"Tôi đã xin rời khỏi vị trí thủ tướng. Đây là quyết định chính trị khó khăn nhất mà tôi từng đưa ra", Thủ tướng Thụy Điển Stefan Lofven nói trong cuộc họp báo hôm nay, một tuần sau khi không vượt qua được cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại quốc hội.
Lofven bị phế truất sau khi cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm ở quốc hội Thụy Điển kết thúc hôm 21/6 với kết quả 181 phiếu thuận trong tổng số 349 nghị sĩ, vượt qua mức tối thiểu 175 phiếu. Ông có một tuần để từ chúc hoặc tổ chức bầu cử sớm, nhưng thừa nhận đã thất bại trong nỗ lực tìm kiếm sự ủng hộ từ các nghị sĩ để có thể được tái bổ nhiệm nếu diễn ra bầu cử.
Thông báo từ chức đồng nghĩa với quyền thành lập chính phủ mới sẽ được chuyển cho Chủ tịch Quốc hội Thụy Điển Andreas Norlen. Ông sẽ có 4 lần đề cử vị trí thủ tướng và phải tổ chức bầu cử sớm nếu quốc hội bác bỏ tất cả ứng viên.
Chính quyền mới của Thụy Điển sẽ chỉ hoạt động đến tháng 9/2022, thời điểm tổng tuyển cử diễn ra. "Chỉ còn một năm trước ngày bầu cử và đại dịch vẫn đang hoành hành, bầu cử sớm sẽ không phải lựa chọn tốt nhất cho đất nước. Không thể sử dụng thời gian cho những cuộc chơi chính trị", cựu thủ tướng Lofven nói.
Các cuộc khảo sát cho thấy phe trung tả và trung hữu trong quốc hội Thụy Điển đang khá cân bằng, khiến khủng hoảng chính trị khó lòng được giải quyết nhanh chóng, dù các chuyên gia cho rằng điều này khó ảnh hưởng tới nền kinh tế.
Cựu thủ tướng Lofven bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai vào năm 2018 chỉ sau vài tháng đàm phán sau cuộc tổng tuyển cử, trong đó đảng Dân chủ Thụy Điện giành được nhiều phiếu và vẽ lại bản đồ chính trị nhờ đường lối chống nhập cư. Ông điều hành chính phủ liên minh giữa đảng Dân chủ Xã hội và đảng Xanh, được hỗ trợ bởi các đối thủ cũ như đảng Trung tâm và đảng Tự do, đồng thời phải có sự ủng hộ âm thầm của đảng Cánh tả.
Đảng Dân chủ Thụy Điển tuần trước kêu gọi bỏ phiếu bất tín nhiệm sau khi đảng Cánh tả chấm dứt ủng hộ đảng Dân chủ Xã hội của ông Lofven do kế hoạch cải cách quản lý giá cho thuê nhà, vấn đề rất quan trọng với nhiều cử tri.
Ý kiến ()