Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 05:29 (GMT +7)
Thủ tướng dự khởi công, khánh thành một số công trình trọng điểm ở Hưng Yên
Chủ nhật, 07/07/2024 | 13:37:54 [GMT +7] A A
Sáng 7/7, trong chương trình công tác tại tỉnh Hưng Yên, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự khánh thành, khởi công và thăm một số công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh.
Cùng dự có đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành, cơ quan Trung ương.
* Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Lễ khánh thành Dự án xây dựng tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình đoạn qua tỉnh Hưng Yên (giai đoạn 2) do Bộ Giao thông vận tải phối hợp Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên tổ chức.
Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ vui mừng được tham dự lễ khởi công; nêu rõ, Hưng Yên có nhiều huyện thị gần Hà Nội, nhưng điều quan trọng phải có hệ thống giao thông kết nối; do đó tỉnh cần nỗ lực kết nối đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình và tuyến đường qua Văn Giang.
Thủ tướng khẳng định, tuyến đường này góp phần thực hiện 3 đột phá chiến lược, nâng tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược, đó là phát triển giao thông, kết nối vùng, kết nối quốc gia; tạo ra không gian phát triển mới, tăng giá trị của đất, có thêm các khu công nghiệp, khu dịch vụ, đô thị mới, tạo điều kiện đi lại thuận lợi, giảm chi phí logistics, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa, đóng góp cho sự tăng trưởng bền vững, lâu dài.
Thủ tướng đề nghị với tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược, Hưng Yên có vị trí rất đặc biệt rất gần Hà Nội, địa hình không có núi đồi, điều kiện tự nhiên thuận lợi. Điều quan trọng là tỉnh thúc đẩy phát triển kết cấu hạ tầng, kết nối giao thông vùng, liên vùng, với cả nước để thúc đẩy phát triển mạnh mẽ.
Thủ tướng nêu lại bài học kinh nghiệm phát triển hạ tầng giao thông của Hàn Quốc, Trung Quốc để từ đó các bộ, ngành, địa phương cần học hỏi, áp dụng phù hợp tình hình; hoan nghênh việc tổ chức thi công công trình vượt tiến độ 8 tháng vì giải phóng mặt bằng nhanh, đúng tiến độ, nhờ đó công tác thi công được đẩy nhanh, "3 ca, 4 kíp", "vượt nắng, thắng mưa".
Thủ tướng cảm ơn nhân dân trong vùng dự án đã nhường mặt bằng, nơi sinh kế cho dự án, nhờ đó công trình được triển khai nhanh hơn dự kiến. Muốn vậy cấp ủy, chính quyền, cả hệ thống chính trị, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể xã hội phải vào cuộc, các ban của Đảng, phải làm tốt công tác dân vận, tuyên truyền…
Từ đây cần rút ra bài học kinh nghiệm tốt trong giải phóng mặt bằng để làm tốt các công trình sắp tới. Việc khánh thành chỉ là một bước, sau đây cần làm tốt công tác duy tu, bảo dưỡng, công tác thanh quyết toán.
Tỉnh cần quy hoạch tốt các khu đô thị, dịch vụ, từ đó có dự án tốt, có nhà đầu tư tốt… Ngoài tuyến đường này ra, chúng ta cần tổng kết, rút kinh nghiệm, xử lý các vấn đề đúng theo quy định của luật pháp.
Thủ tướng đồng ý về mặt chủ trương, đề nghị Bộ Giao thông vận tải sớm nâng cấp tuyến đường này lên thành đường cao tốc trong năm 2025-2026 để nối hai tuyến cao tốc Hà Nội-Hải Phòng và đường cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình; cần làm thêm các nút giao, cầu vượt, công trình phụ trợ theo tiêu chuẩn đường cao tốc. Sau khi có tuyến đường này, tỉnh Hưng Yên sẽ thu hút đầu tư tốt, thu ngân sách địa phương tốt hơn, cho nên phải phát huy tinh thần tự lực, tự cường, tự thu xếp ngân sách để nâng cấp tuyến đường.
Các bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn phối hợp sớm với tỉnh Hưng Yên làm sớm dự án nâng cấp này trong 2 năm 2025-2026, trong đó, hết năm 2024 phải xong thủ tục dự án. Theo Thủ tướng, đoạn đường này có 26km, do đó vốn đầu tư cũng không phải nhiều; vấn đề là làm nhanh thủ tục, chọn nhà đầu tư tốt.
Thủ tướng nêu rõ, tuyến đường này làm cho việc kết nối giữa các tỉnh ngắn lại, mang lại lợi ích chung cho tỉnh, cho vùng và cả nước. Thủ tướng cảm ơn các chủ thể liên quan đã đóng góp hình thành tuyến đường, mở ra giai đoạn phát triển mới cho tỉnh và thúc đẩy sự phát triển của vùng.
Nhân buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng quà động viên các đơn vị tham gia thi công tuyến đường.
Dự án với mục tiêu kết nối với đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình nhằm nâng cao khả năng khai thác của hai tuyến cao tốc, đồng thời giảm áp lực giao thông qua Thủ đô Hà Nội. Quy mô, công suất: đường cấp II đồng bằng (theo TCVN 4054-2005), tốc độ thiết kế V=80km/giờ; chiều dài tuyến 23,83km; điểm đầu tuyến: tiếp nối với nút giao liên thông giữa quốc lộ 39 với đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng (Km20+250 thuộc dự án đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng), tại xã Lý Thường Kiệt, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên; điểm cuối tuyến: Km24+930,9 (giao quốc lộ 39), thuộc địa phận xã Phương Chiểu, thành phố Hưng Yên. Quy mô mặt cắt ngang: Giai đoạn 1: Bm/Bn=11m/12m; Giai đoạn 2: Các đoạn thông thường Bm/Bn=21,5m/22,5m; các đoạn qua đô thị Bm/Bn=21m/24m; cầu Cửu An (Km13+894,518) gồm 4 nhịp dầm I 25.
Thời gian thực hiện dự án: Giai đoạn 1: khởi công tháng 8/2011, hoàn thành năm 2019; Giai đoạn 2: Dự án thành phần 1 (giai đoạn 2): khởi công: tháng 11/2021, hoàn thành tháng 10/2023 (23 tháng). Hạng mục Xây dựng cầu vượt tại nút giao quốc lộ 38: khởi công tháng 7/2023, hoàn thành tháng 12/2023 (160 ngày). Tổng mức đầu tư dự án: Giai đoạn 1: 1.077,53 tỷ đồng; Giai đoạn 2: 702,181 tỷ đồng.
* Sáng cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự lễ khởi công Dự án đường Tân Phúc-Võng Phan (giao ĐT.378).
Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ vui mừng tham dự lễ khởi công; nêu rõ, tuyến đường này sẽ phá thế độc đạo của 3 huyện nghèo của Hưng Yên (Ân Thi, Tiên Lữ, Phù Cừ), mặc dù có sự bất cập, tuy nhiên, trong việc này cũng có sự thuận lợi về công tác giải phóng mặt bằng; khi tuyến đường hoàn thành thì 3 huyện này sẽ có không gian phát triển tốt, các khu công nghiệp, dịch vụ, đô thị sẽ phát triển nhanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân, giá trị gia tăng của đất; tạo kết nối kinh tế giữa Hưng Yên với các địa phương trong vùng. Tuyến đường này kết nối đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, kết nối với các tuyến đường đi Thái Bình, Nam Định…
Thủ tướng khẳng định, giao thông có vai trò quan trọng, nếu kết nối được sẽ phát triển nhanh, hiệu quả, tính khả thi cao, góp phần thúc đẩy Hưng Yên phát triển nhanh và bền vững.
Thủ tướng nêu rõ, cần làm tốt công tác giải phóng mặt bằng (còn 13%), nhưng đây là việc khó khăn, do đó tỉnh cần tập trung công tác này, khuyến khích tái định cư tại chỗ và tái định cư tập trung; khi mặt bằng có thì các đơn vị thi công phải tranh thủ thi công, đẩy nhanh tiến độ với tinh thần "3 ca, 4 kíp", "vượt nắng, thắng mưa", "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương". Thủ tướng yêu cầu cố gắng khắc phục mọi khó khăn, phấn đấu đến tháng 9/2025 hoàn thành công trình. Tỉnh cũng cần nghiên cứu, tính toán phát triển nhiều cây xanh, theo mô hình “làng trong phố, phố trong làng”, chú ý làm các “hàng rào mềm” bằng cây xanh, có thêm nhiều mương, hồ nước… tạo cảnh quan hài hoà thiên nhiên.
Thủ tướng mong các đơn vị thi công khẩn trương thi công, bảo đảm tiến độ đi đôi với chất lượng, yêu cầu kỹ mỹ thuật; chống tham nhũng, tiêu cực, bán thầu…; giữ gìn vệ sinh môi trường để phát triển bền vững; sử dụng hiệu quả và tiết kiệm quỹ đất.
Cấp ủy, chính quyền phải phối hợp chặt chẽ với các nhà thầu thi công, tư vấn giám sát để thường xuyên kiểm tra, giám sát, động viên các đơn vị, cán bộ, công nhân trên công trường, thể hiện tình cảm, sự quan tâm chia sẻ khó khăn; nếu có khó khăn gì thì phải tháo gỡ ngay.
Ban Quản lý dự án phải phát huy tinh thần trách nhiệm để bảo đảm tốt nhất điều kiện thi công cho các nhà thầu, bảo đảm đời sống của người dân trong vùng dự án với tinh thần người dân di dời đến nơi ở mới có cuộc sống tốt hơn nơi ở cũ; tinh thần là quý sau tốt hơn quý trước, năm sau tốt hơn năm trước với mục tiêu cao nhất là đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.
Hưng Yên phải phát huy khí thế này để mang lại lợi ích cho nhân dân. Thủ tướng mong cấp uỷ, chính quyền tỉnh, người dân vào cuộc tích cực để phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, với tinh thần công trình sau phải hiện đại, tốt hơn công trình trước, nhiệm kỳ này phải tốt hơn nhiệm kỳ trước. Khi có hạ tầng giao thông tốt thì chi phí logistics giảm, năng lực cạnh tranh sẽ tốt hơn, các nhà đầu tư công nghệ cao sẽ vào đây nhiều hơn và thúc đẩy nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của địa phương. Tỉnh cần phát huy tối đa những mặt mạnh, hạn chế tối đa bất cập, thiếu sót để làm tốt công trình này.
Nhân buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng quà động viên các đơn vị tham gia thi công tuyến đường.
Dự án thuộc loại Công trình giao thông, cấp II; địa điểm xây dựng: Các huyện Ân Thi, Tiên Lữ, Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên. Quy mô đầu tư: đầu tư tuyến chính gồm 2 đường song hành quy mô đường cấp III đồng bằng, tốc độ thiết kế 80km/giờ; tuyến nhánh kết nối đường dẫn cầu La Tiến và nhánh thuộc nút đầu tuyến kết nối với quốc lộ 38 quy mô đường cấp II đồng bằng, tốc độ thiết kế 80km/giờ theo Tiêu chuẩn TCVN 4054:2005; tổng chiều dài 29,2km; tổng mức đầu tư hơn 2.986,844 tỷ đồng; thời gian thực hiện: năm 2023-2025. Đến nay, các địa phương đã thu hồi đất và bàn giao cho chủ đầu tư 89% mặt bằng dự án.
* Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thăm Nhà máy Nippon Mektron của Công ty TNHH Mektec Manufacturing Việt Nam, tổng vốn đầu tư 300 triệu USD, sản xuất bảng mạch in dùng cho các thiết bị điện tử tại Khu công nghiệp Yên Mỹ, thị xã Mỹ Hào.
Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu Công nghiệp Thăng Long II do Công ty TNHH Khu Công nghiệp Thăng Long II làm chủ đầu tư, tại huyện Yên Mỹ và thị xã Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên. Dự án có tổng diện tích 525,7 ha, trong đó giai đoạn 1 và 2 là 345,2 ha, giai đoạn 3 là 180,5 ha. Tổng vốn đầu tư 236 triệu USD, trong đó giai đoạn 1 và 2 là 138 triệu USD, giai đoạn 3 là 98 triệu USD.
Đến nay, đã hoàn thành đầu tư xây dựng đồng bộ toàn bộ hạ tầng khu công nghiệp giai đoạn 1 và giai đoạn 2. Trong 6 tháng đầu năm 2024, khu công nghiệp Thăng Long II giai đoạn 3 đã xây dựng hạ tầng thêm khoảng 74 ha. Lũy kế đến nay, khu công nghiệp đã xây dựng hạ tầng được khoảng 422,1 ha (đạt 80%). Khu công nghiệp cũng đã xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung và đang hoạt động với công suất 15.000 m³/ngày đêm.
Về tình hình thu hút đầu tư, Khu công nghiệp đã tiếp nhận được 109 dự án (1 dự án DDI và 108 dự án FDI), với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 728 tỷ đồng và 3.502 triệu USD. Tổng diện tích đất đã cho thuê 301 ha (lấp đầy 75%); dự kiến sẽ lấp đầy toàn bộ trong năm 2025.
Theo Báo Nhân dân
Liên kết website
Ý kiến ()