Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:23 (GMT +7)
Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn
Thứ 5, 23/11/2023 | 14:18:48 [GMT +7] A A
Trên cơ sở Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 80/QĐ-TTG (ngày 11/2/2023), tỉnh quan tâm kết hợp phát huy lợi thế về điều kiện tự nhiên và ban hành nhiều chính sách thu hút đầu tư nhằm đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn gắn với phát triển nông nghiệp, phát triển công nghiệp, dịch vụ.
Những năm qua, Quảng Ninh đã tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến nông sản, tạo vùng nguyên liệu, giải phóng mặt bằng; có cơ chế và chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư trang thiết bị phục vụ sản xuất... Nhiều nhà đầu tư đã mạnh dạn triển khai các dự án trọng điểm, trong đó có các dự án quy mô lớn trong bảo quản, chế biến nông sản, góp phần nâng cao giá trị và tạo đầu ra bền vững cho nông sản địa phương, như: Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Đông Triều của Tập đoàn Vingroup; chăn nuôi bò thịt của Công ty CP Phú Lâm; mở rộng phát triển chăn nuôi của Công ty Thiên Thuận Tường; sản xuất giống công nghệ cao và nuôi thực nghiệm giống hải sản tại huyện Đầm Hà của Công ty BIM; khu phức hợp sản xuất giống, nuôi tôm thương phẩm siêu thâm canh công nghệ cao, chế biến thức ăn và chế biến thủy sản tại huyện Đầm Hà của Tập đoàn Việt Úc; Công ty CP Thủy sản BNA Ba Chẽ đầu tư nhà máy chế biến thủy sản tại Cụm Công nghiệp Nam Sơn; Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Công ty TNHH Đầu tư sản xuất phát triển nông nghiệp VinEco (Tập đoàn Vingroup); chăn nuôi bò sữa của Công ty CP Sữa An Sinh... Hiện tỉnh đang hỗ trợ Tập đoàn TH triển khai đầu tư Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chăn nuôi bò sữa tập trung và liên kết với người dân tại Đầm Hà, với diện tích trên 300ha.
Cùng với đó, tại các địa phương trong tỉnh cũng nhân rộng mô hình du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; hình thành và phát triển các cơ sở sản xuất nông nghiệp kết hợp với du lịch hấp dẫn, như: Mô hình du lịch trải nghiệm làng quê Yên Đức, làng gốm Đông Triều (TX Đông Triều); làng chài Cửa Vạn (TP Hạ Long); Lễ hội hoa sở Bình Liêu (huyện Bình Liêu); Trà hoa vàng Ba Chẽ (huyện Ba Chẽ); đồng chè Hải Hà (huyện Hải Hà)... Những mô hình, cách làm sáng tạo của Quảng Ninh đã tạo sản ra phẩm mang thương hiệu, góp phần gìn giữ nét văn hóa đặc trưng mỗi vùng miền, đồng thời tạo điểm nhấn, sức hút cho du lịch Quảng Ninh... Chị Trần Thị Hương (quận Đống Đa, TP Hà Nội) cho biết: Mấy năm gần đây, trường con tôi chọn Quảng Ninh để tổ chức các hoạt động trải nghiệm cho học sinh. Được tham gia cùng đoàn, tôi thấy những mô hình du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng của Quảng Ninh khá hấp dẫn, thân thiện gần gũi với thiên nhiên, con người, gắn kết với những đặc trưng nổi bật của mỗi vùng miền, mang đến cho các cháu những trải nghiệm rất hữu ích; từ đó thêm hiểu biết, gắn bó với thiên nhiên...
Cùng với đó, tỉnh cũng đang triển khai hiệu quả Đề án phát triển du lịch cộng đồng bền vững, trong đó quan tâm công tác bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống, nhất là bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số và phát huy giá trị các di tích văn hóa - lịch sử, danh lam thắng cảnh. Đề án được phát triển theo hướng đa dạng, chuyên nghiệp, có tính liên kết và kết nối chặt chẽ thông qua sự hấp dẫn của những sản phẩm đặc thù, đặc trưng riêng, góp phần thúc đẩy du lịch phát triển...
Đồng thời, tỉnh tiếp tục rà soát địa điểm xây dựng 4 làng dân tộc thiểu số, gắn với phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, góp phần phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế du lịch các địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới của tỉnh. Đó là: Làng người Dao ở thôn Pò Hèn, xã Hải Sơn (TP Móng Cái), làng người Tày ở thôn Bản Cáu, xã Lục Hồn và làng người Sán Chỉ ở thôn Lục Ngù, xã Húc Động (huyện Bình Liêu), làng người Sán Dìu ở thôn Vòng Tre, xã Bình Dân (huyện Vân Đồn). Việc hình thành các làng văn hóa sẽ trở thành những “bảo tàng sống” nhằm tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc thiểu số, gắn với phát triển du lịch bền vững.
Hiện nay các địa phương có giải pháp cụ thể để phát huy mạnh mẽ thế mạnh của địa phương. Trong đó, quan tâm triển khai các cơ chế, chính sách, quy hoạch du lịch theo quy định, huy động tối đa nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế du lịch; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phục vụ phát triển kinh tế du lịch; nâng cao chất lượng và phát triển các sản phẩm du lịch, ưu tiên các sản phẩm du lịch đặc trưng... Đồng thời, phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp lữ hành xây dựng các tour du lịch theo các tuyến du lịch nội vùng và ngoại vùng; đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp du lịch đầu tư các tổ hợp nghỉ dưỡng, resort, khách sạn quy mô lớn để nâng cao công suất phục vụ, kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch; khuyến khích các cá nhân, tổ chức thành lập các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh các dịch vụ du lịch như lưu trú, homestay, nhà hàng, sản xuất và bán đồ thủ công truyền thống...
Nguyễn Huế
Liên kết website
Ý kiến ()