Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 19:10 (GMT +7)
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị về Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng
Thứ 5, 07/12/2023 | 17:12:15 [GMT +7] A A
Chiều 7/12, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng đồng bằng sông Hồng chủ trì Hội nghị lần thứ hai với chủ đề về Quy hoạch vùng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Cùng dự Hội nghị, có đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hà Nội; Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng; lãnh đạo các bộ, cơ quan trung ương, lãnh đạo 11 tỉnh và thành phố trong vùng đồng bằng sông Hồng; các thành viên Hội đồng.
Hội nghị lần thứ hai được tổ chức sau Hội nghị lần thứ nhất đã diễn ra vào 20/7/2023, công bố thành lập Hội đồng điều phối vùng đồng bằng sông Hồng theo Quyết định số 826/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Vùng đồng bằng sông Hồng là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại; nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa, lịch sử đặc sắc của dân tộc và là cực tăng trưởng của cả nước.
Vùng gồm 11 tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình (trong đó, có 2 thành phố trực thuộc Trung ương là Hà Nội và Hải Phòng).
Vùng có diện tích tự nhiên là 21.253 km2, chiếm 6,42% diện tích của cả nước; với dân số là 22,92 triệu người, chiếm 23,49% dân số cả nước; mật độ dân số 1.087 người/km2, cao nhất so với các vùng khác và gấp 3,66 lần so với mật độ trung bình chung của cả nước.
Vùng có vị trí trung tâm, được coi là cửa ngõ phía bắc của nước ta và ASEAN về kết nối phát triển kinh tế, thương mại với Trung Quốc - một thị trường rộng lớn nhất thế giới và ngược lại.
Vùng có Thủ đô Hà Nội là trung tâm đầu não chính trị-hành chính quốc gia với lịch sử hàng nghìn năm, có quy mô dân số lớn nhất cả nước với lực lượng lao động có trình độ cao. Nơi đây cũng có hệ thống hạ tầng giao thông kết nối đồng bộ và tốt nhất cả nước về cả đường bộ với hệ thống cao tốc dài nhất cả nước lẫn đường biển, đường sông, đường hàng không và đường sắt. Vùng có hệ thống đô thị và các cơ sở kinh tế tương đối mạnh; trong đó, hạt nhân là Thủ đô Hà Nội - đô thị loại đặc biệt.
Vùng có cơ cấu kinh tế khá tích cực, khu vực công nghiệp-xây dựng và dịch vụ giữ vai trò trụ cột, thu hút được nhiều dự án đầu tư nước ngoài. Kể từ năm 2015 cho tới nay, vùng có tốc độ tăng trưởng rất ấn tượng, gấp 1,37 lần tốc độ tăng trưởng bình quân chung cả nước.
Tuy nhiên, đồng bằng sông Hồng có không ít hạn chế và khó khăn, thách thức lớn như: tăng trưởng kinh tế của vùng thời gian qua chưa thực sự ổn định và chưa đồng đều giữa các địa phương trong vùng. Cơ cấu ngành nghề chưa hiện đại, nền tảng cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa thiếu vững chắc. Trình độ công nghệ còn thấp, hiệu suất phát triển chưa cao. Doanh nghiệp chủ yếu là quy mô nhỏ, khả năng cạnh tranh thấp. Tổ chức không gian, bố trí lãnh thổ còn bộc lộ nhiều bất hợp lý, đặc biệt là sự quá tải tại các khu vực đô thị ở nội đô Hà Nội, Hải Phòng. Cùng với đó là ảnh hưởng khách quan của biến đổi khí hậu, khai thác sử dụng tài nguyên với cường độ cao, thiếu bền vững, gây ô nhiễm môi trường…
Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị đã xác định tầm nhìn đến năm 2045: “Đồng bằng sông Hồng là vùng phát triển hiện đại, văn minh, sinh thái; là trung tâm kinh tế, tài chính lớn mang tầm khu vực và thế giới…”.
Việc triển khai thiết lập và hoàn thiện quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng trong thời điểm này có nhiều thuận lợi để cụ thể hóa tầm nhìn, quan điểm, mục tiêu đã được xác định tại Nghị quyết phát triển vùng và quy hoạch cấp quốc gia vào vùng; cụ thể hóa việc bố trí không gian phát triển các ngành quốc gia trên địa bàn; giải quyết các vấn đề xung đột giữa các ngành, lĩnh vực trên địa bàn vùng; triển khai nghiên cứu các dự án mang tính kết nối quan trọng giữa các tỉnh trong vùng, liên vùng và liên ngành.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các đại biểu thảo luận, đóng góp ý kiến vào nội dung Quy hoạch với mục tiêu khai thác, phát huy tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh; đồng thời, hóa giải khó khăn, hạn chế và vượt qua thách thức để vùng phát triển nhanh, bền vững.
Theo Nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()