Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 16:21 (GMT +7)
Thủ tướng Ranil Wickremesinghe được bổ nhiệm làm quyền tổng thống Sri Lanka
Thứ 4, 13/07/2022 | 16:15:03 [GMT +7] A A
Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa đã bổ nhiệm Thủ tướng Ranil Wickremesinghe làm quyền tổng thống theo Điều 37.1 của Hiến pháp.
Dẫn lời Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka Mahinda Yapa Abeywardana, đài truyền hình News18 đưa tin: “Vì vắng mặt tại Sri Lanka, Tổng thống Rajapaksa nói với tôi rằng ông ấy đã bổ nhiệm thủ tướng làm quyền Tổng thống theo quy định của Hiến pháp”.
Trước đó, vào ngày 11/7, Tổng thống Gotabaya Rajapaksa đã nộp đơn từ chức. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Abeywardena cho biết hiện vẫn chưa nhận được đơn từ chức của Tổng thống Rajapaksa.
Không quân Sri Lanka xác nhận ông Gotabaya Rajapaksa cùng vợ đã rời đi Maldives trong sáng 13/7. Tuyên bố của lực lượng trên nêu rõ: "Theo quy định của Hiến pháp và theo yêu cầu của chính phủ, sáng sớm nay (13/7), Không quân Sri Lanka đã cung cấp một máy bay để đưa vợ chồng tổng thống cùng 2 nhân viên an ninh tới Maldives".
Cùng ngày, Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe đã ban bố tình trạng khẩn cấp. Thông báo người phát ngôn Văn phòng Thủ tướng Sri Lanka cho biết: "Vì Tổng thống Gotabaya Rajapaksa đã rời đất nước, tình trạng khẩn cấp được ban bố nhằm giải quyết tình hình trong nước".
Hiện người biểu tình đã tràn vào Văn phòng Thủ tướng yêu cầu ông Ranil Wickremesinghe từ chức. Theo kế hoạch, Quốc hội Sri Lanka sẽ bầu tổng thống mới vào ngày 20/7 tới.
Theo hãng tin Reuters, một số thành viên chủ chốt của đảng cầm quyền ở Sri Lanka ngày 13/7 bày tỏ ủng hộ Thủ tướng Ranil Wickremesinghe lên làm tổng thống. Theo một nguồn tin giấu tên, các thành viên chủ chốt của đảng Nhân dân Sri Lanka (SLPP) đã nhóm họp tối 12/7 và "sự đồng thuận lớn" của họ là ông Wickremesinghe sẽ thay thế Tổng thống Gotabaya Rajapaksa sau khi ông này từ chức.
Tối 9/7, hàng nghìn người biểu tình đã tiến về Colombo, phá hàng rào bảo vệ và xông vào Phủ Tổng thống nước này nhằm bày tỏ sự bất bình với những khó khăn mà họ gặp phải trong cuộc sống. Sri Lanka đã trải qua nhiều tháng thiếu lương thực và nhiên liệu, mất điện kéo dài và lạm phát phi mã, sau khi cạn kiệt ngoại tệ không nhập khẩu được các mặt hàng thiết yếu, dẫn tới một cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng có tại quốc đảo này. Giá cả các mặt hàng thiết yếu nhất tại Sri Lanka đã tăng gấp 3 lần trong những tháng gần đây.
Tình trạng hỗn loạn chính trị hiện nay có thể làm phức tạp hơn nữa nỗ lực nhằm giúp quốc gia Nam Á thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong 7 thập kỷ qua, xuất phát từ tình trạng thiếu hụt ngoại tệ nghêm trọng khiến Sri Lanka không thể nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu như nhiên liệu, thực phẩm và dược phẩm. Lạm phát ở Sri Lanka đã ở mức cao kỷ lục 54,6% trong tháng 6 và dự kiến sẽ tăng lên 70% trong những tháng tới.
Theo Baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()