Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 15:40 (GMT +7)
Thu nhập chưa đủ chi tiêu, kế hoạch tăng lương 'tiến thoái lưỡng nan'
Thứ 3, 08/08/2023 | 22:54:34 [GMT +7] A A
"Bài toán" tăng lương bao nhiêu và khi nào tăng lại càng trở nên nóng hơn khi kết quả khảo sát tình hình đời sống, việc làm, tiền lương năm 2023 cho thấy cuộc sống của lao động còn rất khó khăn.
Thu nhập của người lao động cao hơn mức lương tối thiểu vùng những vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu chi tiêu, chăm sóc con cái... khiến người lao động không có tiền tích lũy, khi gặp khó khăn phải rút bảo hiểm xã hội một lần.
Đây là kết quả cuộc khảo sát tình hình đời sống, việc làm, tiền lương của người lao động năm 2023 do Ban Chính sách-Pháp luật và Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) phối hợp thực hiện và vừa được công bố hôm nay 8/8 tại Hà Nội. Cuộc khảo sát ý kiến gần 3.000 công nhân ở 6 tỉnh, thành phố.
75% thu nhập không đủ chi tiêu
Bà Phạm Thị Thu Lan, Phó viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn cho biết theo khảo sát tiền lương cơ bản hàng tháng của người lao động (làm đủ giờ công, ngày công, không bao gồm tiền làm thêm giờ) nhận được trung bình là khoảng 6 triệu đồng, tăng 8,4% so với khảo sát tháng 3/2022). Mức lương cơ bản này cao hơn tiền lương tối thiểu từ 37,5-51,9% (tùy theo từng vùng). Vẫn còn 3,5% người lao động nhận được mức lương cơ bản thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.
Thu nhập trung bình của người lao động được khảo sát đạt hơn 7,8 triệu đồng/tháng, trong đó tiền lương cơ bản chỉ chiếm 76,7% thu nhập hàng tháng của họ, 23,3% khác đến từ tiền làm thêm giờ và các khoản trợ cấp, phụ cấp của doanh nghiệp.
Trong số gần 3.000 người được khảo sát, chỉ có 24,5% người lao động cho biết tiền lương và thu nhập chỉ vừa đủ đáp ứng 100% chi tiêu cho cuộc sống, còn lại 75,5% người trả lời cho biết thu nhập hiện tại không đáp ứng đủ thu nhu cầu chi tiêu của họ, thậm chí có trường hợp thu nhập chỉ đáp ứng được 45% nhu cầu chi tiêu.
Bà Phạm Thị Thu Lan cho biết thêm chỉ có 8,1% người lao động có dư dật, tích lũy từ tiền lương và thu nhập; 11,2% không thể đủ sống và ngoài thời gian làm việc tại doanh nghiệp họ phải làm thêm việc khác để kiếm thêm thu nhập. Có 17,3% người lao động phải thường xuyên vay nợ dẫn đến 3,1% người lao động thường xuyên bị đe dọa, khủng bố và 45,2% người vay nợ có tâm trạng lo lắng bất an.
Do ít có tích luỹ, có 12,3% người lao động đã từng rút bảo hiểm xã hội một lần, số lần rút trung bình là 1,13 lần, trong đó người rút nhiều nhất là 4 lần.
Tiền lương cũng là nguyên nhân chính ảnh hưởng cuộc sống gia đình và chăm sóc con cái của người lao động. Có tới 17,6% người lao động không sống cùng con dưới 18 tuổi vì lý do tiền lương thấp và 2,2% người lao động chưa từng mua sữa công thức cho con dưới 6 tuổi và chỉ có 37,7% người lao động có tiền lương đủ để đảm bảo 100% nhu cầu học tập của con.
Chỉ có 26,2% người lao động được khảo sát có điều kiện để ăn thịt, cá trong các bữa ăn hàng ngày; 10,3% người lao động cho biết với thu nhập hiện nay họ ít khi (1 lần/tuần) có điều kiện để ăn thịt, cá trong bữa ăn tại gia đình. Người lao động ở vùng 1 phải bỏ ra một khoản tiền trung bình là 1,8 triệu đồng/tháng tiền thuê nhà (bao gồm cả điện nước), số tiền này chiếm 23,6% tiền lương và 17,9% thu nhập hàng tháng của người lao động.
Kết quả của cuộc khảo sát được công bố khi diễn ra chỉ một ngày ngay trước phiên họp về mức lương tối thiểu vùng năm 2024 của Hội đồng Tiền lương Quốc gia. Cuộc khảo sát đưa ra “bức tranh” về tiền lương, thu nhập cao hơn mức lương tối thiểu vùng năm 2023 nhưng người lao động vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu chi tiêu, chăm sóc con cái...
Tăng lương để bù trượt giá
"Bài toán" tăng lương bao nhiêu và khi nào tăng lại càng trở nên nóng hơn bao giờ hết, đặc biệt là trong khi các doanh nghiệp thâm dụng lao động cũng đang gặp nhiều khó khăn. Với các doanh nghiệp dệt may, thuỷ sản, ngành gỗ... duy trì được việc làm cho người lao động đã là một sự nỗ lực rất lớn ở thời điểm này, chưa nói đến vấn đề tăng lương.
Mức tăng và thời điểm tăng lương năm 2024 phải đảm bảo dung hòa đời sống cho người lao động và không phải là gánh nặng quá lớn với doanh nghiệp. Việc điều chỉnh tiền lương như thế nào dường như đang rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan.
Ông Nguyễn Thái Dương, Phó Chủ tịch Công đoàn Ngành Dệt may Việt Nam cho biết cán bộ công đoàn mong muốn người lao động có việc làm, tăng thu nhập song doanh nghiệp lại gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua. 6 tháng đầu năm, đơn giá gia công giảm hơn 30%, số công nhân mất việc lên đến hơn 600.000 người...
Theo Phó Chủ tịch Công đoàn dệt may Việt Nam, việc điều chỉnh tiền lương chủ yếu tăng lên phần tiền lương đóng bảo hiểm xã hội. Khoản này tăng lên nhưng nếu không có quỹ để tăng tiền lương thì doanh nghiệp phải tính toán nên có khi thu nhập của người lao động lại giảm đi.
Trong phiên đàm phán lương tối thiểu vùng tới đây, ông Dương cho rằng cần tính toán lương tối thiểu tăng bù trượt giá nhưng cũng cần cân nhắc, so sánh những yếu tố tác động tiêu cực của việc tăng lương như giá cả thị trường, tránh hiện tượng tăng lương chưa thấy đâu nhưng giá cả tăng lên rõ ràng ảnh hưởng cuộc sống của người lao động.
Vệ mức tăng lương, một chuyên gia về lao động cũng dự báo năm 2024 sẽ không thể 6% như năm 2022 và 2023 nhưng vẫn nên điều chỉnh để bù đắp trượt giá cho người lao động.
Về thời điểm tăng lương, bà Nguyễn Thị Lan Hưng, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học-Lao động và Xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho rằng chưa nên tăng lương tối thiểu trong năm tới bởi 6 tháng đầu năm 2024 bởi tình hình kinh tế chưa phục hồi, số lượng doanh nghiệp rời khỏi thị trường rất lớn.
"Hiện đa phần các doanh nghiệp đã trả lương cao hơn mức lương tối thiểu vùng nên không nhất thiết năm nào cũng phải tăng lương. Đúng là người lao động đang rất khó khăn nhưng nếu tăng lương quá cao thì doanh nghiệp không chịu được dẫn đến có thể phải cắt giảm thêm lao động, như vậy số lao động mất việc sẽ tiếp tục tăng lên," bà Hương chia sẻ./.
Theo Vietnam+
Liên kết website
Ý kiến ()