất bại, hai năm đầu anh âm vốn. Thấy anh trằn trọc không ngủ, vợ khuyên chuyển nghề.
Tuy nhiên, anh kiên định với làm nông nghiệp hữu cơ, không phun thuốc bảo vệ thực vật để cho ra sản phẩm sạch. Anh nghiên cứu đặc tính, trồng thử nghiệm theo luống, theo dõi sự phát triển của cây, ghi chép tỉ mỉ như độ mặn của đất, quy trình tưới nước, bón phân... để tích lũy kinh nghiệm.
Giữa năm 2019, rau nhót bắt đầu mọc theo ý muốn, anh Quân không phải nhổ cây non từ đầm lầy về ươm mà lấy hạt cây trồng để nhân giống. Rau sau 3 tháng trồng thì cho thu hoạch. Bình thường cây chỉ cho thu hái trong tiết lập xuân, mùa nắng nóng gốc già cỗi. Anh áp dụng cách trồng mới, chia tỷ lệ đất, phân bón, tưới tiêu phù hợp để rau mọc quanh năm, thu hái trong 10-11 tháng.
Khi có được nguồn cung, anh Quân lại gặp khó khăn trong tiêu thụ. Ban đầu anh nghĩ loại rau dại này là đặc sản, dễ bán, nhưng không ngờ lại quá khó. Đặt vấn đề với thương lái và các nhà hàng, đa phần lắc đầu, hoặc mua với giá rẻ. Có lần nhận được đơn hàng lớn, vợ chồng mừng rỡ đem giao nhưng do rau dính sương muối nên bỏ tủ lạnh vài ngày là hỏng, phải trả lại tiền cho đối tác.
Thời điểm nhiều đối tác ở Hà Nội, TP HCM và các khu du lịch trong nước bắt đầu liên hệ đặt mua rau thì Covid ập đến, mọi hoạt động đình trệ. Rau trồng lên không thể hái, phải để cho già rồi lấy hạt nhân giống.
"Tôi đen đủ đường, có lúc rất nản, muốn vứt hết cho nhẹ người", anh kể. Suy nghĩ lại thấy rau đã mọc đều, nhưng thỉnh thoảng nhiều luống vẫn không ra lá theo đúng tiến độ, việc bảo quản rau cũng chưa tốt. Anh quyết định dành thời gian dịch Covid để nghiên cứu thêm cách khắc phục những hạn chế.
Năm 2022, khi Covid bị đẩy lùi, anh Quân bắt đầu kết nối với các đối tác để tiêu thụ rau, lập hợp tác xã để chuẩn hóa quy trình. Hiện rau nhót bán 15.000-30.000 đồng/kg tùy loại, cứ 3-5 ngày cho thu hoạch một đợt, mỗi lứa 3-5 tạ, một năm đạt khoảng 5 tấn. Trừ hết các chi phí, anh thu lời khoảng một tỷ đồng. Hợp tác xã thuê 5-6 lao động thời vụ, trả công 200.000-250.000 đồng một ngày công, lúc cao điểm có khoảng 10 người làm cả ngày lẫn đêm tại ruộng.
Rau nhót được đánh giá giàu chất dinh dưỡng, có thể chế biến nhiều món như nộm, nấu canh thịt bằm, xào thịt bò... Anh Quân dự tính đặt vấn đề với chính quyền thuê thêm đất để mở rộng diện tích, đồng thời sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm thuần hóa loài cây dại này cho những ai muốn chinh phục.
Ông Nguyễn Anh Văn, Phó chủ tịch thị xã Hoàng Mai, đánh giá anh Quân là người đầu tiên trên địa bàn tìm ra hướng khởi nghiệp từ loại cây tưởng như bỏ đi, giải quyết được công ăn việc làm cho nhiều lao động. Mô hình trồng rau nhót của anh đang được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nghệ An hỗ trợ để sản xuất thêm một số sản phẩm dạng khô và bột nhằm nâng cao giá trị.
Ý kiến ()