Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 01:55 (GMT +7)
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Tái cơ cấu để giữ thương hiệu Đạm Hà Bắc
Thứ 7, 13/08/2022 | 16:28:46 [GMT +7] A A
Sáng 13/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kiểm tra thực tế, làm việc tại Công ty cổ phần phân đạm và hóa chất Hà Bắc (thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam) ở tỉnh Bắc Giang để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tồn tại nhiều năm qua liên quan dự án mở rộng, nâng công suất Nhà máy Đạm Hà Bắc.
Cùng đi có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh; đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan và tỉnh Bắc Giang.
Trước khi làm việc với lãnh đạo Công ty để có cơ sở thực tế, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác dành thời gian kiểm tra dây chuyền số 1 của nhà máy.
Dây chuyền số 1 của Nhà máy được xây dựng từ những năm 1960, có công nghệ lạc hậu, công suất thấp. Hiện nay nhiều hạng mục, thiết bị đã xuống cấp, nhiều thiết bị không còn hoạt động. Qua đó cho thấy việc đầu tư nâng cấp nhà máy là cần thiết.
Thủ tướng Chính phủ và đoàn công tác cũng thăm dây chuyền số 2 của Nhà máy mới được đầu tư và đi vào hoạt động từ năm 2015, có công suất 500 ngàn tấn/năm. Mặc dù đã đi vào hoạt động được 7 năm, song một số hạng mục phụ trợ vẫn dở dang chưa nghiệm thu do phía nhà thầu rút khỏi dự án về nước.
Trong quá trình thăm Nhà máy, Thủ tướng đặc biệt quan tâm vấn đề xử lý môi trường do đây là nhà máy hoạt động trong lĩnh vực hóa chất, nếu không xử lý tốt, rất dễ gây ô nhiễm môi trường.
Theo Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, từ khi được mở rộng, nâng công suất, Nhà máy Đạm Hà Bắc luôn duy trì công suất ổn định. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2015-2020 lỗ lũy kế lên tới hơn 4.760 tỷ đồng.
Riêng năm 2021, Công ty sản xuất đạt 92% công suất với 473 nghìn tấn ure, doanh thu 4.498 tỷ đồng, lần đầu tiên lãi hơn 6 tỷ đồng sau nhiều năm thua lỗ. Trong 6 tháng đầu năm 2022, tổng sản phẩm quy đổi ra ure của Công ty đạt hơn 236 ngàn tấn, tổng doanh thu đạt gần 3.600 tỷ đồng, ước lãi 1.347 tỷ đồng.
Điều đáng quan tâm, tuy sản xuất ổn định, song hiện Công ty đang gánh khoản nợ lớn và thường xuyên phát sinh do lãi suất, phạt trả chậm...; dự án mở rộng, nâng công suất Nhà máy Đạm Hà Bắc là một trong 12 dự án thua lỗ, yếu kém của ngành Công Thương.
Phát biểu tại buổi làm việc, lãnh đạo các Bộ, ngành cho rằng, những yếu kém xảy ra tại dự án mở rộng, nâng công suất Nhà máy Đạm Hà Bắc là do công tác xây dựng đề án chưa sát thực tế; không đánh giá được việc cơ cấu vốn, trả nợ, lãi suất vay khiến chi phí tài chính rất lớn đã đẩy dự án vào cảnh khó khăn. Bên cạnh đó, sau khi dự án đi vào hoạt động, giá nguyên nhiên liệu tăng cao gấp hơn 2 lần so với trước đó; trong khi giá phân lại giảm. Để khắc phục, Đạm Hà Bắc cần được tái cơ cấu tài chính. Theo đó, cần khoanh nợ, điều chỉnh lãi suất, kéo dài thời hạn vay, dừng tính lãi phạt...
Sau khi nghe đại diện các bộ, ngành phát biểu ý kiến về nguyên nhân, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tồn tại liên quan dự án mở rộng, nâng công suất Nhà máy Đạm Hà Bắc, kết luận buổi làm việc Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, cuộc làm việc này nhằm thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị về xử lý 12 dự án thua lỗ, yếu kém.
Dự án mở rộng, nâng công suất Nhà máy Đạm Hà Bắc đã đi vào hoạt động 7 năm qua, song chưa hiệu quả, do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ quan là chính, đặc biệt là vi phạm trong quá trình xây dựng, thẩm định, phê duyệt dự án, làm cho chi phí đầu vào cao, sức cạnh tranh thấp, tiêu thu sản phẩm kém; việc hoàn vốn, trả nợ chậm, “nợ chồng nợ”.
Sau quá trình xây dựng và đi vào hoạt động, dự án nảy sinh các vướng mắc về thực hiện hợp đồng thi công, vấn đề tài chính, chi phí sản xuất, vấn đề môi trường; trong khi đó quan điểm xử lý và sự phối hợp giữa các bộ, ngành đối với các khó khăn, vướng mắc chưa chặt chẽ; quyết tâm của Công ty trong việc xây dựng Nhà máy xanh, sạch, đẹp chưa cao.
Người đứng đầu Chính phủ chỉ rõ một số hướng giải quyết những khó khăn, vướng mắc như kể trên. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải đề cao trách nhiệm trong giải quyết các khó khăn, vướng mắc; hoàn thiện đề án theo chỉ đạo của Chính phủ, bám sát chỉ đạo của Bộ Chính trị, đảm bảo phù hợp, khả thi, hiệu quả; quyết tâm tái cơ cấu để Nhà máy phát triển, phục vụ phát triển nền kinh tế độc lập tự chủ, phát triển nông nghiệp.
Các bộ, ngành, đơn vị liên quan phối hợp, tập trung hoàn thiện đề án trong tháng 8/2022; vấn đề nào thuộc thẩm quyền các bộ, ngành thì các bộ, ngành chủ động xử lý; nếu vấn đề vượt thẩm quyền thì tổng hợp báo cáo, trình cấp có thẩm quyền.
“Phải tái cơ cấu sản phẩm hàng hóa, tái cấu trúc doanh nghiệp theo hướng đa dạng sản phẩm; cải tiến, nâng cao năng suất lao động, cải tiến quy trình sản xuất; xây dựng Nhà máy xanh, sạch, bền vững; quyết tâm giữ lại Nhà máy, một thương hiệu lớn, nơi có bề dày truyền thống này; góp phần đảm bảo công ăn việc làm, thu nhập cho cán bộ, công nhân Công ty”, Thủ tướng chỉ rõ.
Thủ tướng cũng yêu cầu tỉnh Bắc Giang ngoài tham gia xử lý các vấn đề phát sinh, thường xuyên thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát để đốc thúc, đảm bảo việc khắc phục các khó khăn, vướng mắc khả thi, hiệu quả.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị Công ty tổ chức rà soát lại toàn bộ quy trình sản xuất, xả thải để nhanh chóng khắc phục các vấn đề về môi trường; giải quyết dứt điểm các hạng mục, công trình, thiết bị giữa dây chuyền 1 và dây chuyền 2 của Nhà máy để toàn Công ty hoạt động có quy củ, hiện đại, xanh, sạch, đẹp.
Theo TTXVN
Liên kết website
Ý kiến ()