Chương trình thí điểm kéo dài 6 tháng này được tổ chức 4 Day Week Global kết hợp với đơn vị tư vấn Autonomy cùng các nhà nghiên cứu từ Đại học Cambridge, Đại học Oxford và Đại học Boston tiến hành.
Chương trình sẽ dựa theo mô hình 100:80:100, tức người tham gia được nhận 100% lương cho 80% thời gian làm việc, đổi lại họ cam kết duy trì 100% năng suất.
Các đơn vị tham gia thử nghiệm có nhiều công ty địa phương cũng như những tập đoàn tài chính lớn. Các công ty này hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau như dịch vụ giáo dục, tư vấn việc làm, nhà ở, thẩm mỹ, xây dựng, thực phẩm, tiếp thị số...
Joe O'Connor, giám đốc điều hành tổ chức phi lợi nhuận 4 Day Week Global, cho biết Anh đang ở đỉnh của làn sóng làm việc 4 ngày/tuần.
"Khi thoát khỏi đại dịch, ngày càng nhiều công ty nhận ra rằng chất lượng cuộc sống sẽ là yếu tố cạnh tranh mới, trong đó giảm thời gian làm việc, tập trung vào hiệu quả công việc là cách thức giúp họ giành lợi thế cạnh tranh", ông nhận định.
Juliet Schor, giáo sư xã hội học tại Đại học Boston, trưởng nhóm nghiên cứu, mô tả đây là "thử nghiệm lịch sử".
"Chúng tôi sẽ phân tích phản ứng của nhân viên khi có thêm một ngày nghỉ, trên các khía cạnh về mức độ hài lòng trong công việc và cuộc sống, sức khỏe, giấc ngủ, du lịch và các yếu tố khác", bà cho biết. "Chính sách làm 4 ngày/tuần được cho là giúp ích cho lao động, công ty và cả môi trường".
Ed Siegel, giám đốc điều hành của Charity Bank, cho biết họ tự hào là một trong những ngân hàng đầu tiên ở Anh áp dụng mô hình làm việc 4 ngày/tuần.
"Mô hình làm việc 5 ngày/tuần từ thế kỷ 20 không còn là lựa chọn phù hợp nhất cho các hoạt động kinh doanh ở thế kỷ 21. Chúng tôi tin rằng mô hình mới sẽ tạo ra một lực lượng lao động hạnh phúc hơn và tác động tích cực đến hiệu suất kinh doanh, trải nghiệm khách hàng và sứ mệnh xã hội của ngân hàng".
Các đợt thử nghiệm làm việc 4 ngày/tuần cũng sẽ được chính phủ Tây Ban Nha và Scotland tài trợ và tiến hành vào cuối năm nay.
Ý kiến ()