Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 17:59 (GMT +7)
Thủ tướng chủ trì họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch
Thứ 3, 05/07/2022 | 09:11:01 [GMT +7] A A
Thủ tướng Chính phủ đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 thảo luận, rà soát công tác, giải pháp phòng, chống dịch hiệu quả, nhất là việc đẩy mạnh tiêm vaccine.
Sáng 5/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 (Ban Chỉ đạo) chủ trì phiên họp thứ 15 của Ban Chỉ đạo. Phiên họp được tổ chức trực tuyến giữa đầu cầu Chính phủ với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Dự họp tại đầu cầu Trụ sở Chính phủ có các Thành viên Ban Chỉ đạo: các Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Lê Văn Thành; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương.
Tại các điểm cầu ở các địa phương có các thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 là Bí thư tỉnh, thành ủy, Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và lãnh đạo các sở, ngành liên quan.
Phát biểu mở đầu Phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết dịch COVID-19 trên thế giới vẫn diễn biến khó lường với sự xuất hiện biến thể phụ BA.5 của Omicron tại nhiều nước trên thế giới và trong khu vực. Trong nước, sau khi tình hình dịch được kiểm soát tốt trên phạm vi cả nước đã có tâm lý lơ là, chủ quan, nhất là trong việc tiêm vaccine; việc kiểm tra, đôn đốc thiếu quyết liệt. Trong bối cảnh đó chúng ta vẫn phòng, chống các dịch bệnh khác, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho người dân và xảy ra tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia và Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 ở các địa phương thẳng thắn thảo luận, đánh giá đúng tình hình, rà soát công tác phòng, chống dịch, nhất là việc tiêm vaccine; nguyên nhân, bài học kinh nghiệm; đưa ra các mục tiêu, giải pháp cụ thể để tiếp tục phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả và phục hồi, phát triển kinh tế, đặc biệt trong việc tiêm vaccine.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo, từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước ghi nhận hơn 9 triệu ca mắc COVID-19, trong đó hơn 8,3 triệu cai đã khỏi bệnh, có hơn 10 ngàn ca tử vong (chiếm 0,1%). Tích lũy đến nay, cả nước ghi nhận 10.748.639 ca mắc COVID-19, trong đó có 9.708.984 người khỏi bệnh (90,3%), 43.087 ca tử vong (0,4%).
Đáng chú ý, từ ngày 15/3 đến nay, cả nước ghi nhận 4.368.193 ca mắc, 1.610 ca tử vong (tỷ lệ chết/mắc là 0,04% đã giảm mạnh so với 3,5 tháng trước đó với tỷ lệ chết/mắc là 0,25%).
Trong tháng 6 vừa qua, số mắc chững lại ở khoảng 600-700 ca mắc trong ngày; số trường hợp nặng, tử vong tiếp tục giảm. Trong 30 ngày qua, tỷ lệ chết/mắc là 0,02%, trong đó số mắc giảm 4,5 lần và số tử vong giảm 10 lần so với tháng trước đó, có 24 ngày cả nước không ghi nhận ca tử vong.
Về điều trị, hiện còn 6.502 trường hợp chưa khỏi bệnh, trong đó có 6.011 ca đang theo dõi tại nhà, 44 trường hợp tại khu cách ly và 447 trường hợp đang điều trị tại bệnh viện. Trong số đang điều trị tại bệnh viện. Trong số đang điều trị tại bệnh viện có 28 ca nặng, gồm 21 ca phải thở oxy mask, 4 ca HFNC, và 3 ca thở máy.
Về tình hình triển khai tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, đến hết ngày 03/7/2022, Việt Nam đã tiêm được hơn 233 triệu liều vaccine phòng COVID-19, tỷ lệ sử dụng đạt 97,3%. Nhóm đối tượng từ 18 tuổi trở lên có tỷ lệ tiêm các mũi 1,2,3,4 tương ứng xấp xỉ 100%, 100%, 67,6% và 31,1%; trẻ em từ 12-17 tuổi tiêm các mũi 1, 2, 3 đạt tỷ lệ xấp xỉ 100%, 98,7% và 10,6%; trẻ từ 5 đến 11 tuổi tiêm các mũi 1, 2 đạt tỷ lệ xấp xỉ 52,6% và 20,3%.
Hiện nay, Việt Nam là một trong số những quốc gia có tỷ lệ tiêm vaccine cao nhất thế giới: tỷ lệ bao phủ mũi 2 trên tổng dân số đạt xấp xỉ 80%, vượt 30% so với mục tiêu của WHO; tỷ lệ tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên cao gấp đôi tỷ lệ trung bình trên thế giới; tỷ lệ tiêm liều cơ bản cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi cao hơn một số quốc gia chấu Âu như Italy, Đức, Mỹ, Đan Mạch, Ba Lan...
Tại phiên họp, Ban Chỉ đạo nhận định, trên thế giới, biến thể phụ BA.5 của Omicron đã ghi nhận tại nhiều quốc gia và đã xuất hiện tại Việt Nam, biến thể phụ này có khả năng lây lan nhanh hơn 12% so với biến thể phụ BA.2 đang phổ biến tại Việt Nam hiện nay. Do đó trong thời gian tới các ca nhiễm biến thể phụ BA.5 có thể ghi nhận nhiều hơn trong cộng đồng ở nước ta. Như vậy, số ca mắc có thể gia tăng trong thời gian tới do sự xuất hiện của biến thể phụ BA.5.
Do vậy, hệ thống giám sát, đáp ứng phòng chống dịch từ trung ương đến địa phương cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, tiêm vaccine tăng cường, nhắc lại cho những nhóm có nguy cơ mắc bệnh và tiếp tục truyền thông để người dân luôn có ý thức phòng, chống dịch./.
Theo TTXVN/Vietnam+
Liên kết website
Ý kiến ()