Thông tin được thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên, Phó chánh văn phòng Bộ Công an, cho biết tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5, chiều 1/6.
Hiện, ngoài 23 người đã bị khởi tố, Bộ Công an củng cố tài liệu, chứng cứ để mở rộng điều tra, thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt.
Trong vụ án liên quan Tập đoàn Thuận An, ông Tuyên cho hay đã khởi tố 8 bị can, thu hồi hơn 40 tỷ đồng, đang mở rộng điều tra. Vụ án này và vụ Phúc Sơn vừa được đưa vào diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.
Vụ án tại Tập đoàn Thuận An được Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố hôm 15/4 khi bắt Chủ tịch Nguyễn Duy Hưng và Nguyễn Khắc Mẫn, Phó tổng giám đốc, về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và Đưa hối lộ. Liên quan vụ án, ông Phạm Thái Hà, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội, bị bắt với cáo buộc Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi.
Ba tuần trước, cảnh sát tạm giam ông Dương Văn Thái, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang với cáo buộc Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn bị khởi tố hôm 26/2 với việc bắt ông Nguyễn Văn Hậu (tức Hậu Pháo, chủ tịch HĐQT Tập đoàn Phúc Sơn). Ba tháng qua, nhiều cán bộ đã bị bắt. Trong đó, Vĩnh Phúc có bốn lãnh đạo cấp cao là cựu bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan, cựu phó bí thư thường trực Phạm Hoàng Anh, cựu chủ tịch tỉnh Lê Duy Thành, cựu phó chủ tịch tỉnh Nguyễn Văn Khước, bị điều tra cáo buộc Nhận hối lộ.
Tại Quảng Ngãi, C03 bắt Chủ tịch tỉnh Đặng Văn Minh, hai cựu chủ tịch Cao Khoa và cựu Bí thư Tỉnh ủy Lê Viết Chữ, cùng nhiều cán bộ dưới quyền về tội Nhận hối lộ hoặc Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Bộ Công an đánh giá vụ án xảy ra tại Phúc Sơn là loại tội phạm mới với thủ đoạn lợi dụng quan hệ thân thiết với người có chức vụ cao, quyền hạn lớn để gây tác động, ảnh hưởng đến cán bộ cơ sở nhằm trục lợi. Cán bộ cơ sở bị tấn công bằng "đạn bọc đường" mà không phát hiện ra nên mất sức đề kháng.
Ý kiến ()