Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 17:05 (GMT +7)
Threads đổi thuật toán
Thứ 2, 25/11/2024 | 13:54:16 [GMT +7] A A
Từ nay, nền tảng sẽ hạn chế đề xuất những nội dung từ các tài khoản không theo dõi. Đây được xem là một bước đi nhằm biến Threads thành mạng xã hội thay thế X.
Mạng xã hội Threads của Meta đang có một thay đổi quan trọng: giảm ưu tiên cho nội dung do thuật toán gợi ý và tăng cường hiển thị bài viết từ các tài khoản mà người dùng thực sự theo dõi. Đây được xem là một bước đi nhằm tăng sức hút cho Threads, nhất là trong bối cảnh ngày càng nhiều người tìm kiếm các nền tảng thay thế cho X (trước đây là Twitter), sau cuộc bầu cử tại Mỹ, theo Mashable.
Thông báo này được Adam Mosseri, Giám đốc Instagram, công bố trên Threads vào ngày 21/11. Bài đăng ban đầu không chỉ rõ là dành cho Threads hay Instagram, nhưng ông đã xác nhận rằng nó áp dụng cho Threads trong một bình luận sau đó.
“Chúng tôi đang tái cân bằng thuật toán xếp hạng để ưu tiên nội dung từ những người bạn theo dõi. Điều này đồng nghĩa với việc bạn sẽ thấy ít nội dung được đề xuất từ các tài khoản không theo dõi hơn và nhiều bài đăng từ các tài khoản bạn theo dõi hơn, bắt đầu từ hôm nay”, Giám đốc Instagram viết.
Đối với các nhà sáng tạo nội dung, Mosseri cũng thừa nhận rằng điều chỉnh này có thể khiến “lượt tiếp cận không liên quan” (từ các tài khoản không theo dõi) giảm xuống, trong khi "lượt tiếp cận có liên quan" (từ các tài khoản theo dõi) sẽ tăng lên.
Ngay lập tức, động thái này được so sánh với cách làm của Bluesky. Nền tảng mạng xã hội này được xem là đối thủ của Threads và đã nhanh chóng chiếm được cảm tình của những người rời bỏ X.
Bluesky vốn đã mặc định hiển thị nội dung từ các tài khoản mà người dùng theo dõi. Đây là tính năng cốt lõi của họ. CEO của Bluesky Jay Graber trước đây đã tuyên bố nền tảng này muốn cung cấp “một thị trường thuật toán” để người dùng tự chọn, thay vì bị ép buộc theo một thuật toán cố định. Quan điểm này đối lập hoàn toàn với cách Meta vận hành.
Ngay sau thông báo của Mosseri, tài khoản chính thức của Bluesky trên Threads đã phản hồi một cách khá mỉa mai. “Thật tuyệt khi thấy các mạng xã hội khác sao chép ý tưởng về nguồn cấp dữ liệu tùy chỉnh! Đây chính là loại cạnh tranh và đổi mới mà chúng ta đã thiếu trong thập kỷ qua, khi tiến bộ bị giam cầm bởi các gã khổng lồ công nghệ. Đó là cách để cải thiện trải nghiệm của chúng ta trên mạng”, trích bài viết.
Khi Elon Musk tiếp quản X, hàng loạt người dùng đã tìm kiếm mạng xã hội thay thế. Một số lượng lớn người dùng đã chuyển sang Bluesky. Tuần này, nền tảng thông báo đã đạt 20 triệu người dùng, với hơn 700.000 người dùng mới tham gia chỉ trong tuần qua. Trong khi đó, theo thông báo từ Mosseri vào đầu tháng, Threads đã đạt 275 triệu người dùng hoạt động hàng tháng.
Mosseri thừa nhận rằng quá trình điều chỉnh thuật toán đang được hoàn thiện. “Công việc đang trong giai đoạn tiến triển. Cân bằng giữa khả năng tiếp cận người theo dõi và mức độ tương tác tổng thể không phải là điều dễ dàng. Cảm ơn vì sự kiên nhẫn của các bạn và hãy tiếp tục đóng góp ý kiến”, ông viết trên Threads.
Sự thay đổi lần này của Threads cũng đánh dấu một bước ngoặt so với chiến lược thuật toán của Meta trong những năm gần đây. Trước đó, vào năm 2022, cả Instagram và Facebook đều tăng lượng nội dung được chọn lọc theo thuật toán. CEO Mark Zuckerberg khi ấy tuyên bố rằng nội dung được thuật toán lựa chọn sẽ tăng gấp đôi trên các nền tảng này. Bất chấp phản ứng dữ dội từ người dùng, Meta vẫn kiên quyết tiếp tục thử nghiệm với thuật toán gợi ý nội dung.
Mosseri từng giải thích: “Nếu bạn thấy những nội dung trong nguồn cấp dữ liệu của mình không hấp dẫn, điều đó có nghĩa là chúng tôi đã làm không tốt việc xếp hạng và chúng tôi cần cải thiện. Nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục cố gắng vì chúng tôi tin rằng đó là một trong những cách hiệu quả nhất để giúp các nhà sáng tạo nội dung tiếp cận nhiều người hơn”.
Hiện tại, có vẻ như Threads đang điều chỉnh chiến lược để ưu tiên những gì người dùng thực sự muốn xem, thay vì tiếp tục thử nghiệm với các thuật toán gợi ý, Mashable nhận định.
Theo znews.vn
Liên kết website
Ý kiến ()