Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 19:10 (GMT +7)
Thủ tướng chủ trì hội nghị toàn quốc với doanh nghiệp nhà nước
Thứ 5, 24/03/2022 | 11:41:11 [GMT +7] A A
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh rất cần nhận diện những điểm nghẽn trong cơ chế, chính sách với khu vực doanh nghiệp nhà nước để đưa ra định hướng, giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động.
Ngày 24/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc với doanh nghiệp nhà nước về “Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động nhằm huy động nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước trong phát triển kinh tế-xã hội."
Cùng dự hội nghị có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Lê Minh Khái, Lê Văn Thành.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước được Đảng, Nhà nước rất quan tâm và được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, các ngành, các địa phương và của doanh nghiệp nhà nước.
Doanh nghiệp nhà nước được xác định giữ vị trí then chốt và là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước, góp phần quan trọng ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Điều này đã được thể hiện trong các chủ trương, nghị quyết, chương trình, văn bản của Đảng, Quốc hội, Chính phủ.
Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định: “Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế; kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo”. Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 3/6/2017 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước cũng xác định: “Doanh nghiệp nhà nước là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội. Doanh nghiệp nhà nước tập trung vào những lĩnh vực then chốt, thiết yếu; những địa bàn quan trọng và quốc phòng, an ninh; những lĩnh vực mà doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư.”
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ: “Đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, đẩy nhanh ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, quản trị theo chuẩn mực quốc tế; bảo đảm doanh nghiệp nhà nước là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước.”
Với những quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Đảng, nhất là trong hơn 35 năm đổi mới, cộng đồng doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp nhà nước nói riêng đã nỗ lực không ngừng, vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục nỗ lực vươn lên góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, để “đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay” mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã báo cáo tại Đại hội XIII của Đảng vừa qua.
Trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, doanh nghiệp nhà nước luôn đồng hành và giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Đặc biệt, trong giai đoạn đổi mới phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nền kinh tế nhiều thành phần, doanh nghiệp nhà nước luôn giữ vững vai trò quan trọng, then chốt và là lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.
"Tuy nhiên, khu vực doanh nghiệp nhà nước vẫn chưa thể hiện tốt vị thế của mình, chưa phát huy được lợi thế về nắm giữ nguồn lực trong thực hiện sứ mệnh của mình" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Chỉ riêng các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước đang nắm giữ, mặc dù chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong nền kinh tế (khoảng 0,08% số doanh nghiệp hoạt động tại thời điểm 31/12/2020) nhưng lại nắm giữ nguồn lực lớn của nền kinh tế (khoảng 7% tổng tài sản và 10% vốn chủ sở hữu của toàn bộ doanh nghiệp trên thị trường, chiếm khoảng 25,78% tổng vốn sản xuất, kinh doanh và 23,4% giá trị tài sản cố định và đầu tư tài chính dài hạn của các doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất, kinh doanh).
Để thúc đẩy doanh nghiệp nhà nước phát triển bền vững, phát huy được thế mạnh, tiềm năng của mình, thực sự là “lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước,” Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh rất cần nhận diện những điểm nghẽn trong cơ chế, chính sách đối với khu vực doanh nghiệp này và những tồn tại hạn chế trong chính doanh nghiệp để từ đó đưa ra các định hướng, giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động nhằm huy động nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước trong phát triển kinh tế-xã hội thời gian tới.
Người đứng đầu Chính phủ đặt ra nhiều vấn đề, câu hỏi để các đại biểu dự hội nghị nghiên cứu, thảo luận, làm rõ. Theo đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu vấn đề: Vì sao các doanh nghiệp nhà nước chưa thể hiện được vai trò nổi bật trong việc dẫn dắt, tạo động lực, mở đường, hướng dẫn, thu hút, thúc đẩy các thành phần khác phát triển?
Tại sao hiệu quả sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp nhà nước còn thấp so với nguồn lực đang nắm giữ? Nguyên nhân là gì, đâu là nguyên nhân chủ quan, đâu là nguyên nhân khách quan? Do cơ chế chính sách, tổ chức thực hiện hay do con người? Phải chăng là do các doanh nghiệp chưa chú trọng đầu tư phát triển ngành nghề chính của mình hay vì nguyên nhân nào khác?
Thủ tướng Chính phủ cũng đặt câu hỏi: Vai trò quản lý nhà nước của các cơ quan đại diện chủ sở hữu Nhà nước (Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, các bộ, ngành, địa phương) đã tốt chưa, vướng mắc những gì? Mô hình Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cần phải như thế nào để phát huy được hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước?
Người đứng đầu Chính phủ băn khoăn tại sao công tác cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước lại không đạt kế hoạch, vướng mắc vấn đề gì, nên thoái vốn ở những loại hình doanh nghiệp nào? Xác định giá trị quyền sử dụng đất, lợi thế quyền thuê đất, giá trị thương hiệu của doanh nghiệp… đã đầy đủ chưa, chặt chẽ chưa? Vì sao thời gian qua làm chưa đạt yêu cầu, mong muốn, để người dân, xã hội có ý kiến liên quan đến lĩnh vực này?
Theo Thủ tướng, phải chăng công tác quản trị doanh nghiệp chậm được đổi mới, chưa theo kịp với quy mô tài sản doanh nghiệp quản lý, thu hút lao động chất lượng cao còn hạn chế? Thực tế cho thấy, cùng một chủ trương, cơ chế, chính sách nhưng có nơi thực hiện tốt, có nơi chậm trễ, có nơi làm không được, có nơi đùn đẩy trách nhiệm... Vậy nguyên nhân là gì, có phải do chính người đứng đầu tổ chức đó hay không hay do cơ chế, chính sách hay sự phối hợp giữa các bộ, các ngành hay do chỉ đạo của Chính phủ?
Thủ tướng cũng cho rằng trong bối cảnh quốc tế, trong nước với nhiều biến động khó lường, đại dịch COVID-19 chưa thể kết thúc một sớm, một chiều, tranh chấp thương mại giữa các nước lớn, xung đột địa chính trị, việc thực hiện các cam kết của các Hiệp định FTA thế hệ mới, sự phát triển nhanh của cách mạng công nghiệp lần thứ 4, những cam kết bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu … tác động nhiều mặt đến năng lực sản xuất kinh doanh, sức cạnh tranh và sự phát triển bền vững, sống còn của cộng đồng doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp nhà nước nói riêng.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu hội nghị thảo luận, phân tích về những thành tựu cũng như những vấn đề yếu kém, vướng mắc trong phát triển doanh nghiệp nhà nước, tìm ra nguyên nhân để có giải pháp thích hợp.
Đặc biệt, nghiên cứu mô hình tổ chức và phương thức lãnh đạo của tổ chức Đảng trong doanh nghiệp nhà nước như thế nào cho phù hợp, nhất là ở những doanh nghiệp đã cổ phần hóa nhằm phát huy vai trò của tổ chức Đảng tại các doanh nghiệp này.
Hội nghị diễn ra trong cả ngày 24/3, sau phần thảo luận của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ sẽ có phát biểu kết luận. Ngay sau hội nghị này, Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết với các nhiệm vụ và giải pháp để thúc đẩy đổi mới, nâng cao hiệu quả nhằm huy động nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước trong phát triển kinh tế-xã hội./.
Theo TTXVN/Vietnam+
Liên kết website
Ý kiến ()