Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:10 (GMT +7)
Thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022
Chủ nhật, 25/07/2021 | 19:25:43 [GMT +7] A A
Chiều 25/7, các đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022 với tỷ lệ 95,19% đại biểu có mặt (478 đại biểu) tán thành.
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, chiều 25/7, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, các đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022 với tỷ lệ 95,19% đại biểu có mặt (478 đại biểu) tán thành.
Trước đó, Quốc hội đã nghe Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến các vị đại biểu Quốc hội về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022.
Theo Tổng Thư ký Quốc hội, sáng 21/7, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội cùng với dự thảo Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022.
Về cơ bản, các vị đại biểu Quốc hội đều tán thành với nội dung Tờ trình và dự thảo Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022 đồng thời đã ghi phiếu lựa chọn các chuyên đề giám sát.
Kết quả lấy phiếu lựa chọn chuyên đề giám sát của các vị đại biểu Quốc hội, cho thấy đa số đại biểu lựa chọn giám sát tối cao hai chuyên đề: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021; Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch được ban hành.
Hai chuyên đề giám sát: Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1/7/2016 đến ngày 1/7/2021; việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021sẽ giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức giám sát.
Bên cạnh 4 chuyên đề trên, Tổng Thư ký Quốc hội cho biết, có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung giám sát một số chuyên đề liên quan đến chính sách an sinh xã hội (62.000 tỷ đồng năm 2020 và 26.000 tỷ đồng năm 2021) để hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật trong việc bổ nhiệm, luân chuyển và điều động cán bộ; phòng, chống thiên tai và biến đổi khí hậu; đầu tư hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục; chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; xem xét những tác động của dịch COVID-19 đối với phát triển kinh tế-xã hội.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, các vấn đề nêu trên đều là những nội dung được quan tâm. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét giao các Ủy ban của Quốc hội tổ chức giám sát hoặc giải trình vào thời điểm thích hợp.
Qua lấy ý kiến các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhận được những ý kiến góp ý, kiến nghị về nâng cao chất lượng giám sát như xây dựng kịch bản giám sát và bố trí thành viên đoàn giám sát phù hợp với bối cảnh tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp; xây dựng Đề án đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội theo hướng xác định rõ định hướng, nội dung có tính tổng quan cho hoạt động giám sát của cả nhiệm kỳ Quốc hội; đổi mới việc trình Quốc hội quyết định giám sát chuyên đề theo hướng bổ sung phạm vi, đối tượng, nội dung cần giám sát cùng với sự cần thiết phải giám sát; tăng cường hoạt động “hậu giám sát” để theo đến cùng việc giải quyết các kiến nghị của đoàn giám sát; nghiên cứu ban hành quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, nhất là người đứng đầu trong tiếp thu, giải quyết kiến nghị sau giám sát.
Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết Đảng đoàn Quốc hội đã ban hành chương trình hành động Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; theo đó đã giao Văn phòng Quốc hội chủ trì xây dựng Đề án tiếp tục đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội, trong đó bao gồm nhiều nội dung đã được các vị đại biểu Quốc hội đề xuất.
Trên cơ sở xem xét Đề án, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ báo cáo Quốc hội./.
Theo TTXVN/Vietnam+
Liên kết website
Ý kiến ()