Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 06:34 (GMT +7)
Thời tiết miền Bắc nồm ẩm, nhiều bệnh rình rập
Thứ 3, 16/01/2024 | 14:08:55 [GMT +7] A A
Trong tháng đầu năm 2024, nhiệt độ trung bình phổ biến cao hơn khoảng 1-1,5 độ C so với trung bình nhiều năm. Hoạt động của không khí lạnh có khả năng yếu hơn nên số ngày rét đậm, rét hại ở mức thấp hơn mọi năm. Thời tiết thay đổi khiến nhiều dịch bệnh bùng phát, đặc biệt giai đoạn nồm ẩm của miền Bắc.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia vừa đưa ra bản tin dự báo khí hậu tháng trên phạm vi toàn quốc trong tháng 1.2024. Theo trung tâm, trong tháng 1 nhiệt độ trung bình trên toàn quốc phổ biến cao hơn so với trung bình nhiều năm từ 1 - 2 độ C.
Trong thời gian từ ngày 1.1 - 31.1.2024, tổng lượng mưa tại khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ phổ biến ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm; các khu vực khác thấp hơn từ 5 - 15 mm so với trung bình nhiều năm, riêng khu vực Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa thấp hơn từ 20 - 40 mm so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
Trong tháng 1.2024, không khí lạnh có xu hướng hoạt động yếu hơn trung bình nhiều năm, số ngày rét đậm, rét hại tại khu vực Miền Bắc ít hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ; rét đậm, rét hại vẫn có khả năng xuất hiện tại khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ nhưng không kéo dài nhiều ngày.
Theo Bộ Y tế thời gian tới, nhu cầu giao thương, du lịch tăng cao, cùng diễn biến thời tiết thay đổi bất thường là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh lây lan, làm gia tăng số mắc, nhất là với trẻ em có sức đề kháng yếu và người cao tuổi có bệnh lý nền, dễ mắc các bệnh truyền nhiễm.
Tại khu vực miền Bắc đang vào giai đoạn mùa Đông Xuân, thời tiết gió mùa lạnh, hanh khô là nguyên nhân các dịch bệnh truyền nhiễm xuất hiện và lây lan, nhất là bệnh lây truyền qua đường hô hấp, tiềm ẩn nguy cơ gia tăng các dịch bệnh truyền nhiễm.
Các bệnh lưu hành như sốt xuất huyết, tay chân miệng… và một số bệnh có vaccine dự phòng ghi nhận số mắc gia tăng ở nhiều nơi.
Chỉ trong ba tuần qua, mỗi ngày Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận từ 50 - 70 bệnh nhi phải nhập viện do cúm A. Tất cả đều khởi phát từ các triệu chứng thông thường như sốt, ho, khó thở..., một số trẻ không có triệu chứng rõ ràng nhưng khi test nhanh đều mắc cúm A.
Theo TS.BS Đỗ Thiện Hải - Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, trong các trường hợp mắc cúm chỉ có một số ít trường hợp có cơ địa bệnh nền sẽ tăng nặng lên khi mắc cúm. Hoặc trẻ mắc cúm nhưng có biến chứng viêm phổi, suy hô hấp do bội nhiễm vi khuẩn, hoặc một số trường hợp tổn thương thần kinh trung ương như viêm não thì sẽ tăng nặng.
Nguyên nhân số ca mắc các bệnh về đường hô hấp tăng nhanh, một phần do chất lượng không khí của Hà Nội hiện ở mức xấu, có hại cho sức khỏe. Bên cạnh đó, thời tiết giao mùa, thay đổi nhiệt độ đột ngột cũng là nguyên nhân khiến virus lây lan, gây các bệnh về đường hô hấp. Trẻ em là đối tượng nhạy cảm với sự thay đổi của thời tiết, vì vậy, các bác sĩ cũng khuyến cáo các cha mẹ cần có một chế độ dinh dưỡng hợp lý để phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm.
BS Phạm Văn Phúc - Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho biết: Hiện nay đang có sự kết hợp giữa các loại virus, như trường hợp bệnh nhân nói trên là sự kết hợp giữa SARS-CoV-2 và cúm A. Hay nói cách khác, bệnh nhân đồng nhiễm cả 2 loại virus này. Đây là một yếu tố thúc đẩy khiến tình trạng của bệnh nhân diễn biến rất nhanh, bệnh nhân nguy kịch chỉ sau 2 ngày. Hơn nữa, hai loại virus này đều tấn công vào đường hô hấp khiến việc điều trị trở nên khó khăn hơn.
Các chuyên gia y tế phân tích, thời tiết giao mùa đông xuân và độ ẩm cao hiện đang là điều kiện thuận lợi để các loại virus, vi khuẩn phát triển. Đây là nguyên nhân khiến số bệnh nhân mắc cúm A tăng cao trong thời gian gần đây. Đáng lo ngại, đã ghi nhận ca bệnh mắc đồng thời cả cúm A và SARS-CoV-2 khiến suy hô hấp rất nặng.
Theo laodong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()