Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:15 (GMT +7)
Thứ trưởng Bộ Y tế: Thay đổi tiêu chí đánh giá dịch COVID-19, không chú trọng số ca mắc
Thứ 5, 25/11/2021 | 14:51:46 [GMT +7] A A
“Chúng ta sẽ chú trọng đánh giá số liệu ca nhập viện, ca bệnh nặng và tử vong, tình hình đáp ứng thu dung, điều trị bệnh nhân. Đồng thời thay đổi tiêu chí đánh giá dịch COVID-19 tại các địa phương”, PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế trao đổi tại Hội nghị Sơ kết công tác điều trị COVID-19 sáng 25/11.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho hay, sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 về thích ứng an toàn với COVID-19, Việt Nam thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch COVID-19 vừa phát triển kinh tế. Tỷ lệ mắc COVID-19 ở các địa phương TPHCM, Bình Dương... đã giảm sâu. Tỷ lệ tử vong cũng giảm, có lúc giảm xuống hơn 50 ca/ngày. Tỷ lệ tiêm vắc xin phòng COVID-19 của người dân cũng tăng cao.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhận định, Việt Nam sẽ sớm đạt mục tiêu miễn dịch cộng đồng với hơn 75% người dân được tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng COVID -19 (hơn 150 triệu liều). “Với diễn biến dịch bệnh hiện nay, số liệu hơn 100.000 ca COVID-19 mới/tuần không còn quá quan trọng. Hiện chúng ta khuyến khích người dân tự phát hiện mắc COVID-19 và thông báo cho cơ quan y tế. Khi có triệu chứng thì đến bệnh viện điều trị”, ông Sơn nói.
Thứ trưởng Bộ Y tế đồng thời nhấn mạnh, xu hướng hiện nay là tập trung đánh giá tỷ lệ bệnh nhân nặng, nhập viện, tử vong, tình hình đáp ứng thu dung, điều trị bệnh nhân của các địa phương mà không đặt nặng về số ca mắc mới.
Theo ông Nguyễn Trường Sơn, tới cuối tháng 11 này, sẽ có một số điều chỉnh trong công tác phòng, chống COVID-19 và Bộ Y tế đang giao Cục Quản lý môi trường y tế phối hợp xây dựng chiến lược tổng thể phòng, chống COVID-19.
Yêu cầu này được thực hiện trong bối cảnh đến 30/11, tiêu chí tỷ lệ tiêm vắc xin đã hoàn thành, hơn 75% người từ 18 tuổi trở lên được tiêm, kể cả đối tượng trên 65 tuổi.
“Chúng tôi cũng đề nghị các địa phương khi đánh giá cấp độ dịch (4 cấp độ) càng chia nhỏ càng tốt, đánh giá tới từng cụm dân cư, từng khu phố... Khi đó, chúng ta sẽ có các biện pháp chặn dịch hiệu quả hơn mà không ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, sinh hoạt của địa phương trên diện rộng.
Để đáp ứng được điều đó, chúng ta cần nâng cao năng lực đáp ứng điều trị, y tế phải đến được với người dân khi điều trị COVID-19 tại nhà, tại cơ sở địa phương, cung cấp thuốc, hướng dẫn, tư vấn cho người dân”, Thứ trưởng Sơn nói.
Không chủ quan, lơ là
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cũng cho biết, hiện tại dịch COVID-19 trên thế giới và tại Việt Nam vẫn hết sức phức tạp. “Việt Nam đã vượt giai đoạn gay cấn nhất của làn sóng dịch COVID-19 thứ tư, tuy nhiên chúng ta vẫn phải chuẩn bị các điều kiện để đón các làn sóng dịch COVID-19 mới, không lơ là, chủ quan”.
Thống kê cho thấy trong đợt dịch thứ 4, tính đến ngày 24/11 có 24.174 ca tử vong. Tỷ lệ trẻ em dưới 18 tuổi chiếm 0,3%, tỷ lệ trên 65 tuổi là 47,5%. Trong đó, tử vong chủ yếu là tại TPHCM 17.575 ca, chiếm 72,7%, tiếp đến là Bình Dương với 10,8%, Đồng Nai là 2,8%, Long An là 2,4%, Tiền Giang chiếm 2%...
Tỷ lệ tử vong trên số ca mắc là 2,1%, tương đương so với thế giới 2,1%, nhưng nếu không tính số mắc và tử vong tại TPHCM thì tỷ lệ này chỉ là 0,96% thấp hơn nhiều so với thế giới.
Trong khu vực châu Á thì tỷ lệ tử vong trên số mắc Việt Nam đứng thứ 9, thấp hơn của Trung Quốc, Myanmar, Indonesia, cao hơn của Thái Lan, Malaysia, Philippines.
Tử vong do COVID-19 của Việt Nam tập trung ở đợt 4, trong khi 3 đợt dịch đầu tiên Việt Nam chỉ có 35 trường hợp tử vong trong tổng số gần 3.500 ca mắc (tỷ lệ tử vong trên số mắc khoảng 1%).
Hiện cũng có gần 68 triệu người trên 18 tuổi được tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin phòng COVID-19; hơn 45 triệu người tiêm đủ 2 liều vắc xin.
Theo Tiền Phong
Liên kết website
Ý kiến ()