Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 09:48 (GMT +7)
Thủ tướng đề nghị WHO hỗ trợ sản xuất, công nhận vaccine trong nước
Thứ 3, 11/01/2022 | 14:55:14 [GMT +7] A A
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị WHO tiếp tục hỗ trợ Việt Nam về vaccine, thuốc điều trị, nhất là trong nghiên cứu, sản xuất và các thủ tục công nhận vaccine trong nước để Việt Nam tự chủ nguồn cung.
Sáng 11/1, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có buổi làm việc với ông Takeshi Kasai, Giám đốc khu vực Tây Thái Bình Dương của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Cùng dự có ông Kidong Park, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam.
Tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam rất coi trọng quan hệ hợp tác với WHO; cảm ơn WHO, Văn phòng khu vực Tây Thái Bình Dương, Văn phòng WHO tại Việt Nam và cá nhân ông Takeshi Kasai đã hỗ trợ quan trọng cho sự phát triển của ngành y tế, đặc biệt là hỗ trợ Việt Nam và vận động các nước, các đối tác quốc tế ủng hộ Việt Nam ứng phó với đại dịch COVID-19, tiếp cận các nguồn vaccine, vật tư y tế trong bối cảnh khó khăn.
Thủ tướng cho biết để ứng phó với COVID-19, với tinh thần “đặt sức khỏe của người dân lên trên hết và trước hết,” chính phủ Việt Nam đã quyết liệt triển khai chiến lược vaccine với 3 nội dung lớn gồm ngoại giao vaccine; thành lập quỹ vaccine; đẩy nhanh thực hiện chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử để tiêm miễn phí cho toàn dân một cách khoa học, kịp thời, an toàn, hiệu quả.
Sự hỗ trợ kịp thời, hiệu quả của các đối tác quốc tế đã khẳng định lòng tin với Việt Nam, đồng thời rất có ý nghĩa với Việt Nam trong giai đoạn khó khăn nhất.
Nhờ thành công của chiến lược vaccine, Việt Nam đã “đi sau về trước,” trở thành 1 trong 6 nước có độ bao phủ vaccine cao nhất thế giới. Với độ bao phủ vaccine cao, Việt Nam đã kịp thời chuyển phương châm chống dịch sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, đồng thời tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện khôi phục, phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong quý 4/2021 đạt trên 5%, góp phần đưa GDP cả năm đạt 2,58%, cao hơn năm 2020. Với kim ngạch xuất nhập khẩu gần 670 tỷ USD, Việt Nam thuộc nhóm 20 nước có quy mô thương mại lớn nhất thế giới.
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam chia sẻ nhiều kinh nghiệm, bài học của Việt Nam trong phòng, chống dịch, đồng thời cho biết mặc dù còn nhiều khó khăn, chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục kiên định thực hiện chiến lược “thích ứng linh hoạt, hiệu quả với COVID-19;” phấn đấu năm 2022 là năm chiến thắng dịch bệnh, phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
Việt Nam cho rằng COVID-19 là một thách thức toàn cầu, không có người dân nào an toàn khi vẫn còn người dân khác mắc COVID-19; không có quốc gia nào an toàn khi còn các quốc gia khác phải chống dịch.
Do đó, Việt Nam luôn thực hiện nghiêm túc các khuyến cáo của WHO phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam, đồng thời hỗ trợ khẩu trang và vật tư y tế cho nhiều nước, đưa ra nhiều sáng kiến phòng, chống dịch tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, đóng góp tự nguyện cho Quỹ Ứng phó COVID-19 của WHO và Chương trình COVAX.
Thủ tướng đề nghị WHO và cá nhân ông Takeshi Kasai tiếp tục hỗ trợ Việt Nam về vaccine, thuốc điều trị, nhất là trong nghiên cứu, sản xuất và các thủ tục công nhận vaccine trong nước để Việt Nam có thể sớm tự chủ về nguồn cung; hỗ trợ nâng cao năng lực hệ thống y tế; tiếp tục chia sẻ thông tin, đánh giá kịp thời về tình hình dịch bệnh và những kinh nghiệm, khuyến cáo trong việc tiêm chủng.
Đặc biệt, Thủ tướng bày tỏ rất trăn trở về việc trẻ em vẫn phải học trực tuyến, chưa được đến trường, đây là vấn đề xã hội lớn cần phải giải quyết. Chính phủ Việt Nam đang xây dựng các phương án để mở cửa trường học an toàn trong thời gian sớm nhất, đề nghị WHO tư vấn về việc triển khai tiêm vaccine cho trẻ em từ 5-11 tuổi, tiếp tục khuyến cáo trong vấn đề này để đạt hiệu quả cao nhất.
Ông Takeshi Kasai bày tỏ cảm ơn Việt Nam đã nỗ lực hỗ trợ sớm các nước trong phòng, chống dịch và có đóng góp tích cực với WHO, cơ chế COVAX; đánh giá rất cao tầm nhìn của Việt Nam về bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ Việt Nam và các kết quả đạt được trong công tác phòng, chống dịch, đặc biệt về vấn đề vaccine.
Ông Takeshi Kasai đặc biệt ấn tượng việc Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” để tiêm vaccine, đến nay đạt tỷ lệ tiêm chủng rất cao.
Giám đốc khu vực Tây Thái Bình Dương của WHO ủng hộ tầm nhìn, quan điểm trong chương trình tổng thể phòng, chống dịch COVID-19 đang được chính phủ xây dựng để có thể ứng phó linh hoạt với các biến chủng mới, trong đó nhấn mạnh vai trò của vaccine, chú trọng bảo vệ các đối tượng dễ bị tổn thương nhất như người cao tuổi và lực lượng tuyến đầu, đề cao ý thức người dân trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch để bảo vệ bản thân, gia đình, cộng đồng và quốc gia.
Đặc biệt, ông Takeshi Kasai đánh giá cao việc Việt Nam đang tiếp tục điều chỉnh các biện pháp một cách phù hợp với biến chủng Omicron như tăng cường chăm sóc, hồi phục tại nhà với những người mắc COVID-19 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ để tránh quá tải hệ thống y tế, đồng thời điều trị kịp thời, tích cực các ca chuyển nặng tại các cơ sở y tế.
Ông Kidong Park, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, nhất trí cao với chủ trương của Việt Nam trong nâng cao năng lực y tế cơ sở, y tế dự phòng, tăng cường nhân lực y tế, không chỉ để phòng, chống COVID-19 mà còn ứng phó hiệu quả với tình trạng già hóa dân số trong tương lai.
Các đại diện của WHO bày tỏ ấn tượng với kết quả tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội của Việt Nam trong giai đoạn khó khăn vừa qua; ngưỡng mộ tầm nhìn “vượt thời gian” của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “mỗi một người dân mạnh khỏe tức là cả nước mạnh khỏe;” tin tưởng Việt Nam sẽ tiếp tục ứng phó hiệu quả, thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh, về lâu dài, sẽ trở thành một điển hình trong khu vực và trên thế giới trong lĩnh vực y tế; khẳng định WHO sẽ tích cực đồng hành, ủng hộ, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm với Việt Nam trong quá trình này./.
Theo TTXVN/Vietnam+
Liên kết website
Ý kiến ()