TS.BS Nguyễn Bá Thắng (Phó chủ tịch Hội Đột quỵ TPHCM; Trưởng Trung tâm khoa học Thần kinh, Trưởng Đơn vị Đột quỵ - Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM) cho biết, số ca đột quỵ tại các bệnh viện lớn hiện nay gấp 3 đến 4 lần so với 5, 10 năm trước và ngày càng trẻ hóa. Trong đó, 75% ca đột quỵ có liên quan đến thừa cholesterol.
Theo thống kê của Bộ Y tế vào năm 2020, cứ 10 người trưởng thành, có 3 người bị thừa cholesterol. Tỷ lệ đột quỵ liên quan đến thừa cholesterol cũng ở ngưỡng cao.
Cholesterol vốn là thành phần thiết yếu trong cơ thể. Tuy nhiên, nếu dư thừa sẽ gây ra hiện tượng tích tụ, tạo ra các mảng xơ vữa. Các mảng xơ vữa này khiến mạch máu hẹp lại và tắc nghẽn, từ đó gây thiếu máu não dẫn đến đột quỵ.
TS.BS Nguyễn Bá Thắng chia sẻ thêm, 25% các ca đột quỵ liên quan trực tiếp đến thừa cholesterol theo cơ chế này. Chúng cũng gián tiếp liên quan tới 50% ca đột quỵ với các trường hợp tăng huyết áp, thoái hóa những mạch máu nhỏ. Tình trạng thừa cholesterol gia tăng đồng nghĩa với nguy cơ đột quỵ cũng tăng.
Hai yếu tố chính dẫn đến đến thừa cholesterol gồm yếu tố không thay đổi được (di truyền, tuổi tác, giới tính, bệnh lý nền) và yếu tố có thể thay đổi được (chế độ dinh dưỡng không lành mạnh, lối sống thiếu vận động, hút thuốc lá, dùng chất kích thích như rượu, bia...). Trong đó, nguồn cholesterol ngoại sinh (chủ yếu đến từ các thực phẩm) là nguồn khởi phát chính tình trạng thừa cholesterol.
Thừa cholesterol đáng quan ngại ở chỗ diễn ra khá âm thầm, gần như không có triệu chứng rõ ràng. Nhiều người phát hiện khi thực hiện các xét nghiệm hoặc gặp các biến chứng nguy hiểm chẳng hạn như đột quỵ. Những trường hợp này bắt buộc phải điều trị mà chưa có cơ hội phòng.
"Ước tính khoảng 50% bệnh nhân đột quỵ không thể tự sinh hoạt mà phải sống lệ thuộc vào người khác và 75% không thể trở về cuộc sống sinh hoạt bình thường", TS.BS Nguyễn Bá Thắng cho biết.
Là một trong số ít những người may mắn được cứu sống sau đột quỵ, anh Thành Khải (tài xế tại TP HCM) cho biết, ban đầu, anh chỉ thấy buồn ngủ khi đang lái xe. Về đến nhà, anh ngủ li bì và khi thức dậy thấy nằm trong bệnh viện. Lúc đó, anh mới biết được bác sĩ cứu sống sau cơn đột quỵ. Dù thoát chết nhưng anh không thể nói chuyện rõ ràng, tay chân run và yếu đi nhiều, phải bỏ nghề lái xe.
Anh Khải cho biết thêm, trước đó, hai người trong dòng họ của anh mất vì đột quỵ, một người mới hơn 30 tuổi nhưng không biết tình trạng này lại liên quan đến thừa cholesterol.
Để chủ động phòng ngừa, TS.BS Nguyễn Bá Thắng khuyến cáo người trưởng thành nên thực hiện tầm soát, kiểm tra sức khỏe định kỳ, tăng cường vận động, tập luyện thể dục thể thao và nhất là áp dụng chế độ dinh dưỡng khoa học. Nếu kiểm soát tốt tình trạng thừa cholesterol trong cơ thể có thể giảm 27% nguy cơ đột quỵ.
Về chế độ dinh dưỡng, TS.BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học Ứng dụng Việt Nam khuyên mọi người duy trì chế độ ăn ít muối (5mg một ngày); 400 gram rau quả một ngày, chú ý rau quả tươi, sạch, dùng nhiều loại có màu xanh đậm, vàng, đỏ. Hạn chế thực phẩm có hàm lượng cholesterol cao như da, mỡ, nội tạng động vật, các loại thịt đỏ; bỏ thói uống rượu bia, hút thuốc lá...
TS.BS Trương Hồng Sơn chia sẻ thêm, trong nấu nướng, người nội trợ có thể thay thế mỡ động vật bằng các loại dầu thực vật giàu omega 3-6-9; dùng dầu gạo lứt hay các loại dầu hỗn hợp có thành phần dầu gạo lứt. Dưỡng chất Gamma-Oryzanol và Phytosterol trong loại dầu này hỗ trợ giảm hấp thụ cholesterol xấu trong thực phẩm và tăng đào thải chúng ra khỏi cơ thể. Đây cũng là khuyến cáo được chuyên gia dinh dưỡng của Bộ Y tế đưa ra trong "Tháng hành động đẩy lùi tình trạng thừa cholesterol trong cơ thể" vào năm 2020.
Tiếp nối hoạt động của Bộ Y tế về nâng cao nhận thức cộng đồng, Hội Đột qụy TP HCM và Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền về thực trạng "Thừa cholesterol - Tăng nguy cơ đột quỵ".
Ý kiến ()