Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 21:34 (GMT +7)
Thủ tướng: Xử lý cái sai để bảo vệ cái đúng, phát triển hệ sinh thái BĐS an toàn, lành mạnh, bền vững
Thứ 5, 14/07/2022 | 21:53:42 [GMT +7] A A
Phát biểu tại Hội nghị chiều 14/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ quan điểm kiên trì, kiên định, kiên quyết phát triển hệ sinh thái bất động sản (BĐS) an toàn, lành mạnh, bền vững; không siết chặt tín dụng một cách bất hợp lý, nhưng tăng cường kiểm tra, giám sát, không buông lỏng quản lý Nhà nước; không hình sự hóa các quan hệ kinh tế-dân sự, nhưng rà soát, ngăn chặn, phát hiện, xử lý nghiêm những hành vi sai phạm, không để đổ vỡ thị trường, bảo vệ những người làm đúng, hài hòa lợi ích Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, đa dạng hóa nguồn vốn và nguồn cung cho thị trường BĐS.
Chiều 14/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị phát triển thị trường BĐS an toàn, lành mạnh, bền vững.
Sau khi lắng nghe ý kiến các đại biểu, phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng đánh giá các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, vì mục tiêu chung, đã đánh giá khách quan, trung thực những mặt được là cơ bản trong phát triển thị trường BĐS từ năm 2000 tới nay, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế trong điều kiện khó khăn hiện nay và góp phần đưa đất nước phát triển.
Đồng thời, các ý kiến cũng đánh giá những mặt chưa được, những tồn tại, hạn chế của thị trường BĐS, đây cũng là điều bình thường trong quá trình phát triển, tại một đất nước đang phát triển, trải qua nhiều năm chiến tranh, còn rất nhiều khó khăn. Các đại biểu cũng đưa ra nhiều ý kiến góp ý để phát triển hệ sinh thái thị trường BĐS an toàn, lành mạnh, bền vững, cho dù một hội nghị không thể giải quyết được hết các vấn đề đặt ra.
Chia sẻ một số suy nghĩ với các đại biểu, Thủ tướng cho rằng, càng trong khó khăn, thách thức, vấn đề càng phức tạp, nhạy cảm, chúng ta càng phải bình tĩnh, giữ vững bản lĩnh, đoàn kết, phát huy dân chủ, trí tuệ tập thể, đánh giá chính xác, khách quan tình hình để xử lý các các vấn đề đặt ra; có cách tư duy, phương pháp luận đúng để giải quyết căn cơ các vấn đề, theo hướng đi từ vấn đề lớn để xử lý vấn đề nhỏ, đi từ vấn để tổng thể để xử lý vấn đề cụ thể.
Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm kiên trì, kiên định, kiên quyết phát triển hệ sinh thái BĐS an toàn, lành mạnh, bền vững; không siết chặt tín dụng một cách bất hợp lý, nhưng tăng cường kiểm tra, giám sát, không buông lỏng quản lý Nhà nước; không hình sự hóa các quan hệ kinh tế-dân sự, nhưng rà soát, ngăn chặn, phát hiện những hành vi sai phạm để xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật, không để đổ vỡ thị trường, bảo vệ những người làm đúng, bảo vệ, hài hòa lợi ích Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
Cái gốc bền vững của thị trường BĐS
Trên cơ sở đó, các bộ, ngành và địa phương tập trung triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ giải pháp tại Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
Thủ tướng cho rằng, muốn phát triển hệ sinh thái BĐS an toàn, lành mạnh, bền vững, phải thu hút đầu tư, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo ra nhiều công ăn việc làm ở nhiều lĩnh vực, nhiều địa phương, thì mới có người đến làm. Có người đến làm thì mới có người đến ở. Có người đến ở thì mới có người mua nhà. Như vậy thì phát triển BĐS, phát triển đô thị mới bền vững. Đây là gốc của vấn đề.
Cùng với đó, muốn phát triển hệ sinh thái thị trường BĐS, phải giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Phải nắm chắc tình hình và cung cầu để phát triển thị trường BĐS trên cơ sở tôn trọng quy luật thị trường, quy luật cạnh tranh và phát huy vai trò quản lý của Nhà nước với các công cụ chính sách để can thiệp, kiểm soát khi cần thiết một cách phù hợp, kịp thời, hiệu quả, không để tình trạng thao túng thị trường, găm hàng, đội giá…
Rà soát các quy định của pháp luật để giải quyết các vấn đề vừa trước mắt, vừa lâu dài theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các cấp; nghiên cứu kỹ lưỡng, đề xuất thí điêm cơ chế chính sách tạo động lực, xung lực mới cho phát triển, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội.
Xác định các phân khúc thị trường, các nhu cầu để có chính sách phù hợp thúc đẩy thị trường, tập trung cho an sinh xã hội, tạo cơ hội cho người thu nhập thấp, "không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần", như phân khúc BĐS công nghiệp, nhà ở công nhân, nhà thu nhập thấp…
Phát triển hạ tầng chiến lược để tạo không gian phát triển mới, động lực phát triển mới, thúc đẩy hình thành các khu đô thị mới.
Xây dựng công cụ chính sách lành mạnh, phù hợp, hiệu quả để bảo đảm liên thông, an toàn, chắc chắn giữa các thị trường vốn với thị trường BĐS, đa dạng hóa nguồn vốn cho thị trường BĐS.
Tăng cường kiểm tra, thanh tra, kiểm toán để tháo gỡ các vướng mắc, xử lý sai phạm để bảo vệ thị trường, bảo vệ tài sản, bảo vệ con người. Dứt khoát không hợp thực hóa cái sai, nhưng đánh giá khách quan, tìm hiểu nguyên nhân, có cơ chế tháo gỡ những vướng mắc thực tiễn đặt ra.
Làm tốt công tác truyền thông, đẩy mạnh giáo dục, bồi dưỡng kiến thức tài chính, kiến thức pháp luật trong nhà trường và bằng các hình thức khác.
"Tinh thần là bảo vệ thị trường, thúc đẩy thị trường, bảo vệ những người làm đúng, kiên quyết xử lý những người làm sai. Xử lý cái sai để bảo vệ cái đúng", Thủ tướng nhấn mạnh.
Đa dạng hóa nguồn vốn và nguồn cung cho thị trường BĐS
Phân công các nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng giao Bộ Xây dựng khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực BĐS, trong đó có một số luật, đảm bảo đồng bộ, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện để thị trường BĐS phát triển ổn định, lành mạnh. Trước mắt, nghiên cứu một số vấn đề để làm thí điểm theo thẩm quyền của Chính phủ, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan thành lập tổ công tác để chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các địa phương triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội đối với nội dung chính sách hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân khu công nghiệp, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ.
Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, hướng dẫn để tháo gỡ khó khăn vướng mắc của pháp luật, thủ tục pháp lý của dự án.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ ngành khẩn trương hoàn thiện dự thảo, trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp tại thị trường trong nước, và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.
Kiểm soát hoạt động huy động vốn của các doanh nghiệp kinh doanh BĐS trên thị trường chứng khoán, tránh hiện tượng đầu cơ, thao túng, thổi giá.
Kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật về phát hành và sử dụng vốn thu được từ phát hành trái phiếu, nhất là phát hành trái phiếu riêng lẻ của các doanh nghiệp BĐS, của tổ chức tín dụng có liên quan đến doanh nghiệp BĐS, các doanh nghiệp có khối lượng phát hành lớn, lãi suất cao, các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh thua lỗ, các doanh nghiệp phát hành không có tài sản bảo đảm.
Chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện hoạt động phát hành trái phiếu, hoạt động huy động vốn của các doanh nghiệp kinh doanh BĐS trên thị trường chứng khoán đúng quy định pháp luật; tạo điều kiện, không làm cản trở các doanh nghiệp (có đủ năng lực, kết quả hoạt động kinh doanh tốt, lành mạnh…) có thể huy động vốn để hỗ trợ phục hồi, phát triển.
Nghiên cứu, đề xuất để ban hành quy định về thuế đối với việc sử dụng BĐS, đối với hoạt động giao dịch, kinh doanh BĐS hạn chế tình trạng mua đi, bán lại nhiều lần, hạn chế tình trạng đầu cơ, găm giữ BĐS và chống thất thoát nguồn thu của Nhà nước.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo dõi, kiểm soát, cơ cấu lại tín dụng đối với lĩnh vực BĐS đảm bảo sử dụng đúng mục đích, tránh rủi ro cho thị trường, với nghệ thuật điều hành mềm dẻo, linh hoạt, có hiệu quả.
Chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức tín dụng tiếp tục cho vay đối với lĩnh vực BĐS đảm bảo đúng quy định pháp luật, cho vay đối với các dự án BĐS đầy đủ tính pháp lý; ưu tiên cho vay đối với các dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, nhà ở cho công nhân đã được cấp phép và khởi công xây dựng để tạo nguồn cung cho thị trường.
Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp nghiên cứu, rà soát, sửa đổi các quy định của pháp luật hiện hành liên quan đến việc đấu giá quyền sử dụng đất (pháp luật về đấu giá, pháp luật về đất đai, pháp luật về quản lý thuế) bảo đảm thống nhất và phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
Thanh tra, kiểm kiểm tra và chỉ đạo, hướng dẫn, phối hợp với các địa phương phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất đảm bảo đúng pháp luật.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thủ tục đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án nhà ở, BĐS để hỗ trợ, tăng nguồn cung cho thị trường. Theo dõi và đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực kinh doanh BĐS.
Bộ Công an chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các cơ quan thanh tra, kiểm toán và các cơ quan liên quan tăng cường công tác nắm bắt tình hình, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, tác động tiêu cực đến hoạt động của thị trường tài chính, tín dụng, BĐS, chống tham nhũng, tiêu cực…
Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tấn báo chí tăng cường cung cấp thông tin kịp thời, chính thức, chính xác về tình hình hoạt động thị trường BĐS, thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu; xử lý nghiêm các hành vi đưa thông tin không chính xác, gây tác động tiêu cực đến hoạt động của thị trường tài chính, tín dụng, BĐS.
Các cơ quan báo chí đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức, tăng cường niềm tin của người dân với các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.
Các địa phương khẩn trương hoàn thiện các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở; rà soát quỹ đất, danh mục dự án kêu gọi đầu tư, tổ chức giao đất, đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án lựa chọn chủ đầu tư để thúc đẩy phát triển, tăng nguồn cung BĐS, nhà ở phục vụ tiêu dùng.
Rà soát lập danh mục các dự án nhà ở, BĐS đang chuẩn bị đầu tư hoặc triển khai thực hiện trên địa bàn; đánh giá cụ thể lý do, nguyên nhân khó khăn vướng mắc đối với từng dự án, đặc biệt là các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng chưa triển khai hoặc chậm triển khai. Trên cơ sở đó, tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc về pháp lý, thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án nhà ở để tăng nguồn cung cho thị trường.
Các bộ, ngành phối hợp chặt chẽ để tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.
Chính phủ phân công Phó Thủ tướng Lê Minh Khai trực tiếp chỉ đạo việc phát triển hệ sinh thái thị trường BĐS an toàn, lành mạnh, bền vững; ngay trong tháng 7 và quý III, cố gắng rà soát, tháo gỡ một số khó khăn vướng mắc về vốn, thủ tục hành chính, nhân lực, tài sản trên đất… để tăng nguồn cung cho các đối tượng trên các địa bàn, đa dạng hóa nguồn vốn…
Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Xây dựng và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản chỉ đạo phù hợp về các giải pháp phát triển thị trường BĐS an toàn, lành mạnh, bền vững.
Theo Baochinhphu.vn
Liên kết website
Ý kiến ()