Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 09:01 (GMT +7)
Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ họp phiên thứ 6
Thứ 3, 14/11/2023 | 18:32:49 [GMT +7] A A
Ngày 14/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ chủ trì phiên họp thứ 6 sơ kết công tác cải cách hành chính (CCHC) 10 tháng năm 2023, phương hướng, nhiệm vụ CCHC 2 tháng cuối năm 2023.
Phiên họp được tổ chức trực tuyến giữa điểm cầu trụ sở Chính phủ với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Dự phiên họp còn có các đồng chí: Trần Lưu Quang, Phó Thủ tướng Chính phủ; Phạm Thị Thanh Trà, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo; Trần Văn Sơn, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo; các thành viên Ban Chỉ đạo; lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương; lãnh đạo các tổ chức chính trị -xã hội; lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Dự tại điểm cầu tỉnh Quảng Ninh có đồng chí Bùi Văn Khắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo, trong 10 tháng năm 2023, Chính phủ, các cấp, ngành, địa phương, các thành viên Ban Chỉ đạo tiếp tục có những đổi mới, quyết liệt, sát sao, cụ thể trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để đẩy mạnh CCHC. Vai trò người đứng đầu trong CCHC từng bước được phát huy; 63/63 địa phương đã kiện toàn Ban Chỉ đạo CCHC.
Trên cơ sở đó, kết quả CCHC đã đạt được tích cực tại các nội dung. Trong đó, các bộ, ngành đã cắt giảm, đơn giản hóa 341 quy định kinh doanh, đơn giản hóa 437/1.086 thủ tục hành chính (đạt 40%); tỷ lệ hồ sơ được cấp kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) điện tử đạt 27% (tăng 16% so với cùng kỳ năm 2022). Về phía các địa phương đã có 61/63 địa phương công bố 4.028 thủ tục hành chính nội bộ; cắt giảm, đơn giản hóa 32 TTHC; tỷ lệ hồ sơ được cấp kết quả giải quyết TTHC đạt 41% (tăng 28% so với cùng kỳ năm 2022)…
Đối với cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, cải cách chế độ công vụ, cải cách tài chính công, xây dựng và phát triển chính phủ điện tử, chính phủ số cũng đã có nhiều bước đột phá trong CCHC như: 20/20 bộ, cơ quan ngang bộ ban hành Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành; 100% bộ, ngành, địa phương hoàn thành kết nối, đồng bộ dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức; tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 401.000 tỷ đồng (đạt 52% kế hoạch); 36/63 địa phương đã triển khai trung tâm chỉ đạo, điều hành thông minh; 24/63 địa phương đã hoàn thành cấp tài khoản định danh điện tử; 91,2 triệu thông tin nhân khẩu được làm sạch giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm và dân cư… Những kết quả này đã góp phần quan trọng vào phục hồi và phát triển KT-XH của đất nước.
Tại phiên họp, đồng chí Bùi Văn Khắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã phát biểu tham luận về kết quả công tác CCHC của Quảng Ninh. Theo đó, trong 10 tháng năm 2023, công tác CCHC tiếp tục được triển khai bằng những kế hoạch, chương trình hành động cụ thể. Các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đã nghiêm túc triển khai thực hiện các nhiệm vụ được UBND tỉnh giao. Tính đến ngày 10/11/2023, theo Kế hoạch CCHC của tỉnh năm 2023 đề ra đã có 30/32 nhiệm vụ được hoàn thành (đạt 94% kế hoạch).
Riêng đối với cải cách TTHC, hiện tổng số TTHC trên địa bàn tỉnh nay là 1.785. Trong 10 tháng năm 2024, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đã tiếp nhận gần 91.000 hồ sơ TTHC, đã giải quyết trên 87.700 hồ sơ, trong đó có gần 87.500 hồ sơ được giải quyết trước và đúng hạn (đạt 99,7%)… Nhờ làm tốt công tác CCHC nên năm 2023, tỉnh đã thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài với con số kỷ lục ước đạt 3,1 tỷ USD, giữ vững đà tăng trưởng trên hai con số ổn định trong 8 năm liền (2016 - 2023).
Để công tác CCHC đạt hiệu quả cao hơn, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các bộ, ngành sớm đẩy nhanh tiến độ kết nối các cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin, đặc biệt là giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cổng Dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp tỉnh.
Tham gia phiên họp, các đại biểu đã đánh giá, làm rõ những kết quả CCHC thời gian qua và tập trung thảo luận, đưa ra nhiều kiến nghị, giải pháp để khắc phục tồn tại, hạn chế, đảm bảo khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phục hồi, phát triển đất nước trong bối cảnh hiện nay.
Phát biểu chỉ đạo triển khai nhiệm vụ CCHC 2 tháng cuối năm 2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo, các đại biểu cần xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình. Từ đó, chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ được phân công. Đồng thời, đẩy mạnh CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện tốt nhất, thông thoáng nhất cho người dân, doanh nghiệp; tăng cường rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa quy trình, quy định TTHC. Tuyệt đối không ban hành quy định mới làm phát sinh chi phí, thủ tục, thời gian trái quy định hoặc không cần thiết cho công tác quản lý nhà nước, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân và doanh nghiệp.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương có giải pháp cụ thể để nâng cao kết quả triển khai 25 dịch vụ công thiết yếu liên quan đến người dân theo Đề án 06; khẩn trương nghiên cứu, tham mưu sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật để thực thi các phương án phân cấp trong giải quyết TTHC; tiếp tục đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính; tháo gỡ những rào cản về thể chế, cơ chế để nâng cao hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công; tổ chức thành lập các đoàn thanh, kiểm tra về công vụ. Những bộ, ngành còn nợ đọng văn bản phải nghiêm túc rút kinh nghiệm, khắc phục triệt để tình trạng này. Các bộ, ngành cũng phải tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu để tăng cường kết nối, chia sẻ dữ liệu trong giải quyết TTHC... Đặc biệt, người đứng đầu các địa phương phải tiếp thu nghiêm túc ý kiến người dân, doanh nghiệp trên tinh thần lắng nghe, cầu thị, tránh bệnh hình thức.
Hoàng Nga
Liên kết website
Ý kiến ()