Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 16:35 (GMT +7)
Thủ tướng: Chuyển đổi số đã 'đến từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người'
Thứ 4, 10/07/2024 | 23:07:04 [GMT +7] A A
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh chuyển đổi số đã trở thành phong trào, xu thế, là yêu cầu khách quan và lựa chọn chiến lược.
Chiều 10/7, kết luận Phiên họp lần thứ 9 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số (Ủy ban Quốc gia) và Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ theo hình thức trực tuyến toàn quốc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia nhấn mạnh phải lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể và mục tiêu trong chuyển đổi số, để người dân, doanh nghiệp được thụ hưởng thật những thành quả do chuyển đổi số mang lại, không ai bị bỏ lại phía sau.
Kinh tế số, xã hội số phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực
Tại Phiên họp, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung thảo luận, phân tích, đánh giá kết quả triển khai thực hiện Kế hoạch hành động năm 2024 và kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm; nhận diện các tồn tại, hạn chế, yếu kém, vướng mắc, rào cản, điểm nghẽn và giải pháp khắc phục. Đồng thời, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương chia sẻ kinh nghiệm hay, bài học quý, cách làm sáng tạo trong trong phát triển hạ tầng số, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, phát triển cơ sở dữ liệu quốc gia, kết nối chia sẻ thông tin, đào tạo và phát triển nhân lực.
Các đại biểu cũng đề xuất nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm những tháng cuối năm và thời gian tới nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế số; đẩy mạnh xây dựng, kết nối, tích hợp, chia sẻ các nền tảng số và cơ sở dữ liệu; bảo đảm an ninh, an toàn trên môi trường mạng; tăng hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến của người dân; đẩy mạnh cắt giảm thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ...
Theo Ủy ban Quốc gia, trong 6 tháng đầu năm, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình cả nước đạt 42%; kinh tế số ước đạt mức tăng trưởng 22,4% và tỷ trọng kinh tế số trong GDP ước đạt 18,3%. Giao dịch chia sẻ dữ liệu giữa các nền tảng, hệ thống thông tin qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia 6 tháng đầu năm tăng 67% so với cùng kỳ năm 2023.
Hiện nay, 19/21 bộ, cơ quan ngang bộ và 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính kết nối toàn diện với Hệ thống EMC, đạt 97,6%. Có 15/22 bộ, cơ quan ngang bộ và 63/63 tỉnh, thành phố đã kết nối hệ thống thông tin báo cáo kết nối với hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ, Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đạt 91,8%.
Có 256/896 thôn, bản lõm sóng, có điện được phủ sóng băng rộng di động, đạt tỷ lệ 28,6%. Tỷ lệ cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên toàn quốc triển khai hóa đơn điện tử, phát hành hóa đơn ngay từ máy tính tiền đạt 92,2%...
Kết luận Phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh chuyển đổi số đã trở thành phong trào, xu thế, là yêu cầu khách quan và lựa chọn chiến lược. Thời gian qua, công tác chỉ đạo, điều hành chuyển đổi số bài bản, bám sát thực tiễn hơn; thực hiện từ Trung ương đến cơ sở được triển khai đồng bộ, hiệu quả; mang lại thiết thực, tích cực hơn.
"Người dân, doanh nghiệp ủng hộ, đồng hành, tham gia tích cực. Chuyển đổi số đã 'đến từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người.' Niềm tin của các cấp, ngành, địa phương, người dân và doanh nghiệp được củng cố và nâng lên, góp phần truyền cảm hứng và tạo động lực phát triển mới," Thủ tướng chỉ rõ.
Trong 6 tháng đầu năm, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 5 quyết định, 3 chỉ thị, 3 công điện và các bộ, ngành đã ban hành theo thẩm quyền nhiều văn bản hướng dẫn chuyển đổi số và triển khai Đề án 06.
Cả nước đã hoàn thành 19/79 nhiệm vụ trong Kế hoạch hoạt động năm 2024 của Ủy ban Quốc gia và hoàn thành 43/229 nhiệm vụ năm 2024 của Đề án 06. Công tác hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách tạo khuôn khổ pháp lý và điều kiện thuận lợi cho Chuyển đổi Số Quốc gia và Đề án 6 được triển khai tích cực, với 8 nghị định, 10 thông tư được ban hành. Đến nay, đã đơn giản hóa 828/1.084 thủ tục hành chính được giao tại các Nghị quyết chuyên đề của Chính phủ; 63/63 địa phương đã ban hành Nghị quyết miễn giảm phí, lệ phí cho người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính.
Kinh tế số, xã hội số tiếp tục có bước phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực. Doanh thu công nghiệp ICT 6 tháng ước đạt trên 1,9 triệu tỷ đồng. Sản phẩm số của doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục phát triển và đã xuất khẩu đi khắp thế giới, trong 6 tháng ước đạt 64,8 tỷ USD. Nhiều doanh nghiệp công nghệ hàng đầu thế giới đã cam kết đầu tư và mở rộng đầu tư vào Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực mới như điện tử, chíp bán dẫn, nghiên cứu phát triển và trí tuệ nhân tạo.
Thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt được tích cực triển khai. Hơn 1 triệu đối tượng chính sách được nhận trợ cấp an sinh xã hội và 1,8 triệu người nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội qua tài khoản. Công tác mở rộng cơ sở thu, quản lý thuế, hóa đơn điện tử được triển khai quyết liệt, thu thuế từ hoạt động thương mại điện tử 6 tháng đầu năm 2024 là trên 50.000 tỷ đồng.
Theo Thủ tướng, hạ tầng số và các nền tảng số được quan tâm đầu tư và có bước phát triển; nhiều trung tâm dữ liệu lớn, hiện đại được khánh thành và đi vào hoạt động; 100% xã, phường, thị trấn có internet băng thông rộng; 100% cơ quan từ Trung ương đến cấp xã đã được kết nối với mạng số liệu chuyên dùng. Cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành được đẩy mạnh triển khai.
Cơ sở Dữ liệu Quốc gia về Dân cư kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu có bước phát triển; kết nối, chia sẻ, xác thực, làm sạch dữ liệu với 85 bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước; triển khai nhiều tiện ích số cho người dân, doanh nghiệp trên VneID.
Đến nay, đã có 16,4 triệu tài khoản và 51,6 triệu hồ sơ được nộp trên Cổng dịch vụ công quốc gia; triển khai 43/53 dịch vụ công thiết yếu, riêng 25 dịch vụ công thiết yếu của Đề án 06 đã tiết kiệm cho Nhà nước và xã hội 3.500 tỷ đồng/năm.
Ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được của các bộ, ngành, địa phương; sự chỉ đạo quyết liệt của các thành viên Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và Tổ công tác Đề án 06; sự đồng lòng, ủng hộ và tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế trong việc hoàn thiện thể chế, việc triển khai các nhiệm vụ theo kế hoạch của Ủy ban Quốc gia, việc phát triển kinh tế số chưa tương xứng với tiềm năng. Hạ tầng số, nền tảng số, dữ liệu số chưa khắc phục được tình trạng “manh mún, cát cứ thông tin, chia cắt, co cụm dữ liệu." An ninh mạng, an toàn thông tin ở nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức; cắt giảm thủ tục hành chính còn chậm. Chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến chưa cao; nhân lực cho chuyển đổi số, Đề án 06 còn chưa đáp ứng nhu cầu cả về số lượng, chất lượng, phân bổ chưa đồng đều...
Sớm triển khai 30 dịch vụ công thiết yếu còn lại
Chỉ rõ một số bài học kinh nghiệm trong chuyển đổi số, Thủ tướng yêu cầu thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương ưu tiên nguồn lực, triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp về chuyển đổi số đã đề ra, phấn đấu hoàn thành đạt và vượt các mục tiêu, nhiệm vụ tại Chương trình Chuyển đổi Số Quốc gia và Kế hoạch hành động của Ủy ban Quốc gia và các chiến lược về phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, dữ liệu số, trên tinh thần lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu trong chuyển đổi số và phải nói thật, làm thật, “không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm," “đã nói phải làm, đã cam kết phải thực hiện, đã thực hiện phải có kết quả cụ thể," để người dân, doanh nghiệp được thụ hưởng thật những thành quả do chuyển đổi số mang lại, không để ai bị bỏ lại phía sau.
"Phấn đấu đến năm 2025, 100% dịch vụ công trực tuyến được thực hiện toàn trình; 50% dân số trưởng thành sử dụng dịch vụ công trực tuyến; 100% hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được gắn định danh cá nhân; 90% người dân, doanh nghiệp hài lòng trong giải quyết thủ tục hành chính; 50% thủ tục hành chính, giấy tờ của người dân liên quan đến dữ liệu dân cư được cắt giảm...," Thủ tướng nhấn mạnh.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu khẩn trương xử lý các nhiệm vụ quá hạn, tồn đọng trong giai đoạn 2023-2024, trong đó 12 bộ, ngành và 20 địa phương chưa ban hành Kế hoạch khẩn trương ban hành Kế hoạch chuyển đổi số năm 2024 trước ngày 20/7/2024.
Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn trương hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành “Chiến lược Phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030” trong tháng 7/2024.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” trong tháng 7/2024.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành khẩn trương tổ chức các Phiên họp chuyên đề số hóa các ngành, lĩnh vực phụ trách; đẩy mạnh số hóa, làm giàu cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương; xây dựng và đưa vào vận hành cơ sở dữ liệu dùng chung về thương mại điện tử. Cùng với đó, đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý thuế và thực hiện đồng bộ các giải pháp về hóa đơn điện tử, nhất là hóa đơn điện tử trong bán lẻ trực tiếp.
Mặt khác, cần rà soát, xử lý nghiêm vi phạm của các cơ sở kinh doanh không xuất hóa đơn điện tử; phát triển hạ tầng thanh toán điện tử, hạ tầng thông tin tín dụng đảm bảo hoạt động liên tục, thông suốt, an toàn, đáp ứng tốt nhu cầu thanh toán đa dạng, ngày càng tăng nhanh.
Các ngành chức năng sớm hoàn thành triển khai 30 dịch vụ công thiết yếu còn lại, nhất là tích hợp, công bố nhóm thủ tục hành chính đăng ký thành lập hộ kinh doanh và đăng ký thuế lên Cổng dịch vụ công quốc gia; kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa cơ sở dữ liệu về người có công, bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo với giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công an tham mưu xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về đẩy mạnh triển khai Nghị quyết 175/NQ-CP để đẩy nhanh tiến độ xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia. Bộ Y tế sớm hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển hạ tầng số và ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ chuyển đổi số y tế đến năm 2030. Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai, tài nguyên.
Thủ tướng chỉ đạo Bộ Xây dựng đẩy nhanh kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Hệ thống thông tin nhà ở và thị trường bất động sản với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hoàn thành trong tháng 7/2024. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để liên thông dữ liệu đăng ký tàu cá, nhật ký khai thác thủy sản; tích hợp tài khoản VNeID và thực hiện các thủ tục về đăng ký tàu cá, khai thác thủy sản, hoàn thành trong tháng 9/2024.
Bộ Tư pháp kết nối, chia sẻ dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu của ngành Tư pháp như cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, quốc tịch, lý lịch tư pháp hoàn thành trong tháng 7/2024.
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan ban hành Kế hoạch triển khai thu mẫu ADN cho thân nhân, hài cốt liệt sỹ chưa xác định được danh tính để chính thức công bố triển khai vào ngày 27/7/2024 - Ngày Thương binh, Liệt sỹ.
Trước tình hình tấn công mạng trên thế giới và trong nước gia tăng mạnh thời gian qua, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Thông tin và Truyền thông giao ban hằng tháng, có đánh giá, hướng dẫn, giám sát, bảo vệ hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia và các bộ, ngành, địa phương.
Thủ tướng yêu cầu các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam tích cực tham gia quá trình chuyển đổi số. Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông tổng hợp, đề xuất cấp có thẩm quyền về khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác chuyển đổi số./.
Theo TTXVN/Vietnam+
Liên kết website
Ý kiến ()