Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 20:49 (GMT +7)
Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV: Thông qua Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi)
Thứ 3, 15/11/2022 | 11:27:22 [GMT +7] A A
Sáng 15/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) với 466/468 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 93,57%.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện, dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) gồm 3 Điều, Dự thảo Nội quy Kỳ họp Quốc hội gồm 3 Chương, 58 Điều.
Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, về trách nhiệm của đại biểu Quốc hội (Điều 3), có ý kiến cho rằng, quy định thủ tục báo cáo khi đại biểu Quốc hội vắng mặt tại phiên họp Quốc hội sẽ gây khó khăn cho đại biểu; đề nghị nghiên cứu, bổ sung vào App của Quốc hội chức năng báo cáo vắng mặt của đại biểu Quốc hội. Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về việc vắng mặt vì lý do bất khả kháng để bảo đảm chặt chẽ; trường hợp đại biểu Quốc hội không thể tham dự phiên họp Quốc hội để tham gia tiếp thu, chỉnh lý các dự thảo luật, nghị quyết thì không coi là vắng mặt.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, theo quy định tại Điều 26 của Luật Tổ chức Quốc hội, đại biểu Quốc hội có trách nhiệm tham gia đầy đủ các kỳ họp, phiên họp toàn thể của Quốc hội; thảo luận và biểu quyết các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội. Do đó, việc quy định các trường hợp vắng mặt của đại biểu Quốc hội cần báo cáo là cần thiết để tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao trách nhiệm của đại biểu trong việc tham gia đầy đủ các phiên họp Quốc hội.
Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý quy định tại khoản 2 Điều 3 về việc vắng mặt vì lý do bất khả kháng, do thực hiện các nhiệm vụ khác trong kỳ họp theo quy định của luật, nghị quyết của Quốc hội để bảo đảm chặt chẽ. Đồng thời, trong thời gian tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Tổng Thư ký Quốc hội nghiên cứu, bổ sung vào App của Quốc hội chức năng báo cáo trực tuyến việc vắng mặt của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp, phiên họp Quốc hội để thuận tiện cho đại biểu trong việc báo cáo.
Về tài liệu phục vụ kỳ họp Quốc hội (Điều 7), nhiều ý kiến đề nghị quy định rõ và bảo đảm thời hạn gửi tài liệu kỳ họp đến đại biểu Quốc hội để có đủ thời gian nghiên cứu thấu đáo, kỹ lưỡng, có ý kiến sâu sắc, chất lượng. Đồng thời, có ý kiến đề nghị phân loại thời hạn gửi theo tính chất phức tạp của tài liệu; bổ sung chế tài xử lý đối với việc chậm gửi tài liệu đến đại biểu Quốc hội; quy định việc gửi tài liệu chậm là nội dung để xem xét khi lấy phiếu tín nhiệm.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, việc gửi tài liệu đến đại biểu Quốc hội phải bảo đảm thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 97 của Luật Tổ chức Quốc hội. Việc phân loại thời hạn gửi tài liệu như ý kiến đại biểu Quốc hội sẽ được tiếp tục nghiên cứu, đề xuất khi sửa đổi Luật. Theo ông Hoàng Thanh Tùng, thời gian qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội luôn quan tâm, chỉ đạo sát sao việc gửi tài liệu đến đại biểu Quốc hội nhằm bảo đảm đúng thời gian quy định. Văn phòng Quốc hội cũng thường xuyên đôn đốc việc gửi tài liệu, đồng thời, từ kỳ họp này đã thực hiện công bố công khai danh sách các cơ quan chậm gửi tài liệu đến đại biểu Quốc hội. Đây cũng là một trong những cơ sở để Quốc hội xem xét, đánh giá việc hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao của người đứng đầu cơ quan, tổ chức khi lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.
Trong thời gian tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục chỉ đạo Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội nghiên cứu, đề xuất biện pháp cụ thể để nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc gửi tài liệu đúng thời hạn đến đại biểu Quốc hội, khắc phục hạn chế, tồn tại nêu trên.
Theo TTXVN
Liên kết website
Ý kiến ()