Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 22:03 (GMT +7)
Thời tiết thay đổi khiến nhiều người tái phát viêm da cơ địa, bác sĩ khuyến cáo cách xử lý
Thứ 6, 11/08/2023 | 14:09:01 [GMT +7] A A
Thời tiết nóng ẩm là điều kiện để bệnh viêm da cơ địa tái phát. Nếu không chăm sóc và điều trị đúng cách, viêm da cơ địa dễ tái phát, gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Những ngày qua, thời tiết nắng nóng chuyển sang mưa đột ngột, nhiệt độ chênh lệch nhiều, kèm theo các yếu tố bụi bẩn, ô nhiễm… là điều kiện thuận lợi để viêm da cơ địa tái phát. Khi thời tiết nắng nóng, cơ thể ra mồ hôi liên tục kết hợp với bụi bặm, tiết nhờn trên da sẽ là môi trường thuận lợi cho các vi sinh vật phát triển.
Viêm da cơ địa là gì?
Viêm da cơ địa là bệnh viêm da mạn tính hay tái phát lại. Bệnh thường gặp ở trẻ em và có thể kéo dài đến hết cuộc đời.
Có rất nhiều nguyên nhân gây viêm da cơ địa. Một số nguyên nhân gây viêm da cơ địa có thể bao gồm:
- Yếu tố di truyền, gen
- Rối loạn miễn dịch
- Rối loạn chức năng hàng rào thượng bì. Việc hàng rào da bị tổn thương dẫn tới da mất nước và gây ra các biểu hiện của viêm da cơ địa.
Dấu hiệu nhận biết của viêm da cơ địa
Viêm da cơ địa có biểu hiện gì? Viêm da cơ địa thường chia làm 3 thể: cấp tính, bán cấp và mạn tính.
Trong đó, thể cấp tính thường hay gặp ở trẻ em dưới 2 tuổi. Bệnh có các biểu hiện là các mụn nước trên nền da đỏ. Các mụn nước sau khi vỡ thường để lại vảy và gây ngứa dữ dội. Ở trẻ nhỏ, viêm da cơ địa thường xuất hiện ở những vị trí đặc hiệu như má, trán.
Bán cấp thường gặp ở những trẻ 2-10 tuổi. Với biểu hiện các sẩn đỏ nổi cao hơn mặt da, xuất hiện rải rác hoặc tập trung thành mảng da dày. Sau đó những sẩn đỏ này đóng vảy gây ngứa.
Viêm da cơ địa mãn tính thường gặp ở trẻ trên 10 tuổi với các vết gãi ngứa, dày da lichen ở các vùng nếp gấp như khuỷu tay, khoeo chân. Tổn thương có thể xuất hiện một bên hoặc đối xứng.
Ở người trưởng thành, viêm da cơ địa có biểu hiện dày da, tổn thương da dạng lichen do ngứa gãi nhiều. Tổn thương thường xuất hiện ở các nếp gấp như khoeo chân, cẳng tay, ngón tay, cổ gáy…
Viêm da cơ địa thường dễ gây nhầm lẫn với viêm da tiếp xúc, vảy nến, viêm da dầu… Viêm da cơ địa khiến người bệnh cảm thấy khó chịu, gãi nhiều dẫn tới các vết thương dễ bị trầy xước gây nhiễm trùng. Vùng tổn thương có thể chảy dịch, tiết mủ và có mùi hôi.
Viêm da cơ địa có chữa khỏi được không?
Viêm da cơ địa gây ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của người bệnh và thẩm mỹ. Biểu hiện ngứa của viêm da cơ địa có thể khiến người bệnh mất ngủ, giảm năng suất làm việc, lâu ngày có thể dẫn tới căng thẳng, stress. Bệnh viêm da cơ địa không chữa khỏi hoàn toàn nhưng có thể dự phòng để bệnh không tiến triển.
Phương pháp điều trị quan trọng nhất trong viêm da cơ địa là dưỡng ẩm giúp duy trì làn da và giúp phục hồi những tổn thương hàng rào da.
Nếu trong trường hợp viêm da cơ địa cấp tính có thể dùng các thuốc corticoid bôi hoặc calcineurin. Khi bệnh ổn định, người bệnh cần duy trì dưỡng ẩm làm nền tảng giúp viêm da cơ địa không biểu hiện thành các đợt cấp. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc corticoid cần tuyệt đối tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ. Người bệnh không nên tự ý điều trị để tránh ảnh hưởng tới sức khỏe và khiến bệnh nặng lên.
Một trong những đặc điểm của viêm da cơ địa là gây ngứa, thời tiết càng nóng càng ngứa, càng gãi mạnh. Do vậy, nếu người bệnh không kiểm soát được sẽ dễ gây nhiễm trùng, làm bệnh nặng thêm.
Vậy người bệnh mắc viêm da cơ địa cần lưu ý gì trong những ngày hè nắng nóng? Người mắc viêm da cơ địa cần lưu ý quan trọng phải dùng dưỡng ẩm duy trì hàng ngày. Bởi bản chất của viêm da cơ địa là tổn thương hàng rào ở da, mất nước tăng lên khiến da khô. Từ đó kích thích các kháng thể IGE gây ngứa. Do đó để tránh viêm da cơ địa tái phát cần dưỡng ẩm thường xuyên, đây là việc dự phòng quan trọng nhất.
Ngoài ra, người mắc viêm da cơ địa tuyệt đối không tự ý tắm các loại thuốc lá không rõ nguồn gốc để tránh làm bệnh nặng thêm. Đặc biệt là trường hợp tắm nước lá sau đó chà sát lên vùng da bị tổn thương có thể khiến da bị nhiễm trùng.
Người mắc viêm da cơ địa nên kiêng ăn gì? Người mắc viêm da cơ địa nên tránh các đồ ăn gây dị ứng như hải sản, da gia cầm (ngan, gà…). Tránh tiếp xúc với các tác nhân có thể gây dị ứng như bụi nhà, phấn hoa, lông động vật, khói thuốc lá.
Người mắc viêm da cơ địa nên chọn quần áo bằng chất liệu cotton, rộng, thoáng mát, dễ thấm hút mồ hôi. Xà phòng tắm nên chọn các loại dành riêng cho người viêm da cơ địa. Không nên dùng các loại sữa tắm có tính chất sát khuẩn, diệt khuẩn mạnh dễ gây tổn thương cho da.
Theo suckhoedoisong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()