Theo Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội, đây là kết quả sau ba đợt thi đầu tiên, tổ chức ở 10 tỉnh, thành phố.
Điểm trung bình của tất cả thí sinh là 77,2 và trung vị là 77.
Số thí sinh đạt từ 110 điểm trở lên chiếm gần 1%; từ 100 điểm trở lên chiếm 5,4%. Khoảng 56,4% thí sinh đạt từ 75 điểm trở lên. Đây là mức sàn được nhiều trường đại học dùng để xét tuyển. So với năm ngoái, phân bố điểm thi ba đợt này hầu như không thay đổi.
"Với phổ điểm theo phân phối chuẩn, các trường tương đối thuận tiện để xây dựng ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào cũng như điểm chuẩn xét tuyển", lãnh đạo Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội đánh giá.
Năm 2024, kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội (HSA) ghi nhận gần 105.000 lượt đăng ký. Ba đợt thi còn lại trong mùa tuyển sinh năm nay diễn ra vào 11-12/5, 26/5 và 1-2/6 tại 11 tỉnh, thành, gồm Hà Nội, Thái Nguyên, Hưng Yên, Hải Dương, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.
Bài thi HSA được làm trên máy tính trong 195 đến 199 phút, điểm tối đa là 150. Thí sinh biết điểm ngay sau khi làm bài.
Đề gồm ba phần với các câu hỏi trắc nghiệm khách quan (lựa chọn đáp án), câu hỏi điền đáp án ở lĩnh vực Toán học (50 câu, 75 phút), Văn học - Ngôn ngữ (50 câu, 60 phút), Khoa học tự nhiên - xã hội (50 câu, 60 phút). Phần 1 và 3 sẽ có thêm 1-3 câu hỏi thử nghiệm, không tính điểm.
Đến lúc này, 90 trường công bố sử dụng điểm thi HSA để xét tuyển đầu vào. Trong đó, 17 trường quân đội lần đầu sử dụng điểm kỳ thi này.
Điểm bài thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội không giới hạn thời gian sử dụng. Tuy nhiên, Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội khuyến nghị các trường xét kết quả này trong tối đa 24 tháng kể từ ngày thi.
Ý kiến ()