Chiều 3/6, tại họp báo Chính phủ thường kỳ, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết thời gian qua Chính phủ và đoàn giám sát tối cao của Quốc hội về nguồn lực phòng chống Covid-19 đã đồng thuận trình Quốc hội cho phép tiếp tục thực hiện chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia; bố trí ngân sách trung ương để mua vaccine tại tuyến trung ương.
Tờ trình và dự thảo nghị quyết về bố trí kinh phí mua vaccine đã được Bộ Y tế trình Chính phủ. Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã chỉ đạo Bộ Y tế, Tài chính bố trí ngân sách trung ương năm 2023 để mua vaccine theo những năm trước. Bộ đã tổng hợp đủ nhu cầu vaccine của 63 tỉnh, thành, chỉ đạo các đơn vị cung ứng vaccine sẵn sàng công việc.
Những năm qua, Bộ Y tế triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng với 10 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho trẻ và phụ nữ trên toàn quốc. Chương trình đã cung ứng đủ vaccine năm 2022 và đến giữa năm 2023. Vaccine viêm gan B, lao còn đến hết tháng 8; vaccine viêm não Nhật Bản còn đến tháng 9; vaccine sởi, sởi - rubella, bOPV đủ dùng hết tháng 7; vaccine uốn ván và bại liệt đủ hết năm nay. Vaccine nhập khẩu 5 trong 1 đủ dùng đến đầu năm 2023. Tuy nhiên, năm 2022 Bộ Y tế đã đấu thầu nhưng không có nhà thầu tham gia.
Giải thích chi tiết hơn về tình trạng thiếu vaccine tiêm chủng hiện nay, Thứ trưởng Hương cho biết giai đoạn 2016-2020, Bộ Y tế được bố trí ngân sách trung ương để đặt hàng 9 vaccine sản xuất trong nước. Các loại này chỉ có một nhà sản xuất trong nước, là đơn vị thuộc Bộ Y tế nên Bộ đã đặt hàng. Đối với vaccine nhập khẩu, Bộ Y tế đã thực hiện cơ chế mua sắm thông qua Quỹ nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) theo hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt theo Luật Đấu thầu, hoặc đấu thầu tập trung khi đủ điều kiện có 3 đăng ký.
Giai đoạn năm 2021-2022, theo Luật Đầu tư công (sửa đổi), không còn chương trình mục tiêu y tế, dân số mà chỉ còn một số hoạt động được lồng ghép vào nội dung chi của 3 chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025. Nội dung chi này không có kinh phí mua vaccine; nội dung còn lại chuyển thành nhiệm vụ thường xuyên của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.
Để có lộ trình phù hợp khi chuyển đổi cơ chế từ mua sắm bằng ngân sách trung ương chuyển giao cho các địa phương triển khai, Quốc hội đã giao Bộ Y tế dùng nguồn dự toán ngân sách trung ương để mua vaccine đảm bảo cho năm 2021 và 2022, gối đầu các tháng đầu năm 2023. Nhằm gỡ khó cho địa phương, bà Hương cho biết cần tiếp tục mua vaccine năm 2023 như các năm trước.
Thứ trưởng Hương khẳng định sau ba tháng thực hiện Nghị định của Chính phủ đến nay cơ bản đã giải quyết được tình trạng thiếu trang thiết bị y tế liên quan đến thủ tục nhập khẩu. Cụ thể, đến nay các cơ quan đã gia hạn hiệu lực cho hơn 12.500 giấy phép nhập khẩu trang thiết bị y tế đến hết năm 2024. Hàng chục nghìn số lưu hành trang thiết bị y tế cũng được gia hạn.
Về thiếu thuốc, Thứ trưởng Liên giải thích chỉ xảy ra với một số thuốc chuyên khoa, thuốc hiếm do khó về nguồn cung; không xác định được nhu cầu vì các bệnh ít gặp, không lường trước được thời điểm, số lượng. Đơn cử, thuốc chống độc, giải độc tố, huyết thanh kháng nọc rắn. Ngoài ra, Covid-19 và chiến tranh tại châu Âu dẫn đến đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu với một số loại thuốc như Albumin, Globulin (các thuốc này hầu như các nước đều thiếu).
Để giải quyết, theo Nghị quyết của Quốc hội, từ đầu năm 2023 đến nay Bộ Y tế đã công bố bốn đợt với tổng số 10.500 thuốc được tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành đến hết năm 2024. Đồng thời, Bộ Y tế cấp phép gần 3.000 thuốc chưa có số đăng ký, hiệu lực 3-5 năm. Toàn quốc hiện có 22.000 số đăng ký thuốc được lưu hành với 800 hoạt chất. "Hiện nay nguồn cung thuốc trên thị trường cơ bản được đảm bảo", bà Liên Hương khẳng định.
Về lâu dài, Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất đưa vào dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi nhiều quy định gỡ khó trong mua sắm thuốc và trang thiết bị. Trường hợp cấp bách, gói thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn, thuốc, hóa chất, phương tiện, vật tư, trang thiết bị y tế, xây lắp phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh, cấp cứu người bệnh cần triển khai ngay để bảo vệ tính mạng người dân.
Dự luật cũng đề xuất cho phép áp dụng lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt đối với gói thầu mua sắm thuốc, vaccine trong quá trình thử nghiệm, có yêu cầu đặc thù của nhà sản xuất; có thể áp dụng hình thức khác ngoài đấu thầu rộng rãi, lựa chọn nhiều nhà thầu để tăng cạnh tranh và hiệu quả kinh tế.
Bộ Y tế cũng đang xây dựng 3-6 trung tâm dự trữ thuốc hiếm, thuốc hạn chế nguồn cung. "Đây là giải pháp căn cơ đảm bảo các thuốc đặc biệt hiếm, dùng trong trường hợp khẩn cấp", Thứ trưởng Y tế nói.
Ý kiến ()