Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 15:31 (GMT +7)
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị Tổng kết năm học 2023-2024, triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025
Thứ 2, 19/08/2024 | 11:09:45 [GMT +7] A A
Sáng 19/8, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và chủ trì Hội nghị tổng kết năm học 2023-2024, triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương. Hội nghị được kết nối trực tuyến tới 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, năm học 2023-2024 diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng các hoạt động kinh tế-xã hội đã diễn ra sôi động hơn và có nhiều chuyển biến tích cực. Đây cũng là thời điểm toàn ngành giáo dục triển khai tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”; là năm bản lề quan trọng hướng tới thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra về giáo dục và đào tạo tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 và Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025.
Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự phối hợp hiệu quả của các ban, bộ, ngành, cơ quan trung ương và các cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương; sự quyết tâm, trách nhiệm của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục các cấp và sự cố gắng, nỗ lực của học sinh, sinh viên, học viên, toàn ngành giáo dục đã nỗ lực, cố gắng để thực hiện các nhiệm vụ được Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao và hoàn thành Kế hoạch năm học 2023-2024, đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Bộ cho biết, về lĩnh vực giáo dục phổ thông, nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương và góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, chuẩn bị sẵn sàng thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Năm học 2023-2024, cả nước có 25.900 cơ sở giáo dục phổ thông (giảm 176 cơ sở so năm học 2022-2023), với tổng số 18.463.481 học sinh (giảm 336.049 học sinh so năm học 2022- 2023), trong đó cấp Tiểu học là 8.919.198 học sinh (giảm 313.518 học sinh), cấp THCS là 6.550.552 học sinh (tăng 472.852 học sinh); cấp trung học phổ thông THPT là 2.993.731 học sinh (tăng 106.166 học sinh). Tỷ lệ bình quân 4,25 cơ sở giáo dục THPT/đơn vị hành chính cấp huyện; 1,03 cơ sở giáo dục THCS và 1,38 cơ sở giáo dục tiểu học/đơn vị hành chính cấp xã. Số lượng trường trung học tăng ở các thành phố lớn do việc tăng dân số nên địa phương đã xây dựng, thành lập các trường mới; số lượng giảm ở một số địa phương do việc sáp nhập địa giới hành chính dẫn đến việc sáp nhập các trường trung học trên địa bàn.
Về việc tổ chức thành công Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024: Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về tăng cường chỉ đạo, phối hợp tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2024; Công điện về việc tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 và việc quản lý trẻ em, học sinh trong dịp nghỉ hè; thành lập Ban Chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024; ban hành Quyết định thành lập 10 đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị thi tại 20 Sở Giáo dục và Đào tạo; ban hành đầy đủ, kịp thời hệ thống các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức Kỳ thi; phối hợp với Cục An ninh chính trị nội bộ (A03); hướng dẫn học sinh đang học lớp 12 đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT theo hình thức trực tuyến; đã tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ cốt cán làm công tác thanh tra, kiểm tra thi đến từ 63 Sở Giáo dục và Đào tạo và 140 cơ sở giáo dục và đào tạo trong cả nước; hoàn thành rà soát các phần mềm phục vụ tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 đã được tổ chức thành công, bảo đảm nghiêm túc và an toàn, tỷ lệ thí sinh dự thi đạt 99,6% so tổng số thí sinh đăng ký dự thi, có 2.323 điểm thi, 45.149 phòng thi. Kỳ thi năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục tổ chức đăng ký dự thi theo hình thức trực tuyến cho đối tượng thí sinh đang học lớp 12 năm học 2023-2024, với gần 95% số lượng thí sinh đăng ký dự thi trực tuyến.
Trong các ngày đăng ký dự thi, hệ thống quản lý thi hoạt động ổn định; việc đăng ký dự thi của thí sinh diễn ra bình thường, cơ bản thuận lợi, bảo đảm cơ sở dữ liệu thi chính xác, góp phần quan trọng để tổ chức Kỳ thi khách quan, công bằng. Nội dung đề thi năm 2024 được dư luận xã hội đánh giá cao, nhiều câu hỏi gắn với các vấn đề thực tiễn trong xã hội và chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Đề thi có sự phân hóa phù hợp bảo đảm khách quan để xét công nhận tốt nghiệp và cung cấp dữ liệu cho các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng để tuyển sinh theo tinh thần tự chủ. Phổ điểm từng môn thi và phổ điểm các tổ hợp xét tuyển truyền thống được phân tích và thông tin công khai.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố đã ban hành chỉ thị và các văn bản hướng dẫn, xây dựng kế hoạch tổ chức thi sát thực tế; thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh và phân công nhiệm vụ cho các thành viên bảo đảm rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm và thời gian thực hiện. Các địa phương có các giải pháp, huy động các nguồn lực nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh trong các ngày thi, đặc biệt là thí sinh người đồng bào dân tộc, thí sinh có hoàn cảnh khó khăn, bảo đảm mọi thí sinh đều có thể tham dự Kỳ thi. Công tác chấm thi được các địa phương thực hiện nghiêm túc, bảo đảm đúng quy chế và hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Tỷ lệ tốt nghiệp toàn quốc vào khoảng 99,40%; tỷ lệ tốt nghiệp THPT của học sinh THPT là khoảng 99,69% và học sinh giáo dục thường xuyên là khoảng 96,99%...
Bảo đảm số lượng và cơ cấu đội ngũ nhà giáo: sau khi Bộ Chính trị bổ sung 65.980 biên chế giai đoạn 2022-2026 cho ngành giáo dục (năm học 2022-2023 bổ sung 27.850 biên chế và năm học 2023-2024 bổ sung 27.826 biên chế), Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp Bộ Nội vụ hướng dẫn địa phương thực hiện việc tuyển dụng và quản lý, sử dụng số biên chế được giao; đồng thời, đổi mới quy trình giao biên chế và tổ chức tuyển dụng giáo viên của các địa phương bảo đảm tuyển dụng kịp thời số biên chế được giao chưa sử dụng.
Căn cứ hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các địa phương đã tích cực tổ chức tuyển dụng và đã đạt được kết quả nhất định. Cụ thể, năm học 2023-2024 (tính đến tháng 4/2024), các địa phương đã tuyển dụng được 19.474 giáo viên trong tổng số 27.826 biên chế được bổ sung. Đến nay, đội ngũ nhà giáo đã được phát triển về số lượng, khắc phục dần những bất cập về cơ cấu.
Tính đến hết năm học 2023-2024, tổng số giáo viên mầm non, phổ thông là 1.251.377 giáo viên mầm non, phổ thông (tăng 17.253 giáo viên so năm học 2022-2023) và 99.412 cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông (giảm 723 cán bộ quản lý so năm học 2022-2023).
Mở đầu hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu đã dành một phút mặc niệm tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Hội nghị đã nghe Báo cáo tổng kết năm học 2023-2024, phương hướng nhiệm vụ năm học 2024-2025; tham luận của các địa phương về công tác tổ chức năm 2023-2024 và các giải pháp tổ chức năm học 2024-2025, nâng cao chất lượng dạy và học, tổ chức tốt các kỳ thi tốt nghiệp...; kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ngành, cơ quan liên quan nhiều vấn đề nhằm tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc để nâng cao hiệu quả trong phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo.
Theo Nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()