Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 09:29 (GMT +7)
Thông điệp mạnh mẽ về xây dựng, chỉnh đốn Đảng
Thứ 7, 09/10/2021 | 08:09:55 [GMT +7] A A
Một số vấn đề về xây dựng, chỉnh đốn Đảng được đề cập trong bài phát biểu khai mạc của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII một lần nữa cho thấy thông điệp của Đảng và Nhà nước về quyết tâm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, rõ rệt hơn nữa trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng thời gian tới.
Đây là một trong hai nhóm vấn đề lớn, quan trọng được hội nghị tập trung nghiên cứu, thảo luận, xem xét và quyết định, thu hút sự quan tâm, chú ý, kỳ vọng của nhiều cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.
Đồng chí Nguyễn Xuân Long, Bí thư Đảng ủy phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) đánh giá cao những nội dung mà Bộ Chính trị nêu ra và Trung ương tập trung thảo luận về vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng thời gian qua; cũng như việc xác định quan điểm, chủ trương, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nhằm tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Đồng chí bày tỏ: Tôi rất tâm đắc việc hội nghị đã dành nhiều thời gian nghiên cứu, bổ sung, điều chỉnh, gắn xây dựng, chỉnh đốn Đảng với xây dựng hệ thống chính trị theo đúng tinh thần Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Đảng Cộng sản Việt Nam là nhân tố quyết định thắng lợi của công cuộc đổi mới, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đảng chỉ vững mạnh, thể hiện được vai trò lãnh đạo toàn diện khi Nhà nước cũng phải vững mạnh, liêm chính. Đảng và Nhà nước chỉ vững mạnh, hoàn thành nhiệm vụ của mình khi MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội phát huy hết vai trò, trách nhiệm, cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước thành hành động thực tế của nhân dân, phát huy được quyền làm chủ của nhân dân và bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.
Đánh giá cao nhận định của Tổng Bí thư tại Hội nghị Trung ương 4, khóa XIII: Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” vẫn chưa được ngăn chặn, đẩy lùi một cách căn bản, thậm chí có mặt còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn, có thể gây ra những hậu quả khôn lường, bác Hoàng Khắc Đoàn ở phường Lê Mao, TP Vinh (Nghệ An) kiến nghị một số giải pháp xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đáp ứng kỳ vọng, niềm tin của nhân dân. Trong đó, cần chú trọng đổi mới phương thức điều hành của bộ máy hành chính, tập trung hướng về cơ sở. Các cơ quan, đơn vị cần thường xuyên thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính, chấn chỉnh lề lối làm việc, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc kiểm tra, giám sát đối với công chức, viên chức thuộc quyền quản lý trong thực hiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy chế của cơ quan. Kịp thời biểu dương, khen thưởng và nhân rộng những gương tốt, việc tốt ích nước, lợi dân; đồng thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm minh những sai phạm trong hoạt động công vụ.
Theo đồng chí Vũ Văn Huy, Trưởng phòng Dân vận các cơ quan Nhà nước, Ban Dân vận Tỉnh ủy Ninh Bình, xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị là nhân tố quyết định tạo nên những thắng lợi, thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới ở Việt Nam trong suốt mấy chục năm qua. Những đường hướng mà Tổng Bí thư nêu ra trong bài phát biểu dựa trên những nhận định đúng về những thời cơ và thách thức trong tình hình hiện nay, nhất là giúp mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân ngày càng mật thiết, khăng khít. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền. Vì vậy, theo tôi, để khơi dậy được tiềm năng sáng tạo, khát vọng phát triển vì một Việt Nam hùng cường, khuyến khích, động viên nhân dân tích cực tham gia xây dựng Đảng và Nhà nước, thì cần phải đổi mới hơn nữa sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận hiện nay. Trong đó, chú trọng trách nhiệm nêu gương của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị, địa phương trong thực thi nhiệm vụ, công tác, hoặc phần việc được giao; hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân.
Cùng chung quan điểm này, ông Phùng Khắc Hoan, xã Xuân Tín, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) cho rằng, trong lúc bộn bề khó khăn bởi những tác động của dịch Covid-19, người dân đón nhận thông điệp rất rõ ràng và mạnh mẽ từ bài phát biểu của Tổng Bí thư tại Hội nghị Trung ương 4, khóa XIII. Đó là, thực hiện các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu, có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ... Ông Hoan bộc bạch: Qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi thấy đại dịch Covid-19 đã làm cho hàng nghìn người lao động rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Làn sóng người lao động rời TP Hồ Chí Minh và các đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam khiến không ít nơi chính quyền địa phương lúng túng, bị động, phản ứng chưa kịp thời, chưa thuyết phục. Nỗi lo dịch bệnh, tình huống đứt gãy chuỗi cung ứng lao động khi thích ứng tình hình mới dường như đang thiếu những giải pháp căn cơ, đón đầu.
Theo ông Hoan, năng lực nổi bật của cán bộ cấp chiến lược cần phải có, đó là năng lực dự báo và năng lực ra quyết định. Muốn vậy, trước tiên và trong mọi tình huống, người cán bộ phải bám sát thực tiễn, nắm bắt tình hình tư tưởng nhân dân, biết đặt mình vào vị trí người khác, để kịp thời cùng cấp ủy, chính quyền chỉ đạo triển khai thực hiện những giải pháp cấp bách, hữu hiệu, giải quyết ổn thỏa ngay những kiến nghị chính đáng, hợp pháp của nhân dân; xử lý kịp thời, dứt điểm các vấn đề bức xúc liên quan đời sống nhân dân, không để hình thành các “điểm nóng” về an ninh chính trị, trật tự xã hội. Cán bộ cấp chiến lược xác lập uy tín bằng hiệu quả công tác thực tiễn, thực hiện tốt phương châm “trọng dân, gần dân, tin dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân và có trách nhiệm với dân”.
Theo Nhân dân
Liên kết website
Ý kiến ()