Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 17:47 (GMT +7)
Thói quen tắt điều hòa tốn hàng trăm số điện gia đình nào cũng mắc phải
Thứ 6, 30/06/2023 | 23:14:46 [GMT +7] A A
Chỉ tắt điều hòa bằng điều khiển từ xa sẽ khiến máy lạnh luôn ở chế độ chờ và tiêu thụ điện năng tương đương bóng đèn 15W bật cả ngày. Tổng số điện tiêu thụ trong 1 năm lên đến hàng trăm kWh.
Tắt điều hòa bằng điều khiển từ xa vẫn ngốn điện
Cũng như các thiết bị điện khác, máy lạnh có điều khiển từ xa (remote) giúp người sử dụng dễ dàng điều chỉnh tắt, mở cũng như các tính năng khác tiện lợi. Nhưng cũng từ điều khiển này, nhiều người đang mắc phải những sai lầm khi tắt máy lạnh gây tốn điện, giảm tuổi thọ của máy.
Thói quen phổ biến ở hầu hết các gia đình hiện này là thông thường khi tắt máy lạnh, nhiều người sẽ dùng điều khiển bấm tắt. Khi nào cần sử dụng thì lại dùng điều khiển bấm mở. Trên một số diễn đàn mạng xã hội có nêu ý kiến của chuyên gia điện máy cho rằng, cách tắt máy lạnh như thế này sẽ khiến máy lạnh luôn ở chế độ chờ và tiêu thụ điện năng tương đương bóng đèn 15W. Ngoài ra, nếu nguồn điện trong nhà bạn không ổn định việc tắt tạm thời bằng điều khiển có thể là giải pháp kém an toàn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ chập điện, cháy nguồn.
Đồng quan điểm này, GS.TS Nguyễn Đức Lợi, Hội Khoa học kỹ thuật lạnh và Điều hòa không khí Việt Nam cho biết, điều khiển từ xa của máy lạnh có lợi thế là nhanh chóng, bạn có thể sử dụng ở xung quanh phạm vi cho phép mà không cần nhất thiết phải di chuyển. Dù vậy, việc tắt máy lạnh bằng điều khiển được ví như giải pháp tạm thời nếu nhiệt độ phòng đã đủ mát hoặc bạn chỉ rời phòng trong một thời gian ngắn.
GS Lợi tính toán, nếu chỉ dùng điều khiển để tắt điều hòa, sẽ tốn khoảng 15W/ngày, tương đương với 1 bóng điện 15W thắp liên tục. 15Wx24hx30 ngày = 10,8 kWh/tháng= 131,4kWh/năm. Do vậy, nếu chỉ tắt điều hòa bằng điều khiển từ xa, mỗi gia đình có thể lãng phí hàng trăm số điện mỗi năm. Cộng số điện này của hàng triệu gia đình sẽ là một con số rất lớn.
Lời khuyên đưa ra là, bạn nên dùng điều khiển tắt máy lạnh trước, sau đó tắt nguồn (aptomat) để dừng hoàn toàn máy lạnh. Điều này giúp bạn tiết kiệm điện tối đa, bảo vệ thiết bị an toàn, khỏi ảnh hưởng của nguồn điện không ổn định, tăng tuổi thọ máy lạnh cũng như tiết kiệm điện tối đa. Khi có điện, máy điều hòa lại có thể làm việc tự động lại. Dàn lạnh làm việc ngay còn dàn nóng sau 3 phút có điện.
Sai lầm thường gặp nữa khi tắt máy lạnh mà nhiều người mắc phải là bật - tắt máy lạnh quá nhiều lần. Theo đó, việc bật - tắt máy lạnh liên tục có thể tốn điện và làm ảnh hưởng đến hoạt động của máy. Bên cạnh đó, việc ngừng hoạt động của máy lạnh một cách quá đột ngột cũng tiềm ẩn nguy nhiều nguy cơ ảnh hưởng tuổi thọ của máy.
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, tắt - mở máy lạnh liên tục có thể gây tiêu tốn điện năng gấp 2 - 3 lần. Theo nguyên lý hoạt động của máy lạnh, mỗi khi bạn tắt rồi bật lại, thiết bị cần phải hoạt động với công suất lớn hơn rất nhiều lần để khởi động máy nén và động cơ quạt để làm lạnh căn phòng đến nhiệt độ bạn vừa điều chỉnh. Từ đó, việc bật - tắt liên tục máy lạnh sẽ gây tiêu tốn điện năng và ảnh hưởng đến cả tuổi thọ của máy.
Sử dụng điều khiển của điều hòa nhiệt độ đúng cách
GS.TS Nguyễn Đức Lợi đưa ra một vài lưu ý về bộ điều khiển từ xa. Bộ điều khiển từ xa dùng 2 pin tiểu 1,5V. Nếu không sử dụng máy điều hòa lâu nên tháo pin ra đề phòng pin chảy nước làm hỏng điều khiển từ xa. Pin dùng được khoảng 1 năm, khi bật khó lên nên thay pin mới. Luôn luôn phải thay cả 2 pin một lúc và pin phải cùng chủng loại. Không nên tìm cách nạp lại pin khi đã hết. Không để trẻ con chơi đùa với điều khiển từ xa. Tránh đánh rơi hoặc làm ướt, hoặc phơi ra ánh nắng mặt trời. Tín hiệu điều khiển có thể trục trặc khi có đèn ống dùng tắc te trong phòng. Nếu bộ điều khiển từ xa ảnh hưởng tới các thiết bị vô tuyến khác thì phải chuyển các thiết bị đó ra xa hoặc sang phòng khác. Khoảng cách xa nhất còn tác dụng là 7m. Điều khiển không còn tác dụng khi có vật cản như rèm che…
Để tiết kiệm điện, không làm lạnh phòng quá mức, giữ nhiệt độ phòng vừa phải, giúp tiết kiệm điện. Nhiệt độ phòng mùa hè 27- 28 độ C, mùa đông 20 - 22 độ C. Giữ kín cửa sổ và cửa ra vào như có thể. Che nắng cho cửa sổ và hạn chế không khí nóng ở ngoài và sẽ tăng hiệu quả lạnh. Định kỳ 2 tuần 1 lần vệ sinh phin lọc không khí vì phin bị bí, tắc sẽ làm tăng tiếng ồn và giảm hiệu suất lạnh đáng kể.
Khi nhấn nút MODE và chọn AUTO thì máy điều hòa sẽ tự động chọn chương trình cài đặt sẵn thích hợp nhất với nhiệt độ ngoài nhà và nhiệt độ hiện tại trong nhà. Mỗi lần ấn nút MODE các chế độ sưởi ấm – hút ẩm – quạt – làm lạnh – AUTO sẽ lần lượt theo thứ tự hiện ra. Khi đến AUTO ta phải dừng lại. Nếu không muốn sử dụng chế độ tự động (AUTO), ta có thể điều chỉnh bằng tay vào các chế độ mong muốn. Khi máy đã chọn xong chế độ thì chế độ đó sẽ không thay đổi khi nhiệt độ trong phòng thay đổi. Tuy nhiên, khi đang làm lạnh mà nhiệt độ phòng tụt xuống dưới 22 độ C thì máy chuyển sang chế độ sưởi. Từ chế độ sưởi, nếu nhiệt độ phòng tăng lên trên 24 độ C thì máy tự động chuyển sang chế độ hút ẩm.
Theo chuyên gia, việc tiết kiệm điện cho điều hòa, phụ thuộc vào máy chỉ một phần. Nó còn phụ thuộc vào lắp đặt có chuẩn hay không (như chọn ví trí lắp dàn nóng, dàn lạnh có đúng không, chiều dài đường ống ga phải ngắn, chênh lệch chiều cao giữa 2 dàn phải thấp…), phòng điều hòa có chuẩn không (cửa phòng phải kín, cách nhiệt tốt, cửa sổ che nắng tốt, ít nguồn nhiệt, ẩm tỏa trong nhà…), sử dụng, vận hành máy có chuẩn không (cài đặt nhiệt độ hợp lý 26 - 28 độ C trong phòng, có thể dùng thêm quạt hỗ trợ, thông gió hợp lý, chiếu sáng hợp lý, sử dụng tối đa ánh sáng ngoài trời, thời gian bật điều hòa ít…), bảo dưỡng định kỳ (mỗi năm vệ sinh máy 1 ÷ 2 lần, kiểm tra ga, dầu…) có chuẩn không?
"Ví dụ, mùa hè ngủ nằm đệm, đắp chăn, bật điều hòa 20, 22 độ… thì làm sao có thể tiết kiệm được điện? Nhiệt độ trong nhà thấp hơn ngoài nhà từ 8 độ trở lên thì còn có nguy cơ bị cảm do sốc nhiệt và sẽ mắc các bệnh triền miên về hô hấp", GS.TS Nguyễn Đức Lợi nói.
Theo suckhoedoisong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()