Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 15:33 (GMT +7)
Thủ tướng khảo sát dự án cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng và công tác ứng phó sạt lở tại Cần Thơ
Chủ nhật, 12/05/2024 | 20:41:20 [GMT +7] A A
Chiều 12/5, trong chương trình công tác tại Cần Thơ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khảo sát dự án tuyến đường cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng và nghe báo cáo, đề xuất về dự án chống ngập, chống sạt lở, tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, kết hợp chỉnh trang đô thị của TP. Cần Thơ.
* Dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc–Cần Thơ–Sóc Trăng giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư gần 44.700 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và địa phương, quy mô 4 làn xe, tổng chiều dài hơn 188 km, với 4 dự án thành phần đi qua 4 tỉnh.
Trong đó, dự án thành phần 1 tại tỉnh An Giang có chiều dài 57,2 km; dự án thành phần 2 tại TP. Cần Thơ dài 37,2 km; dự án thành phần 3 tại tỉnh Hậu Giang dài gần 37 km và dự án thành phần 4 tại tỉnh Sóc Trăng dài 56,9 km.
Là 1 trong 3 cao tốc trục ngang của ĐBSCL (cùng với Mỹ An-Cao Lãnh, Cao Lãnh–An Hữu), dự án Châu Đốc–Cần Thơ–Sóc Trăng có điểm đầu kết nối Quốc lộ 91 thuộc TP. Châu Đốc (An Giang) và điểm cuối giao với Quốc lộ Nam Sông Hậu, kết nối đường dẫn cảng Trần Đề (Sóc Trăng).
Tuyến cao tốc được khởi công toàn tuyến vào tháng 6/2023, dự kiến hoàn thành toàn tuyến và đưa vào sử dụng trong năm 2027. Dự án sẽ góp phần kết nối hoàn chỉnh hệ thống cao tốc trục ngang-trục dọc trong khu vực, mở ra không gian phát triển mới, kết nối các trung tâm kinh tế, các cảng biển và cửa khẩu quốc tế, thúc đẩy lưu thông hàng hoá, phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp, giảm chi phí logistics.
Theo báo cáo, dự án Châu Đốc–Cần Thơ–Sóc Trăng đang gặp khó khăn về nguyên vật liệu san lấp. Trong đó, với dự án thành phần 2 qua Cần Thơ, nhu cầu nguồn cát san lấp khoảng 7 triệu m3; đến nay công tác giải phóng mặt bằng đã cơ bản hoàn thành (đạt 99,8%), nhưng các nhà thầu chỉ mới tập trung thi công những hạng mục phần cầu, riêng phần đường từ giữa tháng 4 mới có nguồn vật liệu cát san lấp (tỉnh An Giang vừa bàn giao mỏ cát trên sông Tiền với tổng trữ lượng khoảng 3,28 triệu m3). Cần Thơ đang tiếp tục tháo gỡ khó khăn, liên hệ các tỉnh vùng ÐBSCL tìm thêm nguồn cát cho dự án.
Thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo rất quyết liệt về nguồn vật liệu san lấp cho các dự án cao tốc. Gần đây nhất, Thủ tướng đã giao Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì họp, làm việc với lãnh đạo các bộ, ngành liên quan và Chủ tịch UBND một số tỉnh vùng ĐBSCL để xử lý dứt điểm các vướng mắc, thủ tục liên quan đến mỏ vật liệu trong tháng 5 này.
Trong ngày 11/5, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã khảo sát tình hình khai thác cát sông phục vụ san lấp các tuyến cao tốc trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long và chủ trì cuộc làm việc với các bộ, ngành về giải quyết vật liệu san lấp cho các dự án giao thông trọng điểm phía nam.
Khảo sát hiện trường thi công, động viên cán bộ, công nhân đang làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tầm quan trọng của dự án Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng với ĐBSCL và Cần Thơ; biểu dương nỗ lực của 4 địa phương, Bộ Giao thông vận tải và các đơn vị liên quan trong triển khai dự án; cảm ơn người dân đã nhường nơi ở, sinh kế để dự án có mặt bằng triển khai thi công.
Thủ tướng yêu cầu Bí thư, Chủ tịch TP. Cần Thơ trực tiếp gặp gỡ, đối thoại với những hộ dân chưa di dời, tuyên truyền vận động người dân về lợi ích chung của dự án đối với đất nước, vùng, địa phương và với mỗi người dân, hoàn thành dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng trong tháng 5, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, người dân có nơi ở mới tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ.
Thủ tướng cũng yêu cầu các cơ quan, địa phương trong vùng tiếp tục phối hợp chặt chẽ, hoàn thành thủ tục để khai thác các mỏ, bao gồm cát biển, giải quyết xong trong tháng 5 các vấn đề về mỏ nguyên vật liệu cho dự án.
Thủ tướng yêu cầu các cơ quan, chủ đầu tư, nhà thầu, các kỹ sư, công nhân, người lao động tiếp tục nỗ lực tổ chức thi công tinh thần "chỉ bàn làm, không bàn lùi", quyết tâm "vượt nắng, thắng mưa", "ăn tranh thủ ngủ khẩn trương", thi công "3 ca 4 kíp", làm việc cả ngày nghỉ, xuyên lễ, xuyên Tết, qua đó giải ngân nhanh, lấy lại tiến độ đã chậm trong năm nay và tăng tốc trong năm tới, bảo đảm tiến độ, nâng cao chất lượng, bảo đảm kỹ thuật, mỹ thuật, an toàn, vệ sinh môi trường và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, không thông thầu, bán thầu...
* Tiếp đó, Thủ tướng đã đi khảo sát hiện trường dự án kè chống sạt lở khẩn cấp sông Trà Nóc (quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ) và nghe lãnh đạo TP. Cần Thơ báo cáo, đề xuất về dự án chống ngập, chống sạt lở, tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, kết hợp chỉnh trang đô thị của TP. Cần Thơ.
Dự án kè chống sạt lở khẩn cấp sông Trà Nóc có tổng mức đầu tư trên 272,4 tỷ đồng, chiều dài gần 2 km, khởi công tháng 7/2023, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2024. Ðến nay, công trình đã giải ngân đạt 54%, đang vượt tiến độ và có thể hoàn thành sớm so với kế hoạch.
Hiện tình hình sạt lở bờ sông Trà Nóc đang diễn ra nghiêm trọng, nguy hiểm. Dự án nhằm phòng, chống sạt lở, ổn định bờ sông Trà Nóc và bảo vệ an toàn tính mạng, sức khỏe và tài sản của dân cư, cơ sở hạ tầng trong khu vực, ổn định đời sống người dân, góp phần bảo đảm quỹ đất, chỉnh trang đô thị theo hướng văn minh, sạch đẹp.
Trong khi đó, dự án chống ngập, chóng sạt lở, tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, kết hợp chỉnh trang đô thị của Cần Thơ có quy mô lớn hơn; Thành phố đề xuất phạm vi dự án trên diện tích gần 2.800 ha, tổng mức đầu tư khoảng 4.515 tỷ đồng, thời gian thực hiện 2024-2030.
Trong những năm gần đây tình hình ngập trên địa bàn Cần Thơ diễn ra ngày càng nghiêm trọng trên diện rộng, tần suất diễn ra thường xuyên, mức độ ngập cao hơn và kéo dài hơn, gây ảnh hưởng, trở ngại lớn cho nhiều hoạt động kinh tế, xã hội, ảnh hưởng tới vệ sinh môi trường và cảnh quan đô thị.
Theo lãnh đạo Cần Thơ, việc đầu tư xây dựng dự án mang ý nghĩa to lớn về nhiều mặt. Ngoài nhiệm vụ chính là chống ngập vùng nội đô nhằm phát triển đô thị bền vững, tăng cường khả năng thích ứng của đô thị, giảm sự tổn thương do ngập lụt, sạt lở, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; dự án còn góp phần chỉnh trang đô thị theo hướng văn minh, sạch đẹp, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội.
Kiểm tra công trường, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu bảo đảm tiến độ, chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật, an toàn, vệ sinh môi trường dự án kè sông Trà Nóc.
Với chống ngập, chống sạt lở, tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, kết hợp chỉnh trang đô thị của TP. Cần Thơ, Thủ tướng đồng ý về chủ trương, giao UBND TP. Cần Thơ phối hợp với Bộ NN&PTNT và các cơ quan liên quan rà soát, đánh giá tác động, nghiên cứu phương án hiệu quả nhất, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Theo baochinhphu.vn
Liên kết website
Ý kiến ()