Thông tin này được Bộ Tài chính nêu tại báo cáo gửi Quốc hội. Xổ số kiến thiết góp 96%, tức gần 147.000 tỷ đồng vào khoản thu thị trường này năm ngoái. Còn lại, điện toán góp 4%, khoảng 6.000 tỷ.
Một nửa trong số khoản thu kỷ lục 153.000 tỷ đồng được các doanh nghiệp dùng để trả thưởng cho người chơi, theo Bộ Tài chính.
Nhờ thu lớn, các đơn vị kinh doanh xổ số nộp ngân sách tăng trên 10%, đạt hơn 45.000 tỷ đồng. Đây cũng là mức nộp kỷ lục, cao hơn 22% dự toán Quốc hội giao.
Các địa phương phía Nam là khu vực phát triển chủ yếu, đem lại nguồn thu chính cho xổ số kiến thiết, với hơn 93% thị phần cả nước.
Năm 2023, nhiều ngành nghề gặp khó khăn khi kinh tế suy thoái, xổ số kiến thiết là một trong số ít lĩnh vực ghi nhận tăng trưởng. Doanh thu ngành này cũng tăng thêm sau khi các doanh nghiệp nâng doanh số phát hành từ tháng 10 năm ngoái.
"Ngành xổ số tăng trưởng ổn định, đáp ứng nhu cầu giải trí của người dân, góp phần thu ngân sách, việc làm tại địa phương", Bộ Tài chính đánh giá.
Song, Bộ này cũng cho rằng thị trường còn nhiều hạn chế. Chẳng hạn, xổ số thủ công vẫn chiếm tỷ trọng lớn, phát triển không đều giữa các khu vực. Một số đại lý ép không cho người bán dạo trả lại vé ế. Hạn chế này, theo cơ quan quản lý, chủ yếu do thị hiếu của người tiêu dùng, tập quán vùng miền và xổ số điện toán còn mới, thị phần nhỏ.
Hiện, cả nước có 63 doanh nghiệp xổ số kiến thiết tại các địa phương và một công ty điện toán hoạt động từ 2017.
Ngoài xổ số, thị trường còn có 69 điểm kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng cho người nước ngoài tại Hà Nội, TP HCM, Khánh Hòa, Đà Nẵng. Các cơ sở này gặp khó khăn do ảnh hưởng vì Covid-19 trong giai đoạn 2019-2022, khiến nhiều nơi phải đóng cửa. Tình hình kinh doanh của họ khả quan hơn từ năm ngoái, khi nộp ngân sách gần 2.200 tỷ đồng, nhưng chưa phục hồi.
Bộ Tài chính cho biết năm nay sẽ kiểm tra hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng tại 11 doanh nghiệp, nhằm chấn chỉnh loại hình này.
Ý kiến ()