Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 21:04 (GMT +7)
"Thủ phạm" khiến bạn uống nước đầy đủ nhưng cơ thể vẫn mất nước trong mùa hè
Thứ 2, 29/05/2023 | 15:32:42 [GMT +7] A A
Kể cả khi bạn uống nhiều nước vào mùa hè nhưng 3 lý do sau đây vẫn khiến bạn bị mất nước.
Gần 60% cơ thể con người được tạo thành từ nước. Nước không chỉ là chất cơ bản trong việc xây dựng tế bào mà còn rất quan trọng để điều chỉnh nhiệt độ cơ thể, tiêu hóa khỏe mạnh và cân bằng điện giải.
Khi cơ thể bạn không nhận được chất lỏng cần thiết, nó có thể bị mất nước, có thể biểu hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Các triệu chứng mất nước nhẹ thường bao gồm khô da, khô miệng, đi tiểu sẫm màu hoặc tiểu không thường xuyên, cảm thấy mệt mỏi và chóng mặt. Tuy nhiên, các biến chứng nghiêm trọng của tình trạng mất nước có thể bao gồm lú lẫn, ngất xỉu và thở nhanh cùng với nhịp tim tăng cao và sốc.
Ngăn ngừa mất nước là rất quan trọng để giúp đảm bảo cơ thể bạn cảm thấy và hoạt động tốt nhất. Mặc dù uống nước là một phần quan trọng để tránh bị mất nước nhưng đó không phải là yếu tố cần duy nhất. Dưới đây là 3 lý do tiềm ẩn đáng ngạc nhiên có thể khiến bạn bị mất nước vào mùa hè:
1. Giấc ngủ
Cho dù bạn ngủ 6 tiếng hay 10 tiếng mỗi ngày, kể cả ngủ quá nhiều và ngủ không đủ giấc đều có thể gây mất nước. Một nghiên cứu quan sát năm 2019 được công bố trên tạp chí Sleep cho thấy những người ngủ 6 tiếng hoặc ít hơn mỗi đêm có nguy cơ thiếu nước cao hơn những người ngủ 8 tiếng.
Điều này được giả thiết là do sự gián đoạn tín hiệu sinh học tự nhiên được gọi là vasopressin, báo cho cơ thể giữ nước vào cuối chu kỳ của giấc ngủ bình thường.
Hơn nữa, tác giả của nghiên cứu này cũng cho biết , cơ thể chúng ta luôn mất chất lỏng thông qua da và hô hấp, kể cả khi bạn nghỉ ngơi. Việc ngủ quá nhiều hiểu đơn giản là khiến cơ thể mất nước nhiều giờ hơn mà không được bổ sung.
Làm cách nào để biết bạn đã ngủ quá nhiều?
Đối với những người trưởng thành từ 18 đến 60 tuổi thường được các chuyên gia khuyến cáo rằng nên ngủ từ 7 đến 9 tiếng vào mỗi đêm. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp nhất định có thể cần ngủ nhiều hơn hoặc ít hơn mức trung bình để cơ thể cảm thấy tốt nhất.
Ngoài việc dựa trên thời gian ngủ vượt ngưỡng khuyến nghị thì những dấu hiệu sau đây cho thấy có thể bạn đã ngủ quá nhiều:
- Tình trạng đau lưng trầm trọng hơn do nằm liên tục trong thời gian dài với tư thế không lý tưởng dẫn tới đau cứng cơ lưng.
- Đau đầu và đau nửa đầu: Cơn đau xuất hiện khi ngủ quá nhiều khiến các chất dẫn truyền thần kinh trên não bị ảnh hưởng, trong đó có serotonin - đây cũng là lý do khiến bạn bị gián đoạn nhịp sinh học hàng ngày.
- Cơ thể uể oải cả ngày: Do đồng hồ sinh học phải điều chỉnh liên tục để phù hợp với thời gian ngủ vượt mức của bạn.
2. Ăn quá nhiều đường
Theo nghiên cứu thì ăn quá nhiều đường bổ sung có thể ảnh hưởng tới sức khỏe theo nhiều cách khác nhau như tăng tình trạng viêm và bao gồm cả quá trình hydrat hóa. Vào mùa hè, thói quen uốn soda nhiều đường là một trong những con đường khiến cơ thể bị mất nước nhanh hơn.
Cơ chế được giải thích là do lượng đường thêm vào quá mức khiến các tế bào phải đẩy nước vào lại cơ thể để hỗ trợ khôi phục lại sự cân bằng. Bạn sẽ đi tiểu thường xuyên hơn và cơ thể bị mất nước nhiều hơn.
Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Journal of Physiology Regulatory, Integrative and Comparative Physiology cho thấy việc bù nước bằng nước giải khát hoặc các loại nước uống nhiều đường bổ sung thực sự làm trầm trọng thêm tình trạng mất nước ở động vật và có liên quan tới các tổn thương tại thận. Nghiên cứu này đã cung cấp cái nhìn sâu sắc hơn dựa trên khoa học về soda, đường bổ sung và các tác động tiềm ẩn với quá trình hydrat hóa. Từ đó gợi mở các nghiên cứu chuyên sâu hơn trên người.
Làm cách nào để bạn biết mình đã ăn quá nhiều đường?
- Tăng cân: Đường có thể gây ra sự rối loạn trong quá trình trao đổi chất và thay đổi hệ sinh thái của hệ sinh vật trong đường ruột khiến việc điều chỉnh lượng đường trong máu bị ảnh hưởng. Hơn nữa, những thực phẩm có thêm đường tổng hợp có hàm lượng calo cao hơn và dinh dưỡng thấp hơn nếu tiêu thụ thường xuyên sẽ khiến bạn tăng cân.
- Các cơn đau mãn tính: Việc tiêu thụ các thực phẩm và đồ uống có nhiều đường theo thời gian dài có thể gây ra các cơn đau mãn tính và cứng khớp.
- Tăng cảm giác đói: Thức ăn có đường sẽ khiến bạn cảm thấy đói và muốn ăn nhiều hơn. Một vòng tuần hoàn sẽ lặp lại, cảm giác đói thôi thúc bạn ăn nhiều hơn và gây tăng cân.
- Huyết áo cao: Đường bổ sung làm tăng axit uric trong cơ thể do đó ức chế quá trình sản xuất oxit nitric (NO) cần thiết trong việc giúp mạch máu được mềm dẻo. Nếu NO trong cơ thể giảm, huyết áp sẽ tăng lên.
Ngoài các dấu hiệu trên bạn có thể xuất hiện các biểu hiện khác như mụn mọc nhiều hơn, đi tiểu thường xuyên hơn, cơ thể mệt mỏi do cơ thể không lưu trữ và hỗ trợ glucose đúng cách, các vết thương lâu lành hơn, hệ miễn dịch suy hiếu do hệ khuẩn đường ruột mất cân bằng, sâu răng, tăng cảm giác thèm ngọt,...
3. Uống rượu
Không quá ngạc nhiên khi uống rượu là nguyên nhân phổ biến gây mất nước, đặc biệt nếu bạn uống rượu với dạ dày rỗng hoặc trộn cùng các loại đồ uống khác. Theo một nghiên cứu năm 2018 được công bố trên Tạp chí Psychopharmacology, rượu có thể ức chế hormone vasopressin, loại hormone có tác dụng giữ nước trong cơ thể.
Khi uống rượu bạn sẽ đi tiểu nhiều hơn để loại bỏ cồn đồng thời điều này cũng khiến bạn mất nước nhanh hơn. Khi uống quá nhiều và ở trạng thái say rượu, cơ thể sẽ không nhận ra tín hiệu "tôi đã đi tiểu nhiều và cần uống nước". Chính vì thế khi uống rượu, điều quan trọng là bạn cần cung cấp đủ nước cho cơ thể và uống đúng mức khuyến nghị.
Nhìn chung là bạn cần đảm bảo cơ thể luôn được cung cấp nước đầy đủ, đặc biệt là với thời tiết mùa hè. Ngoài việc uống nước, cần giữ thói quen sinh hoạt lành mạnh như ngủ đúng giờ, hạn chế uống rượu bia quá mức, bổ sung các loại rau củ có hàm lượng nước cao vào chế độ ăn như dưa chuột, ớt chuông, rau diếp, cà chua, cam quýt hay các loại quả mọng khác,...
Theo phunuvietnam.vn
Liên kết website
Ý kiến ()