Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 17:40 (GMT +7)
Thủ tướng: Tập trung củng cố, phát huy lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ và vực dậy lĩnh vực công nghiệp
Thứ 7, 09/09/2023 | 13:49:48 [GMT +7] A A
Kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu tập trung thúc đẩy có trọng tâm, trọng điểm 3 động lực tăng trưởng (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng), trong đó tiếp tục củng cố, phát huy lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ, vực dậy lĩnh vực công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo, tháo gỡ khó khăn thị trường, khắc phục đứt gãy chuỗi cung ứng...
Ngày 9/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2023.
Tại phiên họp, Chính phủ tập trung thảo luận một số nội dung chính: Tình hình kinh tế-xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2023, triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, triển khai 03 Chương trình mục tiêu quốc gia; các báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024, đánh giá giữa kỳ tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 05 năm (2021–2025); các báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công, thực hiện ngân sách nhà nước năm 2023, dự kiến kế hoạch đầu tư công, dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 và đánh giá giữa kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025…
Các báo cáo và ý kiến tại phiên họp thống nhất đánh giá, trong tháng 8, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tập trung triển khai quyết liệt các Nghị quyết, Kết luận, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ.
Trong đó, đã tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật, với việc tổ chức phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 8/2023 (phiên thứ 7 năm 2023); ban hành 15 văn bản quy phạm (11 Nghị định và 04 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ); 24 Nghị quyết, 01 Chỉ thị. Tính chung 8 tháng, Chính phủ, Thủ tướng đã ban hành 84 văn bản quy phạm (61 Nghị định, 23 Quyết định quy phạm của Thủ tướng Chính phủ) và 1.061 Quyết định cá biệt, 24 Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng cũng đã thành lập Tổ công tác thực hiện Nghị quyết số 101/2023 của Quốc hội về rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.
Cùng với đó, tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Cụ thể, đã tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; chỉ đạo hoàn thiện, trình Quốc hội ban hành các nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn đối với các dự án giao thông đường bộ; thí điểm chính sách hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu...
Tập trung chỉ đạo, đôn đốc các dự án trọng điểm (khởi công nhà ga Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, thông xe một số tuyến cao tốc, khánh thành cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2…); đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công; kết nối các tuyến đường bộ cao tốc; chú trọng chỉ đạo về các vấn đề quan trọng, cấp bách phát sinh, đảm bảo an ninh lương thực, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững, phòng ngừa, ngăn chặn "tín dụng đen", rửa tiền; ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ, sụt lún, sạt lở đất, khô hạn, ngập úng, bảo đảm an toàn hồ đập; bảo đảm sách giáo khoa, giáo viên cho năm học mới…
Thường trực Chính phủ có nhiều cuộc họp thảo luận về công tác xây dựng thể chế, các nhiệm vụ, giải pháp lớn ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế trong những tháng cuối năm 2023...
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tổ chức các hội nghị, diễn đàn, cuộc họp tham vấn ý kiến về phát triển kinh tế-xã hội, cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, giảm lãi suất, tăng khả năng tiếp cận tín dụng; khắc phục sạt lở vùng ĐBSCL; họp các Ban chỉ đạo quốc gia, Ban Chỉ đạo Nhà nước về các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm và an toàn, an ninh mạng…
Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ tham dự nhiều sự kiện, hoạt động văn hóa, giáo dục, thể thao. Hoạt động đối ngoại diễn ra sôi động.
10 điểm nổi bật trong 8 tháng đầu năm
Về tình hình kinh tế-xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2023, phiên họp thống nhất đánh giá, trong bối cảnh quốc tế, trong nước rất khó khăn, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp dưới sự lãnh đạo của Đảng, tình hình tháng 8 tiếp tục xu hướng tích cực, nhiều lĩnh vực đạt kết quả tốt hơn so với tháng 7, duy trì đà "tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước", đóng góp vào kết quả chung của 8 tháng đầu năm 2023.
Trong đó, nổi bật là kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm.
Cụ thể, lạm phát tiếp tục xu hướng giảm dần, CPI bình quân 8 tháng tăng 3,1% (so với bình quân 7 tháng là 3,12%, 6 tháng 3,29%, 5 tháng 3,55%, 4 tháng 3,84%; 3 tháng 4,18%; 2 tháng 4,6% và tháng 1 là 4,89%); thấp hơn mục tiêu đề ra (khoảng 4,5%); qua đó tạo dư địa cho các chính sách tiền tệ, tài khoá thúc đẩy tổng cầu và tăng trưởng kinh tế. Tỉ giá, thị trường ngoại tệ được kiểm soát tốt; mặt bằng lãi suất tiếp tục xu hướng giảm. Thị trường chứng khoán hồi phục. Phát hành trái phiếu doanh nghiệp lũy kế từ đầu năm đạt 132.000 tỷ đồng, trong đó trái phiếu riêng lẻ là 115.000 tỷ đồng.
Thu ngân sách nhà nước 8 tháng đạt trên 1,12 triệu tỷ đồng, bằng 69,4% dự toán trong điều kiện phải thực hiện giãn, hoãn, miễn giảm thuế, phí, lệ phí (tổng số tiền miễn, giảm, gia hạn khoảng 200.000 tỷ đồng; đến hết tháng 8 ước tính là 132.000 tỷ đồng). Nợ công, nợ chính phủ, bội chi ngân sách nhà nước được kiểm soát tốt.
Xuất nhập khẩu tiếp tục đà tăng trở lại. Trong tháng 8, xuất khẩu tăng 7,7% so với tháng 7, nhập khẩu tăng 5,7%; xuất siêu gần 3,82 tỷ USD. Tính chung 8 tháng, xuất khẩu đạt 227,7 tỷ USD, nhập khẩu đạt 207,5 tỷ USD; xuất siêu gần 20,2 tỷ USD.
An ninh năng lượng, an ninh lương thực được bảo đảm; xuất khẩu 5,9 triệu tấn gạo, kim ngạch đạt 3,2 tỷ USD, tăng 123% về lượng và 137,3% về giá trị so với cùng kỳ. Thị trường lao động phục hồi tốt, cân đối cung cầu lao động được bảo đảm.
Thứ hai, khu vực nông nghiệp tiếp tục phát triển ổn định, là điểm sáng và là bệ đỡ vững chắc của nền kinh tế trong khó khăn. Năng suất lúa mùa tăng 0,9 tạ/ha; đàn lợn tăng 3,5%; sản lượng gỗ tăng 4,8%, thuỷ sản tăng 1,9%. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản 8 tháng đạt 33,21 tỷ USD, xuất siêu 6,72 tỷ USD; trong đó xuất khẩu rau quả đạt gần 3,5 tỷ USD, tăng 59,3% và cao hơn cả năm 2022.
Thứ ba, khu vực công nghiệp tiếp tục đà phục hồi; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 8 tăng 2,9% so với tháng 7 và tăng 2,6% so cùng kỳ (tháng 7 tăng 2,3%), trong đó ngành chế biến chế tạo tăng 3,5%.
Đặc biệt, Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của ngành sản xuất trong tháng 8 (do S&P Global công bố) đạt 50,5 điểm so với 48,7 điểm vào tháng 7; thể hiện lĩnh vực sản xuất được mở rộng với số lượng đơn đặt hàng mới và sản lượng tăng trở lại.
Thứ tư, khu vực thương mại, dịch vụ tiếp tục tăng khá cao; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 8 tăng 0,9% so tháng 7 và tăng 7,6% so cùng kỳ; tính chung 8 tháng tăng 10%. Khách quốc tế tháng 8 đạt 1,2 triệu lượt, tăng 17,2% so tháng 7 và gấp gần 2,5 lần so cùng kỳ; tính chung 8 tháng thu hút được 7,8 triệu lượt khách quốc tế, gấp 5,4 lần so cùng kỳ.
Thứ năm, đầu tư phát triển tiếp tục đạt kết quả tích cực, là một động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Giải ngân vốn đầu tư công 8 tháng đạt gần 297,7 nghìn tỷ đồng, đạt 42,1% kế hoạch, tăng 2,95% về tỉ lệ và tăng 85.000 tỷ đồng về số tuyệt đối. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư thực hiện nguồn ngân sách nhà nước 8 tháng đạt 49,4% kế hoạch năm, tăng 23,1% so với cùng kỳ - cao hơn so với số giải ngân do thủ tục thanh toán. Thủ tướng yêu cầu các cơ quan liên quan đẩy nhanh thủ tục thanh toán.
Tổng vốn FDI đăng ký đạt 18,15 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ (trong đó vốn đăng ký cấp mới đạt 8,87 tỷ USD, tăng 69,5%; vốn đăng ký điều chỉnh đạt 4,54 tỷ USD, giảm 39,7% và vốn góp, mua cổ phần đạt 4,74 tỷ USD, tăng 62,8%). Tổng vốn FDI thực hiện 8 tháng đạt 13,1 tỷ USD, tăng 1,3% và tăng dần qua hằng tháng.
Thứ sáu, tình hình phát triển doanh nghiệp ngày càng tích cực hơn, tháng 8 có trên 14.000 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 2,3% về số doanh nghiệp và tăng 6,6% về vốn đăng ký so với tháng 7. Tính chung 8 tháng có 149.400 doanh nghiệp gia nhập thị trường (gồm 103,7 nghìn doanh nghiệp đăng ký thàng lập mới và 45.700 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động), cao hơn số 124.700 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Thứ bảy, tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 78 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9; lễ khai giảng năm học mới diễn ra tốt đẹp trên khắp cả nước. Các lĩnh vực văn hoá–xã hội được chú trọng; an sinh xã hội được bảo đảm; các loại dịch bệnh được kiểm soát; đời sống người dân được cải thiện, tỉ lệ hộ có thu nhập không thay đổi và tăng lên là 94,2%, cao hơn so với cùng kỳ năm 2022 là 82,2%.
Thứ tám, tình hình chính trị-xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững; trật tự an toàn xã hội cơ bản được bảo đảm. Tai nạn giao thông, thiệt hại do thiên tai, cháy nổ giảm.
Thứ chín, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được tăng cường, đẩy mạnh; góp phần củng cố niềm tin của nhân dân và toàn xã hội.
Thứ mười, đối ngoại, hội nhập quốc tế được đẩy mạnh; uy tín và vị thế quốc tế của Việt Nam tiếp tục được củng cố và tăng lên.
Phải cầu thị, lắng nghe ý người dân và doanh nghiệp
Phát biểu kết luận phiên họp, đánh giá chung về tình hình, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trong tháng 8 và 8 tháng, kết quả quan trọng nhất là chúng ta đạt được mục tiêu tổng quát đề ra theo các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ: Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát; tăng trưởng được thúc đẩy; các cân đối lớn, an sinh xã hội, đời sống nhân dân được bảo đảm; chính trị-xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững; đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh.
Bên cạnh đó, Thủ tướng nêu rõ những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức. Tăng trưởng kinh tế chưa đạt mục tiêu đề ra; ổn định vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế còn tiềm ẩn rủi ro; lạm phát tuy được kiểm soát ở mức thấp nhưng vẫn chịu nhiều sức ép.
Thu ngân sách nhà nước 8 tháng giảm 8,8% so với cùng kỳ; nợ xấu có xu hướng tăng. Tăng trưởng tín dụng thấp. Điều hành chính sách tiền tệ tiếp tục gặp khó khăn trong bối cảnh nhiều nước tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ.
Về các động lực tăng trưởng, cầu trên các thị trường lớn, truyền thống suy giảm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giảm 13,1% trong 8 tháng. Đầu tư công khởi sắc nhưng mục tiêu giải ngân trên 95% vẫn là thách thức; thu hút đầu tư tư nhân còn khó khăn. Tiêu dùng trong nước khó tăng mạnh trong ngắn hạn.
Sản xuất công nghiệp phục hồi chậm (chỉ số IIP 8 tháng giảm 0,4%). Xuất khẩu một số mặt hàng nông nghiệp vẫn giảm sâu như thủy sản, hạt tiêu, chè. Doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản còn nhiều khó khăn, vướng mắc.
Thủ tục hành chính một số lĩnh vực còn rườm rà; một số cơ chế, chính sách, quy định chậm được sửa đổi phù hợp. Công tác lập, thẩm định quy hoạch cần tiếp tục đẩy nhanh và nâng cao chất lượng.
Đời sống một bộ phận người dân khó khăn. Tình hình sạt lở, ngập úng, thiên tai, bão lũ, biến đổi khí hậu tiếp tục diễn biến phức tạp, tác động, ảnh hưởng lớn đến sản xuất kinh doanh và đời sống, nhất là vùng ĐBSCL và miền núi…
An ninh, trật tự an toàn xã hội trên một số địa bàn tiềm ẩn nhiều nguy cơ; tình hình tội phạm diễn biến phức tạp, nhất là tội phạm ma túy, tội phạm trên không gian mạng; bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ tiếp tục gặp những thách thức…
Thủ tướng nhấn mạnh nguyên nhân của những kết quả đạt được là sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự đồng hành, phối hợp chặt chẽ của Quốc hội và các cơ quan trong hệ thống chính trị; sự ủng hộ, tham gia tích cực của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp; sự hỗ trợ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế; sự lãnh đạo, chỉ đạo điều hành quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, linh hoạt, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương.
Phân tích về nguyên nhân của hạn chế, yếu kém, Thủ tướng nêu rõ, nguyên nhân khách quan chủ yếu là do tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường và những vấn đề tồn đọng nội tại kéo dài nhiều năm; trong khi nước ta là nước đang phát triển, nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi, có độ mở lớn, quy mô khiêm tốn, sức chống chịu và khả năng cạnh tranh hạn chế.
Nguyên nhân chủ quan chủ yếu là việc tổ chức thực hiện của một số bộ, ngành, địa phương còn thiếu chủ động, quyết liệt, phối hợp chưa chặt chẽ, hiệu quả; còn một bộ phận cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh; thủ tục hành chính còn rườm rà; giải quyết khó khăn, vướng mắc chưa thật sự rốt ráo, kịp thời, hiệu quả.
Thủ tướng nhấn mạnh một số bài học kinh nghiệm: Bám sát và thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các Nghị quyết, Kết luận, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ; nắm chắc tình hình, phản ứng chính sách nhanh, kịp thời, phù hợp, hiệu quả theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, phân cấp, phân quyền, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, địa phương, đề cao trách nhiệm người đứng đầu gắn với phân bổ nguồn lực phù hợp và tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; cầu thị, lắng nghe ý người dân và doanh nghiệp để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.
Quyết tâm thực hiện mục tiêu tổng quát đã đề ra với tinh thần "4 kiên quyết"
Trong tháng 9, những tháng còn lại của năm 2023 và thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ cần kiên quyết, kiên trì, quyết tâm thực hiện mục tiêu tổng quát đã đề ra.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII, các Nghị quyết, Kết luận, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, lãnh đạo chủ chốt, của Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
"Tinh thần đặt ra là: Kiên quyết không lùi bước trước khó khăn; kiên quyết không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm; kiên quyết bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, nhưng cũng cương quyết xử lý những trường hợp nhũng nhiễu, tiêu cực, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm; kiên quyết tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế tốt hơn, nâng cao đời sống người dân", Thủ tướng nhấn mạnh.
Về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, Thủ tướng nêu rõ, tập trung thúc đẩy có trọng tâm, trọng điểm 3 động lực tăng trưởng (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng), trong đó tiếp tục củng cố, phát huy lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ, vực dậy lĩnh vực công nghiệp, tập trung cho lĩnh vực chế biến, chế tạo, tháo gỡ khó khăn thị trường, khắc phục đứt gãy chuỗi cung ứng....
Về đầu tư, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài; tăng cường hợp tác công tư (PPP), đẩy mạnh đầu tư toàn xã hội, tích cực, chủ động thu hút FDI có chọn lọc, bảo đảm chất lượng; chú trọng chuyển giao công nghệ, liên kết với doanh nghiệp trong nước và tham gia vào chuỗi cung ứng khu vực, toàn cầu.
Về xuất khẩu, giữ vững, củng cố các thị trường truyền thống và tích cực mở rộng các thị trường mới; tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn mới, nhất là tiêu chuẩn xanh; tận dụng cơ hội các FTA đã ký kết; đẩy mạnh đàm phán, ký kết các hiệp định, cam kết, liên kết thương mại mới.
Về tiêu dùng, tập trung phát triển mạnh thị trường trong nước (100 triệu dân); đẩy mạnh cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"; tổ chức rộng khắp các chương trình khuyến mại, kích cầu tiêu dùng; phát triển mạnh thương mại điện tử; tăng cường kết nối, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, nhất là hàng thiết yếu; tăng cường phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại…
Trong điều hành chính sách tiền tệ và tài khóa, tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hoà với chính sách tài khoá mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, nhanh chóng, dứt khoát và các chính sách khác để ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô.
Đặc biệt chú trọng công tác điều phối kinh tế vĩ mô giữa các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương và NHNN. Yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải theo dõi sát diễn biến tình hình quốc tế, trong nước để có phản ứng chính sách đồng bộ, phù hợp, kịp thời, hiệu quả.
Về công tác quy hoạch, bảo đảm tiến độ, chất lượng xây dựng quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và phải hoàn thành trong năm 2023. Tập trung triển khai Quy hoạch điện VIII; trước hết hoàn thiện, ban hành ngay kế hoạch triển khai thực hiện trong tháng 9/2023.
Về phát triển các ngành, lĩnh vực chủ yếu, Thủ tướng yêu cầu, cần xác định rõ đẩy mạnh sản xuất công nghiệp là một nhiệm vụ trọng tâm để thúc đẩy tăng trưởng trong tình hình hiện nay; tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy công nghiệp chế biến chế tạo, các ngành công nghiệp chủ lực; đẩy nhanh tiến độ các dự án quy mô lớn, công nghệ cao, có tính lan tỏa mạnh mẽ; chủ động triển khai các giải pháp bảo đảm an ninh năng lượng (điện, xăng dầu); rà soát quy định pháp luật để có hướng dẫn cụ thể về đầu tư lưới điện truyền tải.
Trong nông nghiệp, thúc đẩy mạnh sản xuất lương thực, thực phẩm, các mặt hàng thiết yếu đáp ứng nhu cầu cuối năm, các dịp lễ tết. Tận dụng tốt cơ hội xuất khẩu nông sản, đồng thời bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp chống khai thác thuỷ sản bất hợp pháp (IUU) để gỡ thẻ vàng của EU. Thủ tướng lưu ý chuẩn bị tốt việc tổ chức Festival lúa gạo quốc tế vào cuối năm và triển khai hiêu quả chương trình 1 triệu ha lúa chất lượng cao.
Trong dịch vụ, du lịch, phát triển mạnh các ngành dịch vụ có tiềm năng, lợi thế, ứng dụng công nghệ cao; đẩy mạnh truyền thông về chính sách thị thực mới, kéo dài thời gian lưu trú và xúc tiến du lịch các thị trường trọng điểm; chuẩn bị tốt cho mùa cao điểm du lịch quốc tế…
Về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số và thực hiện Đề án 06, Thủ tướng yêu cầu tập trung rà soát quy định pháp luật, cơ chế, chính sách, kịp thời phát hiện những bất cập, vướng mắc để chủ động sửa đổi, hoàn thiện hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền theo quy định.
Tập trung chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm và nâng cao hiệu quả công tác cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả các dịch vụ công quốc gia; kiên quyết cắt bỏ và tuyệt đối không ban hành thêm các TTHC không cần thiết, làm tăng chí phí, thời gian thực hiện của người dân, doanh nghiệp.
Tiếp tục quyết liệt chỉ đạo, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ điện tử và Đề án 06.
Tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả các Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển 6 vùng kinh tế-xã hội gắn với đẩy mạnh hoạt động của các Hội đồng điều phối vùng, bảo đảm thực chất, hiệu quả.
Về văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, Thủ tướng nêu rõ, chú trọng phát triển các lĩnh vực văn hoá, xã hội, y tế, giáo dục, đào tạo; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.
Tăng cường dự báo, cảnh báo, thông tin kịp thời về hạn hán, xâm nhập mặn, bão, mưa lũ, sạt lở bờ sông, bờ biển, lũ quét, sạt lở đất để có các biện pháp phòng, chống hiệu quả; sẵn sàng các phương án cứu hộ, cứu nạn và khắc phục hậu quả.
Làm tốt công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; giải quyết khiếu nại, tố cáo ngay từ khi mới phát sinh tại cơ sở, không để hình thành "điểm nóng"...
Bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tập trung trấn áp các loại tội phạm và xử lý vi phạm pháp luật, nhất là tội phạm mạng, "tín dụng đen"…
Triển khai hiệu quả các hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế; đẩy mạnh ngoại giao kinh tế, tìm kiếm thị trường cho sản phẩm xuất khẩu chủ lực (dệt may, da giầy, nông sản, đồ gỗ, điện tử…).
Chủ động, tích cực hơn nữa trong công tác thông tin, truyền thông, nhất là truyền thông chính sách, góp phần củng cố niềm tin và tạo đồng thuận xã hội; đấu tranh, phản bác kịp thời, hiệu quả các thông tin xấu, độc, các quan điểm sai trái, thù địch; xử lý nghiêm các vi phạm.
Tập trung tháo gỡ nút thắt vốn tín dụng
Giao một số nhiệm vụ cụ thể ngoài các công việc thường xuyên của các bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố chủ động, sáng tạo và kịp thời hơn nữa trong chỉ đạo, điều hành, quản lý. Tập trung chủ động thực hiện tốt công tác lập, thẩm định, phê duyệt hoặc báo cáo các quy hoạch theo thẩm quyền.
Đẩy mạnh hơn nữa giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, 03 chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn. Chú trọng giải phóng mặt bằng, chuẩn bị nguyên, vật liệu san lấp, phục vụ xây dựng các dự án cao tốc qua địa bàn.
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh theo thẩm quyền. Chủ động có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động bằng các chương trình, kế hoạch, dự án cụ thể.
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, xử lý nghiêm, thay thế kịp thời các trường hợp cán bộ, công chức né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm và các vi phạm pháp luật.
Ngân hàng Nhà nước tập trung tháo gỡ nút thắt vốn tín dụng; khẩn trương rà soát, hoàn thiện các quy định, điều kiện, thủ tục cho vay, bảo đảm tăng khả năng tiếp cận tín dụng của người dân, doanh nghiệp vào các lĩnh vực ưu tiên. Ngân hàng và doanh nghiệp cần chia sẻ và thấu hiểu, đặt mình vào địa vị người khác, "trong tôi có anh, trong anh có tôi" để xử lý công việc. Lưu ý phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an trong sử dụng cơ sở dữ liệu dân cư để cho vay tín chấp với giá trị phù hợp, góp phần giảm tín dụng đen. Tiếp tục phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất, nhất là lãi suất cho vay. Thực hiện hiệu quả các gói tín dụng chính sách (trong đó có 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, 40.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất, 15.000 tỷ đồng cho ngành hàng đồ gỗ, thuỷ sản…). Đẩy mạnh xử lý các ngân hàng yếu kém, mua bắt buộc theo chủ trương được cấp có thẩm quyền đồng ý, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong tháng 9/2023.
Bộ Tài chính thực hiện hiệu quả các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí; chủ động nghiên cứu, kịp thời đề xuất các giải pháp phù hợp để hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh thời gian tới. Tiếp tục đẩy nhanh hoàn thuế giá trị gia tăng; sớm hoàn thiện dự án Luật Thuế GTGT (sửa đổi). Cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan liên quan khẩn trương triển khai Kết luận của Bộ Chính trị về sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi năm 2022. Tiếp tục tăng cường kỷ luật tài chính–ngân sách nhà nước, quản lý chặt chẽ các khoản thu và triệt để tiết kiệm chi, cắt giảm các khoản chi không cần thiết.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương đôn đốc, hướng dẫn đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; thúc đẩy đầu tư tư nhân, thu hút vốn FDI và các dự án đối tác công tư (PPP). Khẩn trương thẩm định các quy hoạch, các dự án cao tốc theo phương thức PPP (Nam Định-Thái Bình; Gia Nghĩa-Chơn Thành).
Bộ Công Thương xử lý các vấn đề liên quan năng lượng tái tạo một cách kịp thời, hiệu quả; thúc đẩy phát triển công nghiệp.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, nhất là lương thực, thực phẩm; thực hiện các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu nông sản và bảo đảm an ninh lương thực quốc gia; tực hiện nghiêm túc, quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp chống khai thác bất hợp pháp (IUU), phấn đấu gỡ thẻ vàng của EU trong tháng 10/2023.
Bộ Xây dựng tập trung tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn của thị trường, các dự án bất động sản. Bộ Giao thông vận tải tập trung chỉ đạo triển khai các công trình, dự án giao thông chiến lược, có tính liên vùng, nhất là sân bay Long Thành và các dự án cao tốc.
Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương rà soát, ban hành theo thẩm quyền các quy định về xác định giá đất; chỉ đạo thực hiện các giải pháp bảo đảm nguyên vật liệu cho các dự án cao tốc.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tập trung thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; đề xuất việc tăng lương tối thiểu cho công nhân lao động, báo cáo cấp có thẩm quyền.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp tăng cường thu hút khách quốc tế. Khẩn trương hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam.
Bộ Khoa học và Công nghệ rà soát, tập trung triển khai các giải pháp nâng cao năng suất lao động.
Bộ Y tế thực hiện tốt công tác bảo vệ sức khỏe nhân dân, phòng, chống dịch bệnh, nhất là tại vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai; khẩn trương xử lý dứt điểm 2 Bệnh viện Việt Đức và Bạch Mai ở Hà Nam.
Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương có giải pháp khắc phục hiệu quả tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ và những bất cập về cơ sở vật chất tại các trường học.
Bộ Nội vụ khẩn trương hoàn thiện, báo cáo Chính phủ về phương án trình Bộ Chính trị, Trung ương, Quốc hội về lộ trình cải cách tiền lương và sơ kết 05 năm thực hiện Nghị quyết số 27/NQ-TW.
Bộ Ngoại giao triển khai hiệu quả các hoạt động đối ngoại cấp cao, chuẩn bị tốt các đề án thăm nước ngoài của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Bộ Thông tin và Truyền thông trung thúc đẩy chuyển đổi số và truyền thông chính sách.
Uỷ ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tiếp tục xử lý các dự án, doanh nghiệp thua lỗ, kém hiệu quả, tồn đọng kéo dài.
Theo baochinhphu.vn
Liên kết website
Ý kiến ()