Tất cả chuyên mục

Còn hơn 20 ngày nữa sẽ kết thúc năm kế hoạch 2015, Quảng Ninh đang nỗ lực, căng mình hoàn thành nhiệm vụ thu - chi ngân sách. Tuy nhiên, đến thời điểm này có thể khẳng định, trong bối cảnh vô cùng khó khăn, nhưng Quảng Ninh đã duy trì và thực hiện đạt nhiều chỉ tiêu tăng trưởng, duy trì và giữ vững vị trí tốp đầu về thu ngân sách trong toàn quốc.
![]() |
Hoàn thiện sản phẩm tại Công ty TNHH Sản xuất nến cao cấp AIDI (KCN Cái Lân). |
Khó chồng khó
Trước khi bước vào thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015, các chuyên gia kinh tế đều nhận định thị trường đã hồi phục nhưng còn chậm, Quảng Ninh tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt là khó khăn trong thu xuất nhập khẩu (XNK), ước thực hiện cả năm đạt 13.700 tỷ đồng (chiếm 41% tổng thu NSNN trên địa bàn), bằng 69% dự toán. Hụt thu 6.100 tỷ đồng so với dự toán giao đầu năm. Nguyên nhân là do số thu thuế XNK phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: thị trường thế giới, chính sách điều hành, thay đổi chính sách biên mậu và chính sách thuế của nhà nước đối với các nhóm mặt hàng nhập khẩu như xăng, dầu, ô tô nguyên chiếc và than xuất khẩu.
Cụ thể như thu NSNN đối với xăng, dầu nhập khẩu giảm là do thực hiện các Thông tư của Bộ Tài chính về việc sửa đổi mức thuế ưu đãi của mặt hàng xăng dầu, thuế suất ưu đãi giảm dần từ đầu năm đến nay. Thuế suất ưu đãi đặc biệt mặt hàng xăng dầu nhập khẩu từ Asean giảm mạnh so với cùng kỳ (từ 14-15% giảm còn 0-5%), giá xăng dầu ở mức thấp, xấp xỉ 400-600 USD/tấn so với cùng kỳ năm 2014 đều trên 1.000 USD/tấn. Dự kiến số thu thuế nhập khẩu xăng dầu qua cảng B12 năm 2015 đạt 6.207.
Đối với mặt hàng than xuất khẩu, do thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc dừng xuất than cám từ năm 2015 dẫn đến sản lượng than xuất khẩu giảm. Căn cứ kế hoạch xuất khẩu than của TKV, Công ty PT Vietmindo Energitama và Tổng Công ty Đông Bắc ước thực hiện năm 2015 số thu thuế xuất khẩu từ mặt hàng này đạt 522 tỷ đồng.
Mặc dù số thu từ mặt hàng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu tăng, nhiều mặt hàng đóng góp vào số thu xuất, nhập khẩu và đảm bảo tăng trưởng vào ngân sách, tuy nhiên số thu không bù đắp được số giảm thu từ các mặt hàng chủ lực gây ra.
Khó chồng khó, trận mưa lụt lịch sử vào cuối tháng 7, đầu tháng 8 đã làm Quảng Ninh thiệt hại 2.700 tỷ đồng, trong đó ngành Than - đơn vị đóng góp 50% số thu nội địa bị thiệt hại 1.200 tỷ đồng. Tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng trầm trọng. Việc điều chỉnh giảm giá mua điện trong quý I của Tập đoàn Điện lực, việc dừng hoạt động tổ máy số 1 của Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí vì công nghệ, thiết bị lạc hậu gây tác động tiêu cực đến môi trường cũng làm ảnh hưởng lớn đến số thu ngân sách, nên thu từ doanh nghiệp nhà nước trung ương hụt 294 tỷ đồng. Đối với nguồn thu từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 995 tỷ đồng, hụt 115 tỷ đồng. Nguyên nhân do số thu từ các nhà thầu giảm 100 tỷ đồng vì công tác đầu tư dự án FDI đã hoàn thành...
Bên cạnh đó, lĩnh vực xây dựng, bất động sản vẫn chưa hồi phục, tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản cũng ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Mặt khác do ảnh hưởng của chính sách biên mậu phía Trung Quốc nên số lượng hàng hoá XNK qua cửa khẩu Móng Cái giảm, dẫn tới các dịch vụ đi kèm cũng giảm theo. Hoạt động dịch vụ du lịch có tăng nhưng khách lưu trú qua đêm ít… Đây chính là những nguyên nhân gây khó khăn cho thu ngân sách mà tỉnh đã nỗ lực để vượt qua
![]() |
Khai thác than ở Công ty CP Than Mông Dương. |
Thành công từ nỗ lực thu nội địa
Theo ông Vũ Đình Xứng, Trưởng Phòng Kế hoạch Ngân sách, Sở Tài chính, khó khăn là vậy nhưng với sự đồng thuận, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, bám sát chỉ đạo của Trung ương, Nghị quyết của Tỉnh uỷ, HĐND tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội, thu chi ngân sách nhà nước năm 2015, nhiều khoản thu đã đạt và vượt mức tăng trưởng. Thu NSNN trên địa bàn ước thực hiện năm 2015 đạt 33.350 tỷ đồng, bằng 91% dự toán, tăng 0,4% so cùng kỳ. Trong đó thu nội địa đạt cao nhất từ trước đến nay đã phần nào bù đắp cho phần hụt thu XNK, ước thực hiện cả năm đạt 19.650 tỷ đồng (chiếm 59% tổng thu NSNN trên địa bàn), tăng 17% dự toán (tương đương tăng 2.820 tỷ đồng).
Mặc dù thu từ doanh nghiệp nhà nước Trung ương ước chỉ thực hiện được 8.578 tỷ đồng, đạt 97% dự toán do ảnh hưởng của mưa lũ, đặc biệt là ngành Than nhưng ước thực hiện cả năm sản lượng tiêu thụ than vẫn đạt 45,5 triệu tấn, trong đó riêng tiêu thụ nội địa là 43,9 triệu tấn, giá bán than cho điện cũng được điều chỉnh theo giá thị trường nên ngành Than vẫn có đóng góp lớn vào thu ngân sách trên địa bàn với khoảng 8.546 tỷ đồng, chiếm gần 50% số thu nội địa. Trong đó có 2 chỉ tiêu vượt nhiều so với dự toán là thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản tăng 1.600 tỷ và thuế bảo vệ môi trường tăng 260 tỷ đồng. Thu cấp quyền khai thác khoáng sản ước thực hiện 2.355 tỷ đồng, tăng 1.580 tỷ, tăng 304% dự toán.
Trước bối cảnh một năm tình hình kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn nhưng nguồn thu trong khối doanh nghiệp vẫn có sự tăng trưởng. Khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh, ước thực hiện 1.560 tỷ đồng, tăng 10 tỷ, vượt 0,1% dự toán. Đặc biệt, thu ngân sách khối huyện, thị xã, thành phố ước thực hiện 6.530 tỷ đồng, tăng 299 tỷ đồng, vượt 4% dự toán, chiếm 33% tổng thu nội địa toàn tỉnh. Dự kiến hết năm 12/14 địa phương sẽ hoàn thành và vượt dự toán được giao. Cụ thể như: Vân Đồn 156%, Hải Hà 147%, Ba Chẽ 146%, Bình Liêu 139%, Hoành Bồ và Cô Tô 136%, Quảng Yên 124%, Móng Cái 115%, Hạ Long 113%, Cẩm Phả và Đầm Hà 105%. Kết quả này không những thể hiện sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, các ngành, địa phương trong công tác tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, mà còn thể hiện rõ công tác quản lý, đôn đốc thu nợ được thực hiện quyết liệt.
Đặc biệt, thu từ tiền sử dụng đất ước đạt 1.400 tỷ đồng, tăng 522 tỷ đồng, vượt 59% dự toán. Đây là con số thể hiện sự vào cuộc tích cực của tỉnh và các cấp, ngành. Bởi thực tế khoản thu này còn gặp rất nhiều khó khăn do bất động sản đóng băng, nhiều dự án bỏ ngỏ, tiền nợ thuế sử dụng đất tăng cao. Tuy nhiên, tỉnh đã thực hiện quyết liệt các biện pháp như cưỡng chế nợ thuế, công khai danh sách các đơn vị nợ thuế trên phương tiện truyền thông đại chúng, thu hồi các dự án kém hiệu quả, sai mục đích theo luật định và giao cho nhà đầu tư khác có năng lực nên đã góp phần tăng thu tiền sử dụng đất.
Một số khoản thu như lệ phí trước bạ ước đạt 485 tỷ đồng, tăng 135 tỷ đồng, vượt 39% dự toán; thu thuế thu nhập cá nhân ước đạt 380 tỷ đồng, tăng 20 tỷ, vượt 6% dự toán; thu phí và lệ phí ước 1.450 tỷ đồng, tăng 185 tỷ, vượt 15% dự toán, trong đó thu từ Vịnh Hạ Long tăng 35 tỷ đồng; thuế bảo vệ môi trường ước đạt 1.418 tỷ đồng, tăng 493 tỷ đồng.
Vượt khó, đảm bảo tăng trưởng nhiều chỉ tiêu trong thu NSNN trên địa bàn. Đây là cơ sở quan trọng để tỉnh có thêm nguồn lực triển khai các dự án động lực, đảm bảo an sinh xã hội và tạo tiền đề để triển khai các nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2016.
Thanh Hằng - Lê Hải
Bài 2: Linh hoạt trong điều hành thu - chi ngân sách
Ý kiến ()