Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 15:43 (GMT +7)
Thu hẹp khoảng cách giữa các vùng, miền
Thứ 2, 11/07/2022 | 09:12:19 [GMT +7] A A
Để đáp ứng nhu cầu của người dân, nâng cao chất lượng cuộc sống, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), Quảng Ninh đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt, toàn diện. Đặc biệt, tỉnh đã triển khai hiệu quả Nghị quyết 16/2021/NQ-HĐND ngày 16/7/2021 về Chương trình tổng thể phát triển bền vững KT-XH gắn với bảo đảm vững chắc QP-AN ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Thực hiện chủ trương phát triển vùng khó, Quảng Ninh đã dành nhiều nguồn lực đầu tư hạ tầng, công trình thiết yếu, mang tính động lực thúc đẩy phát triển KT-XH khu vực nông thôn. Trong đó, hạ tầng giao thông phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, tăng cường sự liên kết giữa các khu vực, phát triển KT-XH, được tỉnh ưu tiên hàng đầu. Theo kế hoạch 5 năm (2021-2025) của UBND tỉnh, vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo được tập trung đầu tư 101 công trình hạ tầng động lực, thiết yếu. Đến nay đã có 3/6 dự án được phân bổ vốn năm 2021 đã hoàn thành và đưa vào sử dụng; 3/6 dự án đang tiếp tục triển khai thực hiện, vốn giải ngân đạt trên 94%. Năm 2022 vốn ngân sách tỉnh được phân bổ đến 93 dự án, công trình thiết yếu, với trên 400 tỷ đồng, đã giải ngân khoảng 65 tỷ đồng.
Bên cạnh đầu tư hạ tầng giao thông, tỉnh xác định sản xuất là nền tảng quan trọng để nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống nhân dân. Tỉnh định hướng tập trung sản xuất hàng hóa nông, lâm, ngư nghiệp theo chuỗi giá trị, thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo, phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ gắn với phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa.
Tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tiếp tục rà soát, hoàn thành Đề án giao đất, giao rừng trên địa bàn các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo. Nhiều địa phương bước đầu mở rộng các vùng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đối với một số sản phẩm đặc thù của địa phương như: Lúa, rau, chè, vải, na... đẩy mạnh ứng dụng hệ thống quản lý, sản xuất an toàn thực phẩm. Đặc biệt, triển khai thực hiện chương trình OCOP đã góp phần tạo sinh kế, phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS. Trong tổng số 499 sản phẩm OCOP toàn tỉnh, có 116 sản phẩm OCOP thuộc vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo, chiếm 43,4%.
Bên cạnh đó, công tác giải ngân vốn vay tạo việc làm tại các xã, thôn mới ra khỏi diện đặc biệt khó khăn trên địa bàn đạt kết quả tốt. Đến ngày 25/5, đã giải ngân được gần 90 tỷ đồng, đạt gần 100%. Một số địa phương đã tích cực triển khai xây dựng Đề án phát triển du lịch bền vững gắn với giảm nghèo và phát triển KT-XH trên địa bàn.
Không chỉ tập trung phát triển kinh tế, nâng cao mức sống người dân, công tác phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trọng tâm là đào tạo nghề cho lao động trẻ để chuyển đổi cơ cấu lao động, cơ cấu nông thôn gắn với tạo việc làm, tăng thu nhập và xây dựng đội ngũ CBCCVC người DTTS cũng được chú trọng. Thực hiện dồn ghép các điểm trường lẻ về trường trung tâm; nâng cấp cơ sở vật chất các trường, tạo điều kiện cho học sinh ăn ở, học tập, Sở GD&ĐT đã chủ động phối hợp với địa phương triển khai các dự án tăng cường cơ sở vật chất, trường học, phấn đấu 100% cơ sở giáo dục trên địa bàn hoàn thành xóa phòng học tạm và có nhà vệ sinh đạt chuẩn.
Tại kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa XIV, tổ chức tháng 5/2022, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh nội dung tăng cường cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy học, các đề án, nhiệm vụ ngành giáo dục với tổng kinh phí trên 238,6 tỷ đồng. Đồng thời, bổ sung vốn cho 3 trường THPT trên địa bàn huyện Bình Liêu, Ba Chẽ, để hoàn thành tiêu chí về giáo dục trong chương trình xây dựng NTM năm 2022, góp phần đảm bảo mục tiêu về phát triển giáo dục, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, các địa phương cũng triển khai dạy tiếng phổ thông cho người DTTS; nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ; hỗ trợ học sinh và giáo viên ở xã mới ra khỏi vùng khó khăn; định hướng nghề nghiệp cho học sinh vùng đồng bào DTTS.
Thực hiện chính sách an sinh, nâng cao phúc lợi xã hội, giảm nghèo bền vững ở vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới hải đảo, đến nay tỷ lệ đồng bào DTTS có bảo hiểm được duy trì trên 98%; các chế độ, chính sách xã hội cho các đối tượng đảm bảo kịp thời, đúng quy định.
Theo ông Vũ Kiên Cường, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, từ nay đến hết năm 2025, Quảng Ninh dành tối thiểu 4.000 tỷ đồng từ ngân sách, kết hợp với các nguồn lực huy động hợp pháp khác để thực hiện chương trình. Mục tiêu đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo tăng tối thiểu 2 lần so với năm 2020. Đồng thời, có hơn 162.000 người DTTS, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo sinh sống ở các xã, thôn, bản thuộc vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo; các doanh nghiệp, hợp tác xã, các tổ chức đầu tư trên địa bàn được hưởng các chính sách hỗ trợ.
Tại Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khóa XIV vừa diễn ra, các đại biểu đã bàn thảo nhiều nội dung quan trọng, trong đó có những giải pháp cụ thể thực hiện phát triển KT-XH, nhất là đối với khu vực miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào DTTS... Tin tưởng với những định hướng mới sẽ tiếp tục là "đòn bẩy" thu hẹp nhanh chóng khoảng cách chênh lệch các vùng miền, thúc đẩy phát triển KT-XH tỉnh Quảng Ninh một cách toàn diện.
Hoàng Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()