Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 17:40 (GMT +7)
Thu hút nhiều đề tài trong lĩnh vực y tế
Thứ 3, 17/10/2023 | 12:42:08 [GMT +7] A A
Tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật hằng năm, lĩnh vực y tế luôn thu hút đông đảo các đề tài, nghiên cứu, giải pháp của các y, bác sĩ tham gia. Năm nay, lĩnh vực y tế tiếp tục thu hút số lượng lớn nhất với 28 đề tài tham gia. Qua đó, góp phần quan trọng đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh, nâng cao chất lượng y tế, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Mô hình phòng sinh thân thiện là một trong những đề tài của nhóm tác giả Bùi Minh Cường, Hoàng Đăng Hùng, Nguyễn Văn Khanh, Đỗ Thị Phượng (Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh) tham gia Hội thi Sáng tạo kỹ thuật lần thứ IX. Mô hình cung cấp môi trường phòng sinh cho phép sản phụ và em bé ở lại với nhau, chăm sóc sản phụ dựa trên sự tôn trọng và giao tiếp có hiệu quả, đồng hành cùng sản phụ xuyên suốt quá trình chuyển dạ, giảm đau tại phòng sinh; khuyến khích thay đổi tư thế trong quá trình chuyển dạ, da kề da sớm và liên tục, cho con bú sớm... Các sản phụ còn được tham gia lớp tiền sản miễn phí nhằm cung cấp đầy đủ thông tin, kiến thức, kỹ năng cần thiết.
Trên cơ sở điều kiện thực tế tại đơn vị, nhóm tác giả đã triển khai thí điểm mô hình từ năm 2019 đến hết năm 2022 với 14.052 sản phụ tham gia, tương đương hơn 50% số sản phụ đến sinh tại Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh. Nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe sinh sản, từ tháng 5/2023, mô hình phòng sinh thân thiện đã được đưa vào hoạt động chính thức.
Qua thực tế của mô hình cho thấy, tỷ lệ đẻ thường, da kề da, trẻ bú sớm đều tăng mạnh. Phần lớn sản phụ tham gia mô hình đều hài lòng. Bác sĩ CKII Bùi Minh Cường, Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh, cho biết: Mô hình phòng sinh thân thiện tại Bệnh viện là mô hình đầu tiên trên địa bàn tỉnh. Đây là mô hình hoàn thiện từ môi trường phòng sinh, giao tiếp, hướng dẫn giảm đau... dựa trên hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới WHO về hướng dẫn chăm sóc tích cực cho mẹ và con trong chuyển dạ. Mô hình có thể áp dụng tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh.
Do nhiều nguyên nhân khác nhau, bệnh lý tân mạch võng mạc và phù hoàng điểm ngày càng gia tăng gây khó khăn trong sinh hoạt, mất khả năng lao động, lo âu... của người bệnh. Việc chẩn đoán, phát hiện, điều trị sớm là cần thiết để mang lại thị lực tốt cho người bệnh. Trong khi đó, kỹ thuật tiêm nội nhãn đã được thực hiện hiệu quả tại các bệnh viện tuyến Trung ương. Do đó, các bác sĩ của Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển gồm Nguyễn Thị Hồng Hoa, Nguyễn Ngân Hà, Nguyễn Thị Thúy đã đề xuất, triển khai, tham gia hội thi lần này với giải pháp ứng dụng kỹ thuật tiêm nội nhãn điều trị tân mạch hắc võng mạc. Giải pháp này giúp tăng thị lực cho người, hạn chế chi phí điều trị, giảm tỷ lệ bỏ điều trị.
Sáng kiến này đã được triển khai tại Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển từ tháng 7/2021 đến nay với 90 bệnh nhân với 295 lượt tiêm. Theo đó, các y, bác sĩ sẽ sử dụng kỹ thuật đưa thuốc vào buồng dịch kính, qua đó, cải thiện đáng kể thị lực. Đây là kỹ thuật đơn giản, thời gian thực hiện ngắn, chi phí điều trị thấp. Sáng kiến được bệnh viện ký kết hợp tác chuyển giao, tuyên truyền, phổ biến tới cộng đồng và các cơ sở y tế.
Cùng với hai đề tài trên, nhiều sáng kiến có ý nghĩa khoa học, thực tiễn cao, khả năng áp dụng rộng rãi đã tham gia hội thi năm nay. Bác sĩ Ngô Quang Chức, Trưởng Khoa Chẩn đoán hình ảnh (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) cho biết: Hội thi Sáng tạo kỹ thuật là sân chơi giúp các y, bác sĩ và những người nghiên cứu khoa học giao lưu, học hỏi, chia sẻ sáng kiến. Đây còn là động lực quan trọng để chúng tôi không ngừng tìm tòi, nghiên cứu, sáng tạo các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực y tế, từ đó, kịp thời cứu chữa bệnh nhân, giảm thiểu chi phí cho người bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đồng thời, tạo nền tảng để chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh với một mục tiêu duy nhất đó là tất cả vì nhân dân.
Cao Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()