Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 17:13 (GMT +7)
Thu hút đầu tư vào nông nghiệp
Thứ 4, 02/03/2022 | 11:33:06 [GMT +7] A A
Thực hiện mục tiêu hiện đại hoá ngành nông nghiệp, thời gian qua, TP Uông Bí đã dành nhiều nguồn lực đầu tư phát triển nông nghiệp, trong đó chú trọng triển khai các đề án, kế hoạch thực hiện nhiệm vụ phát triển khoa học công nghệ (KHCN) trong lĩnh vực nông nghiệp; chuyển đổi cơ cấu theo hướng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung...
Với sự định hướng và đầu tư đúng đắn, TP Uông Bí đã sớm hình thành các vùng cây trồng tập trung; sớm có khu giết mổ tập trung đạt chuẩn hiện đại cùng hàng loạt mô hình chăn nuôi, trồng trọt quy mô, giàu hàm lượng KHCN, giá trị lớn, đáp ứng đúng xu hướng thị trường. Đến nay, trên địa bàn thành phố đã hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung trù phú áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp VietGAP; nhiều giống cây, con giống bản địa một thời có nguy cơ bị mất, thì nay, được nhân rộng. Điển hình như vùng trồng cây mơ lông Yên Tử, các loại dược liệu dưới tán trong núi Yên Tử, gà ri thuần, gà ri vàng rơm, khoai lang 2 nước; cùng các mô hình dưa lưới, bưởi Phúc Kiến, ổi, lê Đài Loan, súp lơ chịu nhiệt, cúc kim cương... Đây cũng là cơ sở để Uông Bí phát triển ổn định với hàng chục sản phẩm OCOP có tiếng ở địa phương, như: Vải chín sớm Phương Nam, nước mơ, rượu mơ, thanh long ruột đỏ, các sản phẩm dược liệu Yên Tử...
Để duy trì và phát triển nông nghiệp bền vững, góp phần tích cực cho phát triển KT-XH địa phương, trước thực tế diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, ngay đầu năm nay, thành phố đã tập trung triển khai kế hoạch thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn TP Uông Bí năm 2022. Trong đó, thành phố đặt mục tiêu từng bước hình thành các vùng sản xuất cây trồng hàng hóa tập trung ổn định với quy mô lớn; phát triển vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi liên kết giá trị. Đồng thời mở rộng sản xuất trồng trọt theo hướng VietGAP đối với các vùng trồng vải chín sớm, thanh long ruột đỏ, rau, dứa, ổi, na, mai vàng Yên Tử, mơ lông Yên Tử. Thành phố cũng tập trung phát triển các mô hình nhà vườn, trang trại gắn với du lịch sinh thái và phát triển các nông sản có thương hiệu gắn với ngành du lịch của địa phương. Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục tập trung nâng cao chất lượng rừng trồng gỗ lớn, ưu tiên cây bản địa đa mục đích đã được tỉnh phê duyệt như: Lim xanh, giổi, lát hoa...
Trong nuôi trồng thuỷ sản, TP Uông Bí phát triển các vùng nuôi trồng tập trung, ưu tiên phát triển nuôi công nghiệp đối với các đối tượng thủy sản chủ lực như tôm thẻ chân trắng, cá nước ngọt, đồng thời đa dạng hoá các loại như cá rô đồng, cá nheo, rươi... Đặc biệt, đối với vùng nuôi trồng thủy sản tập trung đã được phê duyệt, thành phố đẩy mạnh phối hợp với các nhà đầu tư hoàn thiện và vận hành ổn định khu nuôi trồng thủy sản tập trung tại phường Trưng Vương; xây dựng dự án nuôi cá rô phi gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm, với quy mô mặt nước khoảng 5ha...
Theo kế hoạch, trong năm nay thành phố triển khai 4 dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; 1 dự án trồng rừng cây gỗ lớn bản địa (lim, giổi, lát)... nhằm ứng dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật trong sản xuất nâng cao chất lượng sản phẩm; tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị; phát triển liên kết giữa người sản xuất với HTX, tổ hợp tác, doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, từng bước tạo ra vùng sản xuất nông nghiệp tập trung có hiệu quả cao.
Cùng với đó, thành phố triển khai 6 mô hình, dự án khuyến nông, như: Khảo nghiệm giống lúa mới ST25; trồng thử nghiệm cây mắc ca, na QN-D1; nuôi ngan đen thương phẩm, bò sinh sản bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo, nuôi cá nheo Mỹ... Qua đó, nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mở rộng sản xuất các đối tượng mới, phù hợp với nhu cầu tiêu dùng; nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.
Với những định hướng của thành phố, cũng như các chương trình hỗ trợ tại địa phương đã khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp vào địa bàn.
Anh Đoàn Quang Ngọc (khu Tân Lập 2, phường Phương Đông, TP Uông Bí), cho biết: Năm 2015, được địa phương hỗ trợ giống và kỹ thuật trồng trọt, tôi đã đầu tư mô hình thanh long ruột đỏ; đến nay, đã phát riển diện tích trồng trên 4ha. Tôi mới đầu tư trên 500 triệu đồng, lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng nhân tạo cho vườn thanh long. Với kỹ thuật này, thanh long phát triển và cho năng suất cao, doanh thu trên 2 tỷ đồng/năm. Hiện, gia đình đang nghiên cứu để tiếp tục mở rộng 25ha trồng thanh long tập trung trong thời gian tới.
Mới đây, Công ty TNHH MTV Musa Pacta tại TP Hà Nội cũng có buổi làm việc với TP Uông Bí về đề xuất triển khai dự án “Công viên bảo tồn sinh thái chuối Việt - Musa Park”. Dự án “Công viên bảo tồn sinh thái chuối Việt - Musa Park” có quy mô hơn 300 loài chuối, diện tích 9-20ha, tổng vốn đầu tư 400 tỷ đồng, chia làm 2 giai đoạn; trong đó, giai đoạn 1 có thể triển khai ngay đầu năm 2022. Dự án hướng tới bảo vệ môi trường, giảm khí thải nhà kính, phát triển du lịch bền vững, phát triển nền nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn.
Nguyễn Huế
Liên kết website
Ý kiến ()