Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 08:35 (GMT +7)
Thủ tướng Chính phủ: Trong bối cảnh khó khăn hơn, phải thực hiện bằng được mục tiêu kép
Thứ 5, 01/07/2021 | 21:14:03 [GMT +7] A A
Ngày 1/7, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 6/2021. Kết luận phiên họp, Thủ tướng nêu rõ, chúng ta đã và đang thực hiện tốt mục tiêu kép, phát triển kinh tế - xã hội đạt nhiều kết quả tích cực; thời gian tới, phải kiên trì thực hiện mục tiêu kép nhưng không máy móc, cứng nhắc, phải chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hài hòa giữa phòng chống dịch bệnh và phát triển kinh tế-xã hội, căn cứ tình hình thực tế tại mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương ở từng thời điểm khác nhau để lựa chọn mục tiêu ưu tiên.
Thủ tướng Phạm Minh Chính: “Điều lớn nhất là qua khó khăn, thách thức, chúng ta càng thấy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau và đoàn kết quốc tế. Những kết quả bước đầu trong thực hiện mục tiêu kép, bảo đảm an ninh - quốc phòng và đẩy mạnh đối ngoại thời gian qua đã giúp tăng cường, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng” |
Phiên họp tập trung thảo luận về các nội dung: Tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trong 6 tháng cuối năm 2021; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan tới công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19; một số nội dung liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19…
Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ phát biểu khẳng định những kết quả tích cực đạt được trong 6 tháng đầu năm, nhất là tăng trưởng GDP, cho thấy nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị, toàn quân, toàn dân trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp. Nông nghiệp tăng trưởng cao nhất trong 10 năm, công nghiệp có đóng góp cao cho tăng trưởng...
Các đại biểu tập trung thảo luận về một số vấn đề nổi lên trong phát triển kinh tế - xã hội và công tác phòng chống dịch, phân tích những hạn chế, các nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và dự báo tình hình, mục tiêu, phương hướng, quan điểm chỉ đạo, các nhiệm vụ, giải pháp trong 6 tháng cuối năm. Các ý kiến đề xuất nhiều giải pháp để nền kinh tế vượt qua các khó khăn, thách thức, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực phát triển, tranh thủ được các cơ hội để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh nhiều nền kinh tế lớn phục hồi mạnh, thương mại toàn cầu tăng trưởng cao...
Tăng cường, củng cố niềm tin của nhân dân
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, tình hình 6 tháng đầu năm có nhiều biến động đặc thù hơn so với 6 tháng đầu năm 2020, như các đợt bùng phát dịch lần thứ 3 và thứ 4 với các biến thể nguy hiểm hơn, việc chuẩn bị tổ chức Đại hội Đảng toàn quốc, bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã bám sát tình hình thực tế, bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các nhiệm vụ, mục tiêu Quốc hội giao để tích cực, chủ động, linh hoạt, sáng suốt trong chỉ đạo, điều hành. Nhìn tổng thể, chúng ta đã và đang thực hiện tốt mục tiêu kép. Nhiều ổ dịch lớn đã được ngăn chặn, kiềm chế, đẩy lùi như tại Bắc Ninh, Bắc Giang; cuộc sống trở lại bình thường; phần lớn các nhà máy, doanh nghiệp đã hoạt động trở lại. Hai tỉnh này và Hà Nội bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 nhưng vẫn đạt kết quả cao về tăng trưởng, thu ngân sách, giải ngân vốn đầu tư công. Trên phạm vi cả nước, số liệu thống kê cho thấy kinh tế - xã hội đạt kết quả tốt, được các tổ chức quốc tế đánh giá tích cực.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng bày tỏ cảm ơn cấp ủy, chính quyền các cấp, hệ thống chính trị và sự đồng hành, vào cuộc của các tầng lớp nhân dân đã cùng chia sẻ, gánh vác, hưởng ứng và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra. Thủ tướng cũng biểu dương các lực lượng tuyến đầu trong công tác phòng chống dịch như y tế, công an, quân đội, Ban Chỉ đạo quốc gia.
Trong 6 tháng đầu năm, GDP tăng trưởng 5,64%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ. Kinh tế vĩ mô ổn định; CPI bình quân 6 tháng chỉ tăng 1,47%, thấp nhất trong nhiều năm. Thị trường tiền tệ, tín dụng, tỷ giá, lãi suất cơ bản ổn định. Thu ngân sách nhà nước đạt cao, ước tính 57,7% dự toán năm, tăng 15,3% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất nhập khẩu tiếp tục tăng trưởng mạnh, xuất khẩu tăng 28,4%, nhập khẩu tăng 36,1% và chủ yếu là nhập khẩu nguyên vật liệu phục vụ sản xuất.
Công tác bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống nhân dân được làm tốt trong điều kiện khó khăn do dịch bệnh, khẳng định quan điểm dứt khoát không đánh đổi tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Môi trường sống từng bước được cải thiện theo quan điểm không hy sinh môi trường để đổi lấy tăng trưởng.
Công tác cải cách, hoàn thiện thể chế được đẩy mạnh, Chính phủ và các bộ ngành rất quyết liệt, tích cực sửa đổi, bổ sung các quy định thuộc thẩm quyền, với các vấn đề vượt quá thẩm quyền thì khẩn trương, mạnh dạn trình các cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết.
Chuyển đổi số được quan tâm và thúc đẩy trong bối cảnh dịch bệnh, một số cơ sở dữ liệu lớn đã hoàn thành, như hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư bắt đầu hoạt động từ 1/7. Thương mại điện tử phát triển mạnh, nhất là hỗ trợ tiêu thụ nông sản, trong đó tiêu thụ vải thiều ở Bắc Giang là điển hình.
Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Hoạt động đối ngoại tiếp tục được đẩy mạnh và tăng cường, không để hoạt động đối ngoại bị gián đoạn, tổ chức thành công nhiều hoạt động đối ngoại của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Trong đó, hoạt động ngoại giao vaccine và phòng chống COVID được thực hiện rất quyết liệt, nhất quán và hiệu quả; vấn đề này được lãnh đạo nước ta đề cập rất tích cực tại tất cả các cuộc tiếp xúc, điện đàm với lãnh đạo các nước. Chiến lược vaccine rất trúng, đúng, kịp thời, phù hợp tình hình và đang từng bước được thực hiện hiệu quả.
“Điều lớn nhất là qua khó khăn, thách thức, chúng ta càng thấy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau và đoàn kết quốc tế. Những kết quả bước đầu trong thực hiện mục tiêu kép, bảo đảm an ninh-quốc phòng và đẩy mạnh đối ngoại thời gian qua đã giúp tăng cường, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ ra một số khó khăn, thách thức. Dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, khó lường tại một số địa phương, như TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh Đông Nam Bộ. Tốc độ tăng trưởng chưa đạt mục tiêu đề ra. Khu vực dịch vụ bị ảnh hưởng nhiều. Tỷ lệ nợ xấu có xu hướng tăng. Giá nguyên liệu đầu vào tăng, chi phí vận tải cao do hệ thống giao thông còn bất cập. Huy động nguồn lực toàn xã hội tuy có tăng nhưng còn thấp so với dư địa và tiềm năng. Nợ thuế tăng cao. Một bộ phận người lao động bị tác động mạnh bởi dịch COVID-19 nên đời sống khó khăn, do đó, Chính phủ đã rất khẩn trương xây dựng và ngay trong ngày 1/7, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 bảo đảm kịp thời, thỏa đáng, đúng đối tượng, chống tiêu cực.
Nguyên nhân của những kết quả đạt được, Thủ tương nêu rõ, trước hết, chúng ta biết kế thừa, phát huy những thành tựu, thành tích, bài học kinh nghiệm quý của nhiều nhiệm kỳ, nhiều năm vừa qua; đồng thời rút kinh nghiệm, tránh những hạn chế, bất cập của giai đoạn trước trên tinh thần có kế thừa, ổn định, đổi mới và phát triển; khiêm tốn, cầu thị, lắng nghe, không lo sợ, hoang mang trước khó khăn, thách thức. Tuân thủ nghiêm túc sự lãnh đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư và các đồng chí lãnh đạo chủ chốt để tổ chức thực hiện theo đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và theo thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ được giao. Cùng với đó là sự vào cuộc, phấn đấu của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, sự ủng hộ nhiệt tình của các tầng lớp nhân dân, sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, tinh thần tương thân, tương ái và đoàn kết quốc tế.
Nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém là do hai đợt dịch bùng phát với biến chủng virus mới phức tạp, khó lường, nguy hiểm, khó kiểm soát hơn, độc lực mạnh hơn. Có những nơi, những lúc còn lơ là, chủ quan, mất cảnh giác. Nền kinh tế có độ mở lớn, phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu và khu vực FDI. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, thực thi pháp luật của một số cơ quan, đơn vị, địa phương, người đứng đầu chưa quyết liệt, chưa đồng bộ, chỉ đạo thiếu nhất quán, chưa bám sát thực tiễn để đưa ra quyết sách phù hợp, thậm chí quan liêu, thiếu tinh thần trách nhiệm. Còn nhiều nút thắt phát triển chưa được tìm ra và giải quyết, nhất là về thể chế. Một số chính sách ban hành chỉ mang tính chất tình thế, trước mắt, chưa giải quyết các vấn đề cơ bản, lâu dài.
Thủ tướng Phạm Minh Chính: “Khi chiến thắng, thành công thì áp lực lớn nhất, kẻ thù lớn nhất chính là sự chủ quan, lơ là, thỏa mãn”. Ảnh VGP/Nhật Bắc |
Khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi
Thủ tướng nêu rõ bài học kinh nghiệm rút ra trong 6 tháng đầu năm.
Thứ nhất, phải chọn lọc và kế thừa những kinh nghiệm quý, bài học hay để lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và đại hội Đảng các cấp, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt các cấp, căn cứ tình hình thực tế để chỉ đạo, điều hành chủ động, linh hoạt, sáng tạo, quyết liệt, đúng hướng, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, thích ứng với tình hình.
Thứ hai, phải đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, phát huy sự sáng tạo, chủ động, linh hoạt của cấp dưới.
Thứ ba, phải tích cực tháo gỡ những điểm nghẽn của nền kinh tế, nhất là liên quan đến thể chế, cơ chế, chính sách; với những nội dung cần trình cấp trên thì phải chuẩn bị kỹ lưỡng trên cơ sở khoa học, lý luận, thực tiễn, pháp lý. Những vấn đề đã “chín”, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, được đa số đồng tình thì tiếp tục thực hiện; những vấn đề chưa có quy định hoặc vượt quy định thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội. Thủ tướng lấy ví dụ về mô hình phong tỏa “3 lớp”, thí điểm cách ly F1 tại nhà...
Thứ tư, tích cực, chủ động tìm ra nguồn lực mới, động lực mới từ nhân dân, từ xã hội để thúc đẩy phát triển, trên tinh thần xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, bám sát thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo. Thời gian qua, một số địa phương đã có những cách làm rất hay, cần nhân rộng trong việc lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư.
Thứ năm, càng khó khăn, càng phức tạp thì càng phải bình tĩnh, giữ đúng nguyên tắc, phát huy dân chủ, tôn trọng tập thể, quyết định theo đa số, không bi quan, lo sợ, giữ vững bản lĩnh, lấy khó khăn, thách thức làm động lực để phấn đấu, vươn lên, khẳng định và trưởng thành, phát huy sức mạnh đại đoàn kết, tinh thần tương thân, tương ái, khiêm tốn, cầu thị, lắng nghe và học hỏi.
Thứ sáu, không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, không say sưa với những thắng lợi, thành tích, kết quả đạt được ban đầu, không được “ngủ quên trên vòng nguyệt quế” như căn dặn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. “Khi chiến thắng, thành công thì áp lực lớn nhất, kẻ thù lớn nhất chính là sự chủ quan, lơ là, thỏa mãn”, Thủ tướng lưu ý.
Thứ bảy, kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa phòng ngừa và tấn công trong phòng chống dịch (phòng ngừa là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định; tấn công là chủ động, quyết liệt, hiệu quả và dứt điểm, nhanh chóng ổn định tình hình).
Theo Thủ tướng, dự báo tình hình thời gian tới có cả thuận lợi và thời cơ, khó khăn và thách thức đan xen nhau, trong đó phải xác định khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi. Nhưng không được vì thế mà bi quan, lo sợ, “xác định như vậy để nỗ lực nhiều hơn, quyết tâm cao hơn, cố gắng, quyết liệt hơn”. Xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, “tự vươn lên từ bàn tay khối óc, khung trời, cửa biển”, “biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể…”, không trông chờ ỷ lại một cách thụ động để phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Thủ tướng nêu rõ, chúng ta thống nhất chưa thay đổi mục tiêu đã đề ra và thống nhất với 2 kịch bản tăng trưởng được Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng (tăng trưởng GDP cả năm 6% theo kịch bản 1 và 6,5% theo kịch bản 2); đồng thời nhấn mạnh, kịch bản nào thì cũng phải cố gắng rất nhiều với các giải pháp khả thi, hiệu quả mới có thể đạt được.
Quan điểm lớn trong chỉ đạo thực hiện
Từ mục tiêu và nhận thức đó, quan điểm chỉ đạo là phải kiên trì thực hiện mục tiêu kép nhưng không máy móc, cứng nhắc, căn cứ tình hình thực tế tại mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương ở từng thời điểm khác nhau để lựa chọn mục tiêu ưu tiên. Phải chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hài hòa giữa phòng chống dịch bệnh và phát triển kinh tế-xã hội. Có nơi, có lúc phải ưu tiên cho nhiệm vụ phòng chống dịch; có nơi, có lúc phải ưu tiên cho nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội; có nơi, có lúc phải đồng thời cân bằng, hài hòa cả hai mục tiêu, nhiệm vụ này.
Điều hành hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách khác, vừa giữ ổn định vĩ mô, vừa thúc đẩy phát triển, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn.
Xác định nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định; ngoại lực là quan trọng, đột phá. Đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược và 6 nhiệm vụ trọng tâm theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, nhất là về hoàn thiện thể chế và xây dựng hạ tầng chiến lược, cải cách hành chính, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chấm dứt tình trạng đầu tư công dàn trải, kéo dài, manh mún, kém hiệu quả.
Thủ tướng nêu rõ, phòng chống COVID-19 là nhiệm vụ phải tập trung trong thời điểm hiện nay trên phạm vi toàn quốc và ở một số địa phương. Phải lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thành công chiến lược vaccine. Trong bối cảnh nguồn cung vaccine trên toàn cầu rất khan hiếm từ nay đến tháng 9, phải tiếp cận, mua vaccine một cách bình đẳng, nhanh nhất, nhiều nhất có thể, đồng thời tổ chức điều phối phù hợp với tình hình; thúc đẩy chuyển giao công nghệ và nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước; tổ chức tiêm vaccine hiệu quả, kịp thời. Hết sức linh hoạt trong phong tỏa, cách ly, vừa làm vừa rút kinh nghiệm.
Đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu, xây dựng và bảo vệ thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm của các mặt hàng có thể mạnh, nhất là rau củ quả để tiếp tục mở rộng thị trường, tận dụng hiệu quả các FTA đã ký kết. Bảo đảm mục tiêu cán cân thương mại hài hòa, bền vững; có biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp.
Đẩy mạnh thu hút đầu tư vào công nghiệp chế biến chế tạo. Bảo đảm an ninh năng lượng; có chính sách phát triển năng lượng dài hạn, bám sát hình hình thực tế và theo cơ chế thị trường, hoàn thành Quy hoạch điện VIII, phát triển cơ cấu nguồn điện hợp lý.
Mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản, nhất là trái cây, có chiến lược, quy hoạch phát triển nông nghiệp dài hạn, hạn chế tình trạng phải “giải cứu”, có chính sách ưu tiên phù hợp với các sản phẩm có thế mạnh, quan tâm xây dựng thương hiệu, các khâu sau thu hoạch... để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm nông nghiệp.
Ngành dịch vụ cần đổi mới mạnh mẽ, tính toán, tổ chức lại để giảm chi phí vận tải, bên cạnh vấn đề lâu dài là phát triển hạ tầng chiến lược thì cần giải quyết ngay những khó khăn trước mắt. Tính toán triển khai các chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa, mở rộng thị trường trong nước. Thủ tướng nhắc tới việc Bắc Giang tiêu thụ hơn 200.000 tấn vải thiều trong bối cảnh dịch bệnh như một ví dụ cho thấy “cái khó ló cái khôn”.
Bối cảnh hiện nay là thời cơ thuận lợi cho chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế số, xã hội số, cần có kế hoạch, chương trình để thúc đẩy.
Thời gian tới, Chính phủ sẽ bàn chuyên đề riêng về huy động các nguồn lực, tạo động lực mới cho phát triển, giải quyết tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy hợp tác công tư trên tất cả các lĩnh vực, nhất là trong đầu tư phát triển hạ tầng chiến lược; tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách trong giải ngân vốn ODA.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì, có giải pháp khôi phục lao động, việc làm ngay tại những nơi có dịch theo hướng thích nghi với điều kiện mới, “vừa sản xuất, vừa chống dịch” như kinh nghiệm tại Bắc Ninh, Bắc Giang vừa qua, không để đứt gãy thị trường lao động.
Đẩy mạnh công tác phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, quan liêu, gắn với cải cách hành chính và trách nhiệm nêu gương của cán bộ lãnh đạo các cấp, xây dựng bộ máy trong sạch, vững mạnh, loại bỏ tham nhũng vặt. Giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng an ninh, đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc và giữ vững môi trường hòa bình để phát triển đất nước, tăng cường ngoại giao vaccine.
Tiếp tục coi trọng lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư cơ sở vật chất và nguồn lực cho công tác thông tin- tuyên truyền để tạo đồng thuận xã hội, dứt khoát không để khủng hoảng truyền thông.
Nhấn mạnh yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương phải chủ động, nỗ lực giải quyết các nhiệm vụ tồn đọng, kéo dài theo tinh thần “làm việc nào dứt điểm việc đó”, Thủ tướng nhắc tới một số ví dụ cụ thể như tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông, dự án chống ngập tại TPHCM đừng để dây dưa, kéo dài…
Thủ tướng lưu ý các bộ, cơ quan, địa phương quan tâm kết thúc thắng lợi năm học, tổ chức tốt kỳ thi THPT quốc gia nghiêm túc, an toàn, tạo thuận lợi nhất cho thí sinh và gia đình trong điều kiện dịch COVID-19.
“Chính phủ tiếp tục kêu gọi nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục đồng hành, ủng hộ Đảng, Nhà nước, Chính phủ để vượt qua mọi khó khăn, thách thức và thực hiện bằng được các mục tiêu, giải pháp mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra, các chỉ tiêu, nhiệm vụ được Quốc hội giao. Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kép, mục tiêu kép, không thể thiếu sự đồng hành, chia sẻ của nhân dân, của doanh nghiệp”, Thủ tướng nhấn mạnh./.
Theo Chinhphu.vn
Liên kết website
Ý kiến ()