Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 15:38 (GMT +7)
Thông tin sai lệch trên Facebook có lượt tương tác gấp 6 lần so với thông tin thực tế
Thứ 7, 04/09/2021 | 08:08:07 [GMT +7] A A
Từ tháng 8/2020 đến tháng 1/2021, các nhà xuất bản tin tức chuyên đăng tải thông tin sai lệch trên Facebook đã nhận được số lượt thích (like), chia sẻ (share) và tương tác (interaction) trên Facebook nhiều hơn gấp 6 lần so với các nguồn tin đáng tin cậy như CNN hay Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Thông tin trên là kết quả của một nghiên cứu mới có bình duyệt về hành vi của người dùng trên mạng xã hội Facebook, được tiến hành bởi các nhà nghiên cứu tại Đại học New York (NYU) và Đại học Grenoble Alpes (Pháp). Nghiên cứu này có khả năng sẽ củng cố thêm lập luận lâu nay cho rằng, các thuật toán của gã khổng lồ công nghệ này khiến thông tin sai lệch lan truyền nhanh hơn so với các nguồn tin uy tín.
Kể từ khi “nạn tin giả” trên Facebook trở thành mối lo ngại của công chúng sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016, các nhà xuất bản đăng tải thông tin sai lệch đã nhiều lần được chứng minh là có thể thu hút được lượng người xem lớn trên nền tảng mạng xã hội này. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nghiên cứu của NYU là một trong số ít những nỗ lực toàn diện nhằm đo lường và cô lập tác động của thông tin sai lệch trong một nhóm lớn các nhà xuất bản trên Facebook. Những kết luận của nghiên cứu này ủng hộ quan điểm chỉ trích rằng Facebook trả tiền cho các nhà xuất bản chuyên tạo các tài khoản tung thông tin sai lệch.
“Nghiên cứu góp phần làm gia tăng số lượng bằng chứng cho thấy, bất chấp nhiều nỗ lực giảm thiểu được thực hiện, thông tin sai lệch đã tìm thấy một ngôi nhà thoải mái và một lượng người xem gắn bó trên Facebook,” ông Rebekah Tromble, Giám đốc Viện Dữ liệu, Dân chủ và Chính trị tại Đại học George Washington, đồng thời cũng là người tham gia bình duyệt các phát hiện của nghiên cứu, cho hay.
Đáp trả thông tin trên, Facebook lập luận rằng, báo cáo của NYU tổng hợp được số lượng người tương tác với nội dung, nhưng đó không phải là thước đo số lượng người thực sự xem nội dung đó (Facebook không công khai với các nhà nghiên cứu về số lần nội dung được hiển thị).
“Báo cáo chủ yếu xem xét cách mọi người tương tác với nội dung. Chúng ta không nên nhầm lẫn điều này với số lượng người thực sự xem nội dung đó trên Facebook,” phát ngôn viên của Facebook Joe Osborne cho biết.
“Khi bạn nhìn vào nội dung được tiếp cận nhiều nhất trên Facebook, nó hoàn toàn không giống như những gì nghiên cứu này đưa ra,” ông Osborne nói. Ông cũng cho hay, Facebook hiện đang hợp tác với 80 đối tác kiểm tra thực tế trên toàn thế giới với phạm vi bao phủ hơn 60 ngôn ngữ, nhằm giúp phát hiện và giảm thiểu việc phát tán thông tin sai lệch.
Các tác giả của nghiên cứu đã dựa trên những kết quả phân loại từ hai tổ chức phi lợi nhuận chuyên về nghiên cứu thông tin sai lệch, đó là NewsGuard và Media Bias/Fact Check. Hai tổ chức này đã phân loại hàng nghìn nhà xuất bản tin tức trên Facebook theo khuynh hướng chính trị (từ cực tả cho tới cực hữu) và theo khuynh hướng chia sẻ tin tức đáng tin cậy hoặc không đáng tin cậy. Sau đó, nhóm nghiên cứu đã lấy 2.551 trang trong số các trang phân loại của NewsGuard và Media Bias/Fact Check, và tiến hành so sánh lượt tương tác các bài đăng trên các trang của các nhà xuất bản chuyên đăng tải thông tin sai lệch, chẳng hạn như Occupy Democrats (tả khuynh) hay Dan Bongino và Breitbart (hữu khuynh), với lượt tương tác các bài đăng bởi các nhà xuất bản thông tin thực tế.
Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng, về mặt thống kê, sự gia tăng đáng kể của thông tin sai lệch không mang màu sắc chính trị, khi các trang “buôn bán” thông tin sai lệch dù khuynh hướng cực tả hay cực hữu đều thu hút nhiều sự quan tâm hơn từ người dùng Facebook so với các trang thông tin thực tế của bất kỳ khuynh hướng chính trị nào. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu cho thấy, các nhà xuất bản hữu khuynh có xu hướng chia sẻ thông tin sai lệch cao hơn nhiều so với các nhà xuất bản thuộc các khuynh hướng chính trị khác. Phát hiện này tương tự với kết luận của các nhà nghiên cứu khác, cũng như với chính phát hiện nội bộ của Facebook trước thềm cuộc bầu cử giữa kỳ Mỹ 2018 - theo báo cáo của Washington Post.
Ông Rafael Rivero, đồng sáng lập và là Chủ tịch của Occupy Democrats, cho biết khá tò mò về phương pháp luận sử dụng trong báo cáo, đồng thời phản bác ý kiến cho rằng trang này lan truyền thông tin sai lệch. “Đôi khi chúng tôi mắc một vài sai lầm nhỏ và cũng đã sửa chữa ngay lập tức, nhưng chưa bao giờ chúng tôi cố tình đánh lừa độc giả của mình,” Washington Post dẫn phát ngôn của ông Rivero gửi qua email cho hay.
Trong khi đó, Bongino và Breitbart không phản hồi các yêu cầu đưa ra lời bình luận.
Các nhà phê bình của Facebook từ lâu đã cáo buộc rằng, những nội dung gây hiểu lầm, kích động (thường củng cố quan điểm của người xem) thu hút sự chú ý cũng như lượt click nhiều hơn đáng kể so với các tin tức chính thống.
Đã từng được tái khẳng định bởi các nghị sĩ Quốc hội cũng như các kỹ sư của Thung lũng Silicon trong các bộ phim như “The Social Dilemma”, cáo buộc trên đã thu hút được sự chú ý đáng kể trong thời kỳ đại dịch. Các thuyết âm mưu về Covid-19 và vaccine Covid-19, cùng với thông tin sai lệch về các phương pháp điều trị và chữa bệnh, đã lan truyền rất nhanh và có lẽ đã tác động tới quan điểm của một bộ phận lớn người dân Mỹ. Trong 1 cuộc khảo sát gần đây do COVID States Project thực hiện, tỷ lệ do dự tiêm vaccine ngừa Covid-19 trong số những người dùng Facebook tại Mỹ cao hơn so với bất kỳ nhóm người dùng mạng tin tức nào, thậm chí là độc giả của Fox News.
Trả lời câu hỏi của phóng viên hồi tháng 7 vừa qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh rằng, các nền tảng mạng xã hội như Facebook đang “giết người” bằng thông tin sai lệch về Covid-19 – một nhận định mà sau đó ông đã từng nhắc lại.
Tuy nhiên, theo ông Rebekah Tromble, Giám đốc Viện Dữ liệu, Dân chủ và Chính trị tại Đại học George Washington, có rất ít dữ liệu cứng để có thể củng cố những khẳng định về tác hại do các thuật toán của Facebook gây ra, một phần là do Facebook đã giới hạn lượng dữ liệu mà các nhà nghiên cứu có thể truy cập.
Năm 2018, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) đã thực hiện một nghiên cứu về những câu chuyện gây hiểu lầm trên Twitter - một nền tảng có phần lớn nội dung là công khai. Các phát hiện cho thấy, những câu chuyện này có sự tương tác tốt hơn tới người dùng Twitter so với những câu chuyện thực tế. Một vài nghiên cứu khác lại chỉ ra rằng, sự tương tác với thông tin sai lệch không rộng rãi, phổ biến như mọi người nghĩ. Ngoài ra, những người tiêu thụ và truyền bá thông tin sai lệch trên Twitter có xu hướng chiếm một tỷ lệ nhỏ trong số những người theo đảng phái có động cơ cao.
Facebook cũng ngày càng hạn chế quyền truy cập đối với các nhóm bên ngoài đang cố gắng khai thác dữ liệu của công ty. Trong vài tháng qua, Nhà Trắng đã nhiều lần yêu cầu Facebook cung cấp thông tin về mức độ thông tin sai lệch liên quan đến Covid-19 trên nền tảng này, nhưng lại không nhận được sự hợp tác của gã khổng lồ mạng xã hội.
Một trong những nhà nghiên cứu đang bị Facebook kiểm soát chặt chẽ về tiếp cận dữ liệu là Laura Edelson, người đã thực hiện nghiên cứu của NYU. Vào tháng trước, Facebook đã khóa tài khoản của Edelson và các đồng nghiệp của cô khi cho rằng việc cô thu thập dữ liệu - dựa vào việc người dùng tự nguyện tải xuống một tiện ích phần mềm cho phép các nhà nghiên cứu theo dõi các quảng cáo mà họ nhìn thấy - có khả năng khiến công ty này vi phạm thỏa hiệp về quyền riêng tư với Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) năm 2019.
Tuy nhiên, FTC cho biết thỏa hiệp này có ngoại lệ cho các nhà nghiên cứu, đồng thời nhấn mạnh rằng Facebook không nên sử dụng nó như một cái cớ để tước đi khả năng tìm hiểu hành vi của mọi người trên mạng xã hội của công chúng.
Edelson cho biết, việc dự án của cô buộc phải dừng lại vào tháng trước do can thiệp của Facebook đã khiến cô không thể tiếp tục nghiên cứu phạm vi tiếp cận cũng như tác động của thông tin sai lệch trên nền tảng truyền thông này.
Đáp trả những chỉ trích cho rằng công ty đang ngày càng trở nên kém minh bạch, Facebook gần đây đã công bố một báo cáo minh bạch mới cho thấy những nội dung phổ biến nhất trên nền tảng này hàng quý. Tuy nhiên, theo một nguồn tin giấu tên cho biết, Facebook đã kiểm duyệt phiên bản trước đó của báo cáo vì lo ngại rằng nó sẽ đem lại những chỉ trích công ty trên mặt báo. Điều này khiến các nhà phê bình cho rằng Facebook đã không minh bạch.
Một trong những lý do khó có thể biết được mức độ tiếp xúc của mọi người với thông tin sai lệch trên nền tảng mạng xã hội Facebook là vì có quá nhiều nội dung được chia sẻ trong các nhóm riêng tư, ông Tromble cho hay.
Trong quá trình thực hiện nghiên cứu, nhóm của Edelson đã sử dụng một công cụ thống kê kinh doanh do Facebook sở hữu có tên là CrowdTangle để tiến hành phân tích. Công cụ này thường được các nhà báo và nhà nghiên cứu sử dụng để theo dõi mức độ phổ biến của các bài đăng. Dẫu vậy, CrowdTangle cũng có những hạn chế, bởi nó chỉ cung cấp dữ liệu về số lượt “Thích” (Like) và “Chia sẻ” (Share) của một bài đăng cụ thể, song lại không tiết lộ số lần nội dung được hiển thị hay số người đã xem bài đăng.
Edelson cho biết, nghiên cứu chỉ ra rằng các thuật toán của Facebook không nhằm tăng sự ủng hộ hay thiên vị, hay dành ưu tiên các trang web ở một phía của phổ chính trị, như một số nhà phê bình đã cáo buộc trước đó. Cô cho hay, Facebook khuếch đại thông tin sai lệch vì nó tương tác tốt với người dùng và các trang web tình cờ có nhiều thông tin sai lệch hơn đều là thuộc cánh hữu. Cũng theo kết quả nghiên cứu, trong số các nhà xuất bản tin tức có khuynh hướng cực hữu, những nhà xuất bản chia sẻ thông tin sai lệch đạt 68% tổng lượng tương tác từ người dùng.
Theo nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()