Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 18/01/2025 19:18 (GMT +7)
Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị Đô thị toàn quốc năm 2022
Thứ 4, 30/11/2022 | 13:44:26 [GMT +7] A A
Ngày 30/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Đô thị toàn quốc năm 2022, nhằm phổ biến, triển khai Nghị quyết số 148/NQ-CP ngày 11/11/2022 của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Hội nghị được diễn ra theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. Dự tại điểm cầu Quảng Ninh có đồng chí Cao Tường Huy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, địa phương.
Sau hơn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, cùng với những thành tựu chung về KT-XH, hệ thống đô thị Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ, vượt bậc cả về số lượng và chất lượng.
Cụ thể, tỷ lệ đô thị hóa đã tăng từ 30,5% năm 2010 lên 41,5% năm 2022. Không gian đô thị được mở rộng; hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng KT-XH được đầu tư theo hướng ngày càng đồng bộ và hiện đại; chất lượng sống của cư dân đô thị từng bước được cải thiện. Hệ thống cơ chế chính sách về quy hoạch và phát triển đô thị, phát triển nhà ở và thị trường bất động sản đã được ban hành khá đầy đủ và đồng bộ.
Kinh tế khu vực đô thị liên tục tăng trưởng ở mức cao, trung bình từ 12-15%, gấp 1,5-2 lần so với bình quân chung, hằng năm đóng góp khoảng 70% GDP cả nước. Đô thị cũng đã khẳng định vai trò là động lực phát triển kinh tế, là hạt nhân thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở mỗi địa phương, mỗi vùng và cả nước.
Tuy nhiên, đô thị hóa và phát triển đô thị vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại, hạn chế và nảy sinh nhiều thách thức trong quá trình phát triển. Đó là công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, phát triển đô thị còn nhiều bất cập; phát triển đô thị còn dàn trải, gây lãng phí về đất đai, hạ tầng đô thị chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển dân số và kinh tế khu vực đô thị; ô nhiễm môi trường tại các đô thị lớn có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, gây ra nhiều tác động tiêu cực…
Với chủ đề “Quản lý và phát triển đô thị Việt Nam bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Hội nghị Đô thị toàn quốc năm 2022 đã tập trung vào phổ biến Nghị quyết số 148/NQ-CP ngày 11/11/2022 của Chính phủ đến các thành phố trực thuộc Trung ương và các đô thị trên cả nước nhằm tạo động lực và khí thế mới để thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ đã đề ra tại Nghị quyết số 148/NQ-CP.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung đi sâu phân tích, đánh giá và thảo luận về các giải pháp chủ yếu cho công tác lập quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững; trong đó, các ý kiến đều cho rằng, quy hoạch đô thị và phát triển kết cấu hạ tầng các đô thị phải đi trước một bước, tạo nguồn lực cho phát triển đô thị.
Cùng với đó là tổng kết kinh nghiệm thực tiễn của địa phương, quốc tế và giải pháp cải thiện chất lượng hạ tầng đô thị; các dự án, chương trình giao thông công cộng, cây xanh, tái thiết đô thị… cải tạo môi trường, kiến trúc cảnh quan đô thị cần được thúc đẩy; việc triển khai hạ tầng số tại các đô thị phù hợp để thúc đẩy xây dựng nền tảng phát triển đô thị thông minh, tạo nguồn lực tài chính bền vững trong xây dựng mới, cải tạo hệ thống hạ tầng đô thị hiện có. Xác định các nhiệm vụ, giải pháp tạo đột phá để xây dựng đô thị bền vững, xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ, hiện đại theo mạng lưới đô thị thống nhất.
Phát biểu tham luận về sáng kiến huy động nguồn lực cho phát triển đô thị, đồng chí Cao Tường Huy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh, khẳng định: Trong 10 năm qua, quy mô tốc độ đô thị Quảng Ninh có bước tiến vượt bậc từ “hiện trạng quy mô nhỏ, chưa được định hướng rõ nét” đã vươn lên mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào sự phát triển KT-XH.
Hiện Quảng Ninh có 13 đô thị, tỷ lệ đô thị hóa đạt 67,5%, là một trong 5 địa phương có tỷ lệ đô thị hóa cao nhất cả nước; tỷ lệ phủ kín quy hoạch chung đô thị/quy hoạch xây dựng vùng huyện toàn tỉnh đạt 100%. Môi trường đầu tư kinh doanh không ngừng được cải thiện; cải cách hành chính, phát triển hạ tầng có bước đột phá. Trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh đã huy động hơn 123.000 tỷ đồng dành cho phát triển kết cấu hạ tầng, tạo sự bứt phá về giao thông, đô thị, du lịch, dịch vụ. Các công trình, dự án mới có ý nghĩa chiến lược quan trọng, kết nối các trung tâm đô thị, cảng biển, khu công nghiệp, khu công nghệ cao của tỉnh... tạo hệ sinh thái đô thị bền vững, gắn kết, tạo động lực phát triển KT-XH của tỉnh.
Để đạt được kết quả nêu trên, Quảng Ninh xác định nguồn lực cho phát triển đô thị rất quan trọng. Từ đó, quan tâm đặc biệt, ban hành nhiều nghị quyết, văn bản chỉ đạo, chấn chỉnh đến công tác lập, thẩm định, phê duyệt, quản lý quy hoạch đô thị; tổ chức lựa chọn các đơn vị tư vấn có năng lực, uy tín quốc tế triển khai lập 7 quy hoạch chiến lược; tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược theo chỉ đạo của Trung ương và Chính phủ đáp ứng yêu cầu thực tiễn của tỉnh. Đồng thời, gắn kết chặt chẽ giữa phát triển đô thị với phát triển nông thôn; giữa phát triển dịch vụ, công nghiệp và nông nghiệp; giữa các mục tiêu tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, bảo đảm phúc lợi xã hội và an sinh xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường…
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Để hiện thực hóa những mục tiêu phát triển bền vững đô thị, Việt Nam cần có cách tiếp cận tổng thể, triển khai với những biện pháp, giải pháp cụ thể, thiết thực, hiệu lực, hiệu quả.
Trước mắt phải quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển đô thị; nâng cao chất lượng quy hoạch, thực hiện quy hoạch; bám sát thực tiễn, triển khai công việc có trọng tâm, trọng điểm; phát huy mạnh mẽ các nguồn lực để phát triển đô thị, nhất là hợp tác công - tư; tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp; quản lý, kiểm tra, giám sát việc phát triển đô thị...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp để chủ trương, chính sách về phát triển đô thị thực sự đi vào cuộc sống, đạt hiệu quả cao. Cần rà soát các nhiệm vụ có liên quan để ưu tiên tổ chức thực hiện song song, thiết thực tạo hiệu ứng cộng hưởng, phối hợp chung, thống nhất trong phát triển đô thị vì lợi ích chung và mục tiêu chung.
Đồng chí tin tưởng, trong thời gian tới, các đô thị Việt Nam sẽ có sự phát triển mạnh mẽ và đột phá, kinh tế khu vực đô thị tăng trưởng nhanh, hiệu quả và bền vững, chất lượng sống tại đô thị ở mức cao, góp phần xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng.
Đỗ Phương
Liên kết website
Ý kiến ()