Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 20:56 (GMT +7)
Phát triển bền vững vùng dân tộc thiểu số: Thu hẹp khoảng cách phát triển
Thứ 3, 26/10/2021 | 10:10:03 [GMT +7] A A
Huyện Ba chẽ đã có nhiều cơ chế, chính sách ưu tiên cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để người dân từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu, nâng mức sống của đồng bào, chăm lo giáo dục, y tế, nâng cao trình độ dân trí của đồng bào dân tộc thiểu số.
Thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 17/5/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, huyện Ba Chẽ xác định việc đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi là đầu tư cho phát triển bền vững gắn liền với giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân; thu hẹp khoảng cách chênh lệch vùng miền; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao điều kiện tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc...
Với mục tiêu đó, Ban Thường vụ Huyện ủy đã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Đề án phát triển trồng rừng gỗ lớn và đề án bảo tồn, phát triển một số loài dược liệu quý trên địa bàn huyện Ba Chẽ; Đề án bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc Dao gắn với phát triển du lịch bền vững trên địa bàn huyện. Mục tiêu cụ thể đến hết năm 2025, thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi tăng tối thiểu 2 lần so với năm 2020. Huyện sẽ không còn nhà ở tạm, nhà dột nát; cơ bản giải quyết dứt điểm nhu cầu cấp thiết về nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, khó khăn. Đến hết năm 2022, huyện không còn xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn theo tiêu chí mới.
Thực hiện Chương trình hành động số 4594/CTr-UBND ngày 19/7/2021 của UBND tỉnh, UBND huyện đã xây dựng Kế hoạch hành động triển khai thực hiện cụ thể. Theo đó, đến năm 2025 thu nhập bình quân đầu người vùng dân tộc thiểu số đạt tối thiểu 80 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm trung bình 5%/năm. Huyện giữ vững và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, đảm bảo 100% đơn vị cấp xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, chuẩn xóa mù chữ mức độ 2, chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 và có ít nhất 65% đơn vị cấp xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3.
Lao động trong độ tuổi được qua đào tạo nghề đạt 87,5%, trong đó tỷ lệ có bằng cấp chứng chỉ đạt trên 52%; 100% học sinh dân tộc thiểu số được định hướng nghề nghiệp, phấn đấu có ít nhất 30% học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở được phân luồng vào học nghề, vừa học văn hóa vừa học nghề. Trên 99% số hộ dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Đến năm 2025, có trên 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Để hiện thực hóa những mục tiêu đó, huyện Ba Chẽ đã xác định những nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm. Về phát triển giáo dục đào tạo, huyện nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trọng tâm là đào tạo nghề cho lao động trẻ để chuyển đổi cơ cấu lao động, cơ cấu nông thôn gắn với tạo việc làm, tăng thu nhập và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số và người công tác tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Về phát triển sản xuất, kinh doanh, huyện nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư; tổ chức lại sản xuất vùng dân tộc thiểu số, miền núi, gia tăng giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ gắn với phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa; lấy công nghiệp, dịch vụ thúc đẩy nông nghiệp, lấy đô thị dẫn dắt nông thôn.
Đồng thời, Ba Chẽ tiếp tục huy động, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc, miền núi. Huyện bố trí, triển khai thực hiện vốn ngân sách của trung ương, tỉnh, huyện, kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư các dự án phát triển kinh tế - xã hội vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, trong đó tập trung ưu tiên các dự án phát triển sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ, cải thiện môi trường, phát triển du lịch.
Đối với việc phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, huyện quan tâm phát triển, hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là hạ tầng giao thông huyết mạch, kết nối vùng động lực với vùng khó khăn, gắn kết với các trung tâm kinh tế, trung tâm đô thị, các vùng động lực, khu kinh tế, khu công nghiệp nhằm tăng cường mở rộng liên kết, khai thác lợi thế kinh tế, thúc đẩy vùng phát triển nhanh, bền vững.
Trong công tác chính sách an sinh xã hội, huyện tập trung nâng cao phúc lợi xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số và phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em; thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em.
Với những kế hoạch, chương trình hành động cụ thể, thiết thực, huyện Ba Chẽ thể hiện quyết tâm thực hiện mục tiêu xóa chênh lệch vùng miền, khoảng cách chênh lệch giàu nghèo, kỳ vọng từng bước nâng cao mức sống, thu nhập của người dân, tạo sự phát triển bền vững của tỉnh. Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào được cải thiện và nâng cao; những giá trị truyền thống, nét đẹp bản sắc văn hóa dân tộc được bảo tồn và phát huy; bộ mặt nông thôn trong đồng bào dân tộc tiếp tục có nhiều đổi mới, văn minh, tiến bộ.
Trưởng Phòng LĐ-TB&XH Phạm Thị Hằng: "Xóa nghèo bền vững từ các lớp học nghề"
Phải nói rằng, công cuộc đào tạo nghề ở Ba Chẽ đã góp phần không nhỏ vào việc xóa nghèo bền vững cho người dân. Khi người lao động được đào tạo nghề, họ thay đổi tận gốc và hình thành ý thức vươn lên rõ rệt, họ hoàn toàn tự tin khi bắt tay vào các mô hình kinh tế và mạnh dạn vay vốn để đầu tư vào nghề mình đã học.
Trong những năm gần đây, chúng tôi chú trọng đào tạo các nghề phi nông nghiệp như lái xe, điện lạnh cho người dân trong huyện. Các nghề này giúp cho người lao động tìm được ngay việc làm trên địa bàn huyện, khi mà Ba Chẽ đi lên không ngừng để rút gần khoảng cách nông thôn với các đô thị văn minh. Người dân sử dụng đồ điện nhiều hơn, cần tham gia giao thông nhiều hơn thì họ rất cần một lực lượng có nghề để đáp ứng nhu cầu của họ.
Bí thư Huyện Đoàn Lê Minh Đạt: "Các lớp học nghề đã góp phần xóa hoàn toàn hộ nghèo trong thanh niên"
Những năm trước, huyện Ba Chẽ có rất đông hộ nghèo, trong đó có rất nhiều hộ nghèo là thanh niên. Như năm 2013, Ba Chẽ có 483 hộ thanh niên nghèo, chiếm 44,76% số hộ thanh niên trong toàn huyện. Khi ấy lý do nghèo được đưa ra là do thanh niên trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, lười lao động, chưa có ý thức tự lực vươn lên thoát nghèo. Thế nhưng nay toàn huyện đã không còn hộ nghèo trong thanh niên, khi hầu hết các thanh niên có nhu cầu học nghề đều được toại nguyện. Học nghề còn giúp thanh niên vươn xa hơn đến các địa phương khác ngoài huyện để làm việc trong các khu công nghiệp. Thanh niên có nghị lực hơn, tự tin hơn, không thích sống phụ thuộc, ỷ lại khi họ đã có nghề trong tay.
Phó Bí thư Đảng ủy xã Thanh Sơn Lục Văn Bình: "Người dân bớt khó khăn từ thành công của các lớp học nghề"
Xã chúng tôi đã ra khỏi diện đặc biệt khó khăn năm 2019 và hoàn thành việc xây dựng nông thôn mới vào cuối năm nay. Trước đây việc xóa nghèo thật vất vả, nhiều người cứ được xóa nghèo năm trước, năm sau lại nghèo. Lý do vì họ không có nghề, chỉ làm việc theo bản năng, mùa màng không thất bát là may. Đến nay, bà con làm việc đã thực sự có kế hoạch, có kỹ thuật khi họ tham gia các lớp học nghề, đúng như cổ nhân đã dạy “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”. Người dân khi có nghề họ cũng hăng hái hơn tham gia các mô hình xóa nghèo rồi vươn lên làm giàu, giúp cho Thanh Sơn từ xã đông hộ nghèo trong huyện trong tỉnh, nay chỉ dưới 1% và đã tự tin hơn nhiều khi so sánh về thu nhập bình quân đầu người với các xã khác trong huyện.
Chị Lục Thị Hoan, thôn Khe Loọng Ngoài, xã Thanh Sơn: "Tôi thật biết ơn các lớp học nghề"
Đúng như các cụ xưa đã dạy “Trâu ruộng bề bề không bằng có nghề trong tay” vẫn đất đai ấy, con người ấy, nhưng trước đây không có nghề cuộc sống của tôi rất khó khăn, đất đai thì để cỏ mọc. Thế nhưng từ khi tôi được qua lớp đào tạo nghề “Ươm giống cây trồng” được tổ chức tại xã năm 2020, thì tôi đã biến những bãi ruộng hoang của nhà mình thành vườn ươm vài chục vạn cây giống/năm để có nguồn thu nhập ổn định. Giúp mình thoát nghèo, tôi lại còn giúp bà con trong xã khỏi phải đi xa vất vả mua cây giống, rất mất thời gian. Tôi thật biết ơn các lớp học nghề.
Huỳnh Đăng - Công Thành
Liên kết website
Ý kiến ()