Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 19:54 (GMT +7)
Thu ngân sách: Khai thác hiệu quả dư địa từ các ngành, lĩnh vực
Thứ 6, 09/07/2021 | 08:47:16 [GMT +7] A A
Để đảm bảo số thu ngân sách Nhà nước (NSNN) cả năm 2021 theo dự toán, cùng với việc tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, các ngành chức năng, địa phương trong tỉnh đang tập trung nuôi dưỡng và khai thác hiệu quả dư địa thu từ các ngành, lĩnh vực nhiều tiềm năng phát triển trong giai đoạn này.
Diễn biến phức tạp từ dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn tới tăng trưởng của nền kinh tế, điều này cũng đã tác động lớn tới số thu NSNN. Theo báo cáo của Sở Tài chính, tổng thu NSNN trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm 2021 đạt 22.868 tỷ đồng, bằng 45% dự toán năm 2021, bằng 92% cùng kỳ năm 2020, bằng 96% kịch bản thu 6 tháng.
Trong đó, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu chỉ đạt 4.900 tỷ đồng, bằng 41% dự toán, bằng 73% cùng kỳ, bằng 76% kịch bản (hụt khoảng 1.553 tỷ đồng). Một số khoản thu chiếm tỷ trọng lớn trong thu xuất nhập khẩu giảm mạnh. Đơn cử như thu từ xăng dầu nhập khẩu đạt 1.250 tỷ đồng, bằng 66% so với cùng kỳ. Nguyên nhân do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động sản xuất kinh doanh, vận tải bị ngừng trệ, nhu cầu tiêu thụ xăng dầu giảm; Tập đoàn xăng dầu Việt Nam giảm lượng nhập khẩu để tiêu thụ thành phẩm của các nhà máy lọc hóa dầu trong nước theo điều hành của Chính phủ.
Khoản thu từ than nhập khẩu 6 tháng qua cũng chỉ ước đạt 750 tỷ đồng, bằng 31% so với cùng kỳ. Nguyên nhân giảm do lượng than tồn kho nhiều, trong khi nhu cầu sử dụng than sản xuất điện giảm, dẫn đến lượng than nhập khẩu năm 2021 giảm mạnh so với năm 2020; mặt khác giá than trên thị trường thế giới có xu hướng tăng nên hạn chế nhập khẩu. Hay đối với khoản thu từ nguyên liệu sản xuất dầu thực vật nhập khẩu ước đạt 105 tỷ đồng, bằng 78% so với cùng kỳ; nguyên nhân do hiện nay doanh nghiệp có xu hướng sử dụng nguyên liệu trong nước thay thế nguyên liệu nhập khẩu do đã đáp ứng được về chất lượng, dẫn tới nhu cầu nhập khẩu giảm.
Đối với số thu nội địa 6 tháng đầu năm đạt 17.968 tỷ đồng, bằng 46% dự toán, bằng 99% cùng kỳ, tăng 2,9% kịch bản (tăng 507 tỷ đồng). Trong đó, chỉ có 6/17 khoản thu đạt tốc độ thu bình quân (50%), còn lại không đạt tốc độ thu bình quân.
Một số khoản thu lớn không đạt tốc độ dự toán, như thu từ doanh nghiệp Nhà nước do Trung ương quản lý đạt 6.516 tỷ đồng, bằng 46% dự toán, bằng 87% cùng kỳ. Theo phân tích của cơ quan Thuế, nguyên nhân là do sản lượng than khai thác và tiêu thụ tại Quảng Ninh của TKV thấp hơn so với cùng kỳ (sản lượng than khai thác ước bằng 94%, than thành phẩm ước bằng 93% cùng kỳ, than tiêu thụ ước bằng 88% cùng kỳ); lợi nhuận năm 2020 của TKV không đạt kế hoạch dự kiến nên số thuế nộp trong năm 2021 giảm. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp cổ phần thuộc TKV được bù trừ số đã nộp của năm 2017, 2018 trong vòng 5 năm (ước tính 89 tỷ đồng) do tính lại chi phí lãi vay ngân hàng theo Nghị định số 68/2019/NĐ-CP, dẫn đến thuế thu nhập doanh nghiệp giảm. Hay như số thu từ doanh nghiệp đầu tư nước ngoài 6 tháng thực hiện 723 tỷ đồng, bằng 48% dự toán, bằng 82% cùng kỳ. Nguyên nhân số thu không đạt tốc độ thu bình quân do số thu từ Công ty nhiệt điện AES-TKV giảm do sản lượng điện thương phẩm đạt thấp (ước 6 tháng đầu năm nộp 271 tỷ đồng, giảm 40 tỷ đồng so cùng kỳ); số thu từ doanh nghiệp kinh doanh casino gần như không phát sinh do không có khách nước ngoài. Khoản thu phí, lệ phí cũng không đạt tốc độ thu bình quân. Trong đó, riêng về phí tham quan Vịnh Hạ Long ước đạt 6 tỷ đồng, bằng 1% dự toán, bằng 5% cùng kỳ.
Về thu khối địa phương, có 1/13 địa phương đã hoàn thành dự toán thu năm 2021 là Cô Tô; 6/13 địa phương đạt và vượt tiến độ thu bình quân (Quảng Yên 81%; Đầm Hà 71%, Ba Chẽ 70%; Uông Bí 58%; Đông Triều 59%, Bình Liêu 58%); 7/13 địa phương không đạt tiến độ bình quân.
Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Cao Ngọc Tuấn cho biết: Để đảm bảo số thu NSNN cả năm 2021, áp lực thu dồn về 6 tháng cuối năm rất lớn, do còn nhiều khoản thu chưa đạt tốc độ thu theo tiến độ đặt ra. Hiện ngành Thuế đang tập trung triển khai các giải pháp nhằm khai thác nguồn thu mới để bù đắp được các khoản giảm thu, thất thu ở ngành dịch vụ, du lịch và các ngành kinh tế khác. Tiếp tục siết chặt quản lý các khoản thuế, phí từ hoạt động kinh doanh, sử dụng, tiêu thụ xăng dầu trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, các sở, ngành chức năng, UBND các địa phương phối hợp cùng ngành Thuế xây dựng kế hoạch, kịch bản cụ thể về thu ngân sách các khoản thu từ đất theo từng tháng gắn với từng dự án, ô đất, thửa đất cụ thể; các khoản thu thuế, phí từ nguồn đất đá thải mỏ sử dụng để san lấp mặt bằng các dự án theo hướng đề xuất cấp có thẩm quyền đối với từng dự án cụ thể.
Được biết, theo chỉ đạo của tỉnh, việc cấp ngân sách cũng đang tập trung rà soát, cân đối thu - chi, cắt giảm tối đa các khoản chi chưa thực sự cấp bách. Quản lý đầu tư công sẽ tiếp tục được siết chặt, người đứng đầu các sở, ngành, địa phương, các chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm và trực tiếp phụ trách chỉ đạo, kiểm tra, rà soát tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đối với từng dự án cụ thể, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, nhất là về thủ tục hành chính, GPMB, thủ tục nghiệm thu, thanh quyết toán vốn đầu tư... Theo đó, sau ngày 30/6/2021, địa phương, đơn vị nào chưa phân khai hết phần vốn ngân sách tỉnh hỗ trợ cho các địa phương, tỉnh sẽ thu hồi và điều chuyển kế hoạch vốn cho những công trình, dự án trọng điểm khác có nhu cầu; đồng thời rà soát, kiểm điểm trách nhiệm các chủ đầu tư, các sở, ngành, địa phương liên quan. Đây cũng được coi là giải pháp hữu hiệu nhằm phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư ngân sách, thúc đẩy các công trình, dự án trọng điểm sớm hoàn thiện, đi vào hoạt động, tạo động lực thu hút đầu tư các dự án mới, đóng góp nguồn thu cho ngân sách địa phương thời gian tới…
Hồng Nhung
Liên kết website
Ý kiến ()